Để công tác giảm nghèo ở miền núi đi vào thực chất, những năm qua, cấp ủy, chính quyền các địa phương đã tập trung làm tốt công tác dân vận nhằm khơi dậy sức mạnh đoàn kết, ý chí quyết tâm vươn lên thoát nghèo của đồng bào các dân tộc nơi đây.
Đến thôn Bình Sơn (xã Cẩm Bình, huyện Cẩm Thủy) những ngày cuối năm 2023, sự thay đổi của một vùng quê từng loay hoay với câu chuyện thoát nghèo mới có thể cảm nhận hết được sự chuyển biến lớn này. Những con đường bê tông rộng rãi dẫn vào tận các bản làng, trường học, trạm y tế, trụ sở xã, nhà văn hóa thôn... được xây dựng khang trang. Đây là kết quả từ sự đồng thuận của nhân dân trong cuộc vận động xây dựng nông thôn mới.
Bình Sơn là thôn có 100% đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống (dân tộc Dao), trước đây người dân chỉ quen với độc canh cây lúa, hiệu quả kinh tế không cao. Đến nay, người dân đã biết dồn điền, đổi thửa, chuyển những diện tích trồng lúa kém hiệu quả sang các loại cây trồng khác mang lại giá trị kinh tế cao hơn. Nhờ đó, thu nhập bình quân đầu người trong thôn không ngừng tăng qua các năm, đến nay đạt 53 triệu đồng/năm, toàn thôn chỉ còn 3 hộ nghèo.
Với tập tục canh tác manh mún, nhỏ lẻ, bao năm qua, gia đình ông Lương Duyên Khoa (xã Cẩm Bình, huyện Cẩm Thủy) mãi không thoát được nghèo. Được cán bộ dân vận tuyên truyền về các mô hình phát triển kinh tế, gia đình ông đã mạnh dạn chuyển đổi diện tích trồng lúa kém hiệu quả sang trồng ổi, bưởi. Mô hình này đã và đang mang lại thu nhập ổn định cho gia đình, sau khi trừ chi phí thu về 100 triệu đồng/năm.
Hiện, trên địa bàn huyện Cẩm Thủy có 40 mô hình Dân vận khéo đang phát huy hiệu quả trong việc tuyên truyền, vận động nhân dân tích cực tham gia phát triển kinh tế, khắc phục khó khăn, phục hồi hoạt động sản xuất kinh doanh. Nổi bật là các mô hình chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, ứng dụng khoa học - công nghệ vào sản xuất nông nghiệp sạch, thân thiện với môi trường; liên kết sản xuất, nuôi, trồng, chế biến, tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi giá trị, mang lại hiệu quả và nguồn thu nhập kinh tế cao góp phần xóa đói, giảm nghèo…
Bà Trịnh Thị Lan, Phó Trưởng ban Dân vận huyện ủy Cẩm Thủy cho biết, xác định công tác dân vận ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị từ huyện đến cơ sở, những năm qua, Ban đã thực hiện tốt việc tuyên truyền, khuyến khích đồng bào dân tộc thiểu số chủ động trong thực hiện chính sách dân tộc; tăng cường vai trò lãnh đạo của cấp ủy, chính quyền trong việc bám sát địa bàn, nắm chắc tình hình, đời sống, tâm tư nguyện vọng của đồng bào để chủ động tham mưu, đề xuất, kịp thời giải quyết khó khăn vướng mắc, tìm giải pháp giải quyết hiệu quả... Nhờ đó, địa phương đã xóa tình trạng nhà tạm, nhà dột nát; 100% số xã có đường ô tô đến trung tâm xã; không còn xã, thôn đặc biệt khó khăn; giải quyết cơ bản vấn đề đất sản xuất cho nông dân thiếu đất. Đến nay, tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn huyện còn 2,96%, giảm 0,98% so với năm 2022.
Tại huyện Thạch Thành, các cấp ủy Đảng đã phát huy vai trò của công tác dân vận, thông qua việc xây dựng, nhân rộng các mô hình trong lĩnh vực kinh tế, từ đó, tạo sự lan tỏa, thu hút đông đảo nhân dân tham gia, nhiều hộ dân có cơ hội vươn lên thoát nghèo. Nhiều mô hình Dân vận khéo trong cải tạo vườn tạp, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, ứng dụng khoa học - kỹ thuật vào chăn nuôi mang lại hiệu quả cao, giúp người dân thoát nghèo.
Điển hình như Đảng ủy xã Thành Tân (huyện Thạch Thành) đã chỉ đạo khối dân vận tập trung tuyên truyền, vận động nhân dân thay đổi tập quán canh tác, chuyển đổi các mô hình sản xuất, nhằm khai thác tiềm năng, lợi thế về đất đai ở địa phương. Đồng thời, Đảng ủy xã phân công các cấp ủy tham gia sinh hoạt với chi bộ nông thôn; hướng dẫn các cấp ủy Đảng cơ sở triển khai một số nhiệm vụ như: Thực hiện nghị quyết, chỉ thị của Đảng, phát triển kinh tế - xã hội, giảm nghèo bền vững, giữ vững an ninh - quốc phòng, xây dựng hệ thống chính trị... Từ công tác tuyên truyền, vận động, người dân trên địa bàn xã có nhiều thay đổi trong tư duy sản xuất, phát huy tinh thần vượt khó, ý chí tự vươn lên thoát nghèo, không còn tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào sự đầu tư, hỗ trợ của Nhà nước.
Ông Vũ Xuân Bá, Chủ tịch UBND xã Thành Tân cho biết, xã có 2 dân tộc Kinh và Mường, trong đó dân tộc Mường chiếm 59%. Những năm qua, địa phương đã làm tốt công tác dân vận gắn với giảm nghèo bền vững. Đến nay, thu nhập bình quân đầu người trong xã đạt hơn 51 triệu đồng/người/năm; địa phương còn 72 hộ nghèo tương đương 3,96%; 27 hộ cận nghèo tương đương 1,48%. So với năm 2022, hộ nghèo giảm 0,77%, cận nghèo giảm 5%...
Phong trào Dân vận khéo trong phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững ở huyện Thạch Thành đã, đang mang lại hiệu quả thiết thực. Trong đó, Hội Cựu chiến binh với các mô hình “3 +1”, “1.000 đồng với địa chỉ đỏ”, “Cựu chiến binh gương mẫu, cựu chiến binh giúp nhau giảm nghèo, làm kinh tế giỏi”... đã thu hút được đông đảo hội viên tham gia. Đoàn thanh niên huyện đã phát triển, nhân rộng 100 mô hình, phong trào tình nguyện vì cuộc sống cộng đồng; thành lập các Câu lạc bộ thanh niên phát triển kinh tế; phối hợp mở các lớp dạy nghề, hướng nghiệp cho khoảng 5.000 đoàn viên, thanh niên. Ngoài ra, còn có nhiều mô hình Dân vận khéo của các tổ chức, đoàn thể đã, đang hoạt động thiết thực, hiệu quả, được cấp ủy, chính quyền địa phương ghi nhận, đánh giá cao và nhân dân đồng tình hưởng ứng...
Ông Nguyễn Minh Tuân, Trưởng ban Dân vận huyện ủy Thạch Thành khẳng định phong trào thi đua và các mô hình Dân vận khéo đã giúp người dân các huyện miền núi thay đổi nếp nghĩ, cách làm. Từ đó, giúp nhiều gia đình áp dụng khoa học - kỹ thuật vào sản xuất, nâng cao đời sống, xóa đói, giảm nghèo bền vững.
Có thể nói, những kết quả trong phong trào thi đua Dân vận khéo đã góp phần quan trọng vào sự phát triển kinh tế - xã hội, giảm nghèo ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số xứ Thanh, nhân lên niềm tin của đồng bào với các tổ chức trong hệ thống chính trị ở mỗi địa phương, đơn vị.