Tại buổi làm việc, Phó Trưởng Ban Dân vận Trung ương Bùi Tuấn Quang đánh giá cao các mô hình “Dân vận khéo” mà thành phố Cần Thơ đã đạt được. Các mô hình “Dân vận khéo” vùng đồng bào tôn giáo luôn được xây dựng trên cơ sở thực tiễn, nhu cầu, nguyện vọng của người dân, được các cấp ủy chính quyền, nghiên cứu, lựa chọn và bàn bạc dân chủ với nhân dân từ khâu xây dựng nội dung đến tổ chức triển khai, giám sát thực hiện.
Về nguồn lực thực hiện các mô hình, thực tiễn cho thấy thành phố và các quận, huyện cơ sở đã huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc, vận động nguồn lực để tập trung cho các mô hình. Đặc biệt, cấp huyện, cơ sở đã huy động từ nguồn xã hội hóa, đóng góp của nhân dân để cùng xây dựng và duy tu các mô hình hiệu quả. Quá trình xây dựng mô hình, hệ thống dân vận các cấp không chỉ chú trọng đến nội dung, vật chất mà còn quan tâm thực hiện các tiêu chí về an ninh trật tự, xây dựng đời sống văn hóa tại khu dân cư vùng đồng bào tôn giáo. Vận động nhân dân tham gia xây dựng, giám sát, bảo quản thành quả, duy trì và phát triển, lan tỏa các mô hình một cách thiết thực, hiệu quả, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, an ninh trật tự tại địa phương…
Thời gian tới, Phó Trưởng ban Dân vận Trung ương yêu cầu, cấp ủy các cấp tiếp tục phát huy thế mạnh, lợi thế của phong trào “Dân vận khéo”, lắng nghe ý kiến của người dân, tiếp thu ý kiến từ cơ sở, đặc biệt là những sáng kiến trong xây dựng phong trào “Dân vận khéo”; tiếp tục triển khai xây dựng, duy trì, nhân rộng những mô hình “Dân vận khéo” hiệu quả. Các cấp ủy quan tâm kiểm tra, giám sát, phối hợp, tạo điều kiện để duy trì, phát huy và lan tỏa sức sống của các mô hình tiêu biểu; coi trọng vai trò lãnh đạo của các cấp ủy Đảng, chính quyền, mặt trận, các tổ chức chính trị xã hội; đổi mới phương thức, cách làm trong triển khai xây dựng mô hình…
Theo Ban Dân vận Thành ủy Cần Thơ, các mô hình điển hình trong phong trào thi đua “Dân vận khéo” đã phát huy hiệu quả trong giải quyết những vấn đề mới phát sinh từ thực tiễn cơ sở, tạo được sự đồng thuận trong nhân dân; tích cực góp phần phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh, xây dựng hệ thống chính trị; các mô hình điển hình tiêu biểu được xây dựng và nhân rộng ở các cấp, ngành, địa phương, đơn vị, với phương châm “Dân vận khéo thì việc gì cũng thành công” nhằm huy động sức mạnh tổng hợp của khối đại đoàn kết toàn dân tộc chăm lo lợi ích thiết thực cho nhân dân trong xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu, đô thị văn minh, giải quyết việc làm, giảm nghèo bền vững, chăm sóc sức khỏe...
Năm 2023, thành phố Cần Thơ có 2.642 mô hình được đăng ký trên các lĩnh vực đời sống xã hội gồm: 766 mô hình ở lĩnh vực kinh tế; 1.527 mô hình lĩnh vực văn hóa - xã hội; 232 mô hình lĩnh vực quốc phòng, an ninh; 117 mô hình lĩnh vực xây dựng hệ thống chính trị (trong đó có 52 mô hình “Dân vận khéo” liên quan đến việc phát huy giá trị đạo đức, văn hóa và nguồn lực của tôn giáo).
Một số mô hình điển hình “Dân vận khéo” tiêu biểu tại thành phố Cần Thơ được thực hiện hiệu quả, thiết thực như: Xe chuyển bệnh miễn phí, xây dựng sửa chữa cầu đường giao thông và giúp đỡ gạo, tiền cho hộ nghèo, hộ khó khăn ổn định cuộc sống (của Ban trị sự Giáo hội Phật giáo Hòa Hảo, phường Tân Lộc); Đội thợ hồ xây nhà miễn phí cho người nghèo (của Ban Tế tự Đình Tân Lộc Đông, phường Tân Lộc); Vận động đồng bào xứ đạo thực hiện mô hình 05 không "Không tội phạm, không ma túy, không mại dâm, không xảy ra tai nạn giao thông nghiêm trọng, không xảy ra chất nổ nghiêm trọng" (của Giáo xứ Thánh Linh và Giáo xứ Thanh Long, xã Thạnh Thắng); Vận động bà con giáo dân nâng cấp mở rộng đường giao thông nông thôn (của Giáo xứ Long Bình, xã Thạnh An)...