Cơ chế đặc thù đưa Hải Phòng trở thành động lực phát triển của cả nước

Nghị quyết số 35/2021/QH15 thí điểm về một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Hải Phòng vừa được Quốc hội thông qua sẽ là công cụ pháp luật quan trọng để Hải Phòng phát triển bứt phá và trở thành động lực tăng trưởng của cả nước.

Những điểm nhấn của cơ chế đặc thù 

Theo Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế đặc thù đối với Hải Phòng, phạm vi điều chỉnh của Nghị quyết này liên quan đến quản lý tài chính, ngân sách nhà nước, phân cấp quản lý nhà nước trong lĩnh vực đất đai, quy hoạch và thu nhập của cán bộ, công chức, viên chức thuộc thành phố quản lý.

Chú thích ảnh
Doanh nghiệp bốc xếp hàng hóa tại cảng Hải Phòng. Ảnh minh họa: Vân Sơn/Báo Tin tức

Tại các phiên thảo luận trước khi Nghị quyết này được thông qua, các đại biểu thuộc Đoàn Đại biểu Quốc hội thành phố Hải Phòng đều thống nhất đánh giá, cơ chế đặc thù sẽ mang đến cho Hải Phòng cơ hội phát triển mới. Với chính sách thu phí và lệ phí, thành phố sẽ có nguồn thu quan trọng để phục vụ đầu tư, phát triển kinh tế, xã hội.

Đối với quản lý đất đai, việc quyết định chuyển đổi mục đích sử dụng đất trồng lúa tuân thủ theo các quy định như thực hiện công khai, lấy ý kiến của người dân, đối tượng chịu sự tác động của chuyển đổi mục đích sử dụng đất và bảo đảm nguyên tắc, điều kiện chuyển mục đích sử dụng đất theo quy định của pháp luật về đất đai sẽ là cơ sở quan trọng để khi thành phố triển khai các dự án lớn, đặc biệt là các dự án liên quan đến phát triển bền vững, tránh được tình trạng thiếu cơ sở pháp lý như triển khai các dự án liên quan đến đất nông nghiệp, trong đó có đất rừng như trước đây.

Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hải Phòng Đỗ Mạnh Hiến đánh giá cao việc Nghị quyết này cho phép điều chỉnh thu nhập của cán bộ, công chức, viên chức thuộc thành phố quản lý. Hải Phòng là thành phố trực thuộc Trung ương nhưng lương cơ bản của cán bộ, viên chức, người lao động chỉ tương đồng với các tỉnh, thành phố khác.

Do đó, Nghị quyết quy định Hội đồng nhân dân thành phố được quyết định sử dụng nguồn cải cách tiền lương còn dư của ngân sách thành phố và cho phép ngân sách cấp dưới sử dụng nguồn cải cách tiền lương còn dư để chi thu nhập bình quân tăng thêm cho cán bộ, công chức, viên chức làm việc trong các cơ quan chính quyền, Đảng, đoàn thể do thành phố quản lý theo hiệu quả công việc với mức không quá 0,8 lần mức lương ngạch bậc, chức vụ hoặc mức lương theo vị trí việc làm, chức danh, chức vụ lãnh đạo. Mức thu nhập cho các chuyên gia, nhà khoa học, tài năng đặc biệt của thành phố do Hội đồng nhân dân thành phố quy định sẽ là cơ sở quan trọng để thành phố điều chỉnh thu nhập cho người lao động và giữ chân nhân tài.

Chuyển đổi từ cực tăng trưởng thành động lực tăng trưởng của cả nước

Tại buổi tiếp xúc với cử tri của thành phố Hải Phòng ngày 17/11, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ khẳng định, cơ chế đặc thù vừa được Quốc hội thông qua sẽ đưa Hải Phòng từ một cực tăng trưởng trở thành động lực phát triển của cả nước. Hải Phòng trở thành thành phố hiện đại, có vị thế trong khu vực, quốc tế.

Ông Phạm Thành Văn, nguyên Thành ủy viên, nguyên Chánh Thanh tra thành phố Hải Phòng bày tỏ sự phấn khởi khi nghị quyết thí điểm về một số cơ chế đặc thù phát triển thành phố Hải Phòng được Quốc hội thông qua.

Theo ông Phạm Thành Văn, Hải Phòng được Bộ Chính trị ra hai Nghị quyết chuyên đề gồm Nghị quyết 32 năm 2015 và Nghị quyết 45 năm 2019. Cả 2 nghị quyết đều định hướng cho Hải Phòng nghiên cứu thực hiện một số cơ chế, chính sách đột phá, đặc thù nhưng phải đến kỳ họp thứ 2 Quốc hội khóa XV định hướng trên mới được hiện thực bằng một văn bản quy phạm pháp luật.

Nghị quyết có ý nghĩa to lớn tạo động lực, nguồn nhân lực để Hải Phòng phát triển đột phá, xứng đáng là trọng điểm trong tứ giác phát triển của khu vực phía Bắc, vì Hải Phòng và vì cả nước. Trước yêu cầu đổi mới, việc xây dựng Đảng, hoàn thiện thể chế để tạo lập khuôn khổ pháp lý đồng bộ, hiệu lực, hiệu quả, ổn định phục vụ cho xây dựng và phát triển đất nước như chỉ đạo của Chủ tịch Quốc hội theo phương châm "từ sớm, từ xa" rất cần đột phá về cơ chế quản lý phát triển. Vì vậy, phải có địa phương đi đầu. Hải Phòng phát triển không chỉ cho Hải Phòng mà còn cho cả đất nước.

Ông Phạm Thành Văn đề nghị, để Nghị quyết sớm có hiệu quả, Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội quan tâm đôn đốc, chỉ đạo và giám sát việc thực hiện vì Nghị quyết chỉ có thời hạn trong 5 năm, nhiều nội dung để thực hiện được phải do Chính phủ quy định và hướng dẫn thực hiện.

Chính phủ chỉ đạo các bộ, ban, ngành Trung ương quan tâm phối hợp với thành phố Hải Phòng để triển khai thực hiện Nghị quyết, nhất là nghiên cứu, rà soát, tháo gỡ những vướng mắc, tồn tại của các địa phương được thí điểm thực hiện các cơ chế chính sách đặc thù (Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng) để quá trình thực hiện nghị quyết của Quốc hội tại Hải Phòng hiệu quả hơn, tốt hơn.

Ông Phạm Thành Văn còn đề nghị, Chính phủ chỉ đạo các cơ quan trung ương phối hợp với thành phố Hải Phòng sớm triển khai xây dựng Đề án thành lập khu thương mại tự do để báo cáo Bộ Chính trị quyết định, sớm trình Quốc hội thông qua, vì Hải Phòng thực sự là địa phương có nhiều lợi thế. Về vị trí địa lý kinh tế, là một trong bốn trọng điểm phát triển, lợi thế về logistics chi phí hợp lý, nguồn nhân lực có chất lượng. Thời điểm khi đại dịch COVID-19 đang diễn biến phức tạp là thách thức nhưng cũng xuất hiện thời cơ đó chính là việc cơ cấu lại chuỗi cung ứng ở phạm vi trong nước và cả trên phạm vi quốc tế.

Minh Thu (TTXVN)
Thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển 4 tỉnh, thành phố
Thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển 4 tỉnh, thành phố

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã ký ban hành các Nghị quyết: số 35/2021/QH15, 36/2021/QH15, 37/2021/QH15, 38/2021/QH15 thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Hải Phòng và các tỉnh: Nghệ An, Thanh Hóa, Thừa Thiên Huế.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN