Theo báo cáo của tỉnh Sơn La, với vị trí trung tâm vùng Tây Bắc, vị trí chiến lược quan trọng trong vùng Tây Bắc và Trung du miền núi Bắc Bộ, tỉnh có nhiều tiềm năng, lợi thế, đặc thù riêng so với các địa phương trong vùng. Đặc biệt, có tiềm năng đất đai, khí hậu, địa hình cho phát triển nông nghiệp, du lịch, năng lượng tái tạo...
Trên cơ sở bám sát chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, của Bộ Khoa học và Công nghệ cùng các bộ, ngành Trung ương, những năm qua, tỉnh Sơn La đã tập trung cụ thể hóa cơ chế, chính sách về phát triển khoa học và công nghệ, đưa khoa học và công nghệ không chỉ gắn mà thực sự đồng hành và thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Bên cạnh đó, phong trào khởi nghiệp sáng tạo đã bước đầu lan tỏa mạnh mẽ trong xã hội; tiềm lực khoa học và công nghệ được củng cố; hệ thống các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, bảo vệ và thực thi quyền sở hữu trí tuệ dần đáp ứng yêu cầu phát triển và hội nhập quốc tế.
Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Sơn La Nguyễn Thành Công, những thành tựu phát triển của các ngành, lĩnh vực nổi bật như: Nông nghiệp, giáo dục, an ninh, quốc phòng trong thời gian qua đều có sự đóng góp của khoa học và công nghệ. Tiêu biểu như việc nghiên cứu ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất và chế biến sản phẩm nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản gắn với chỉ dẫn địa lý, xây dựng thương hiệu sản phẩm; tổ chức thành công Ngày hội khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tỉnh Sơn La năm 2022; bước đầu triển khai các nội dung thuộc Đề án đo lường, Đề án truy suất nguồn gốc của Thủ tướng Chính phủ.
Nổi bật, trong năm 2021, tỉnh Sơn La đã triển khai thành công truy xuất nguồn gốc cho cây đào trên địa bàn tỉnh với việc cấp phát miễn phí gần 150.000 tem truy xuất cho 9/12 huyện, thành phố. Đến nay, tỉnh có 24 sản phẩm nông sản được Cục Sở hữu trí tuệ cấp văn bằng bảo hộ, trong đó 2 sản phẩm là "Chè Shan Tuyết" và "Xoài tròn Yên Châu" được bảo hộ tại thị trường châu Âu theo cam kết tại Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA).
Tỉnh Sơn La đã hoàn thành việc chuyển đổi hệ thống quản lý chất lượng sang tiêu chuẩn quốc gia TCVN ISO 9001:2015 cho các cơ quan hành chính nhà nước và 191 xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh. Cùng với đó, tỉnh bước đầu đưa vào khai thác và sử dụng hiệu quả Khu nghiên cứu ứng dụng, chuyển giao tiến bộ khoa học và công nghệ về nông, lâm nghiệp tại huyện Mộc Châu với các mô hình ứng dụng như: Mô hình trồng cà chua thương phẩm, mô hình trồng nấm hương và mô hình trồng nho đen không hạt giống Cự Phong.
Tuy nhiên, hoạt động khoa học công nghệ tại tỉnh Sơn La vẫn còn một số hạn chế, yếu kém và đang đứng trước nhiều khó khăn, thách thức. Các doanh nghiệp của tỉnh chủ yếu doanh nghiệp vừa và nhỏ, trình độ và năng lực công nghệ sản xuất còn thấp, năng lực tài chính để đầu tư đổi mới công nghệ còn hạn chế, nhất là công nghệ chế biến sản phẩm nông sản. Bên cạnh đó, những yếu tố bất lợi về thời tiết như sương muối, lũ quét và trình độ dân trí còn thấp là những nhân tố ảnh hưởng đến việc ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ vào sản xuất và đời sống...
Trước thực tế đó, để hoạt động ứng dụng khoa học và công nghệ trong thời gian tới đạt kết quả tốt hơn, tỉnh Sơn La rất mong nhận được sự quan tâm, hỗ trợ, hướng dẫn của Bộ Khoa học và Công nghệ để triển khai hiệu quả các chương trình phát triển hoạt động khoa học và công nghệ. Trong đó, chú trọng việc hỗ trợ, ứng dụng và chuyển giao khoa học công nghệ vào sản xuất nông nghiệp; Chương trình mỗi xã một sản phẩm; Chương trình chuyển đổi số trong xây dựng nông thôn mới; Chương trình khuyến nông, khuyến lâm, khuyến ngư.
Phát biểu tại buổi làm việc, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Huỳnh Thành Đạt đánh giá cao những kết quả tỉnh Sơn La đạt được trên các lĩnh vực trong thời gian qua. Bộ trưởng đề nghị tỉnh Sơn La cần tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính sách để nâng cao hiệu quả hoạt động khoa học và công nghệ, thúc đẩy doanh nghiệp đầu tư đổi mới công nghệ nâng cao chất lượng sản phẩm, nâng cao sức cạnh tranh của doanh nghiệp; tập trung thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ trong các lĩnh vực trọng điểm, xây dựng thương hiệu các sản phẩm nông, lâm, thủy sản gắn với bảo vệ môi trường.
Ngoài ra, Sơn La cần xây dựng và triển khai hiệu quả các chương trình hỗ trợ doanh nghiệp ứng dụng khoa học, công nghệ nhằm nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm; triển khai thực hiện có hiệu quả nội dung hỗ trợ phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo.
Để thúc đẩy hoạt động khoa công nghệ trong lĩnh vực nông nghiệp, Bộ trưởng Huỳnh Thành Đạt đề nghị tỉnh Sơn La quan tâm hơn nữa đến việc nghiên cứu, ứng dụng các công nghệ chế biến nhằm nâng cao giá trị, chất lượng sản phẩm, chủ động đầu ra cho các loại sản phẩm nông sản. Đối với các đề xuất, kiến nghị của tỉnh Sơn La, Bộ Khoa học và Công nghệ sẽ nghiên cứu, giao cho các đơn liên quan để cùng tháo gỡ, tổ chức triển khai.