Chủ động các giải pháp ứng phó với diễn biến mới của dịch

Trước diễn biến phức tạp của dịch COVID-19, các địa phương chủ động các giải pháp ứng phó với diễn biến mới của dịch.

Khánh Hòa lên kế hoạch tiêm vaccine cho trên 26.000 người

Chú thích ảnh
Tiêm vaccine AstraZeneca phòng COVID-19 cho nhân viên y tế tuyến đầu chống dịch của Bệnh viện Bệnh nhiệt đới tỉnh Khánh Hòa. Ảnh: Phan Sáu/TTXVN

Chiều 23/7, Ủy ban nhân dân tỉnh Khánh Hòa ban hành kế hoạch 6843/KH- UBND về việc tổ chức tiêm vaccine phòng COVID-19 đợt 4 trên địa bàn tỉnh. Theo đó, đợt này có khoảng 26.850 người được tiêm mũi 1; đối với mũi 2 sẽ căn cứ vào số lượng vaccine do Bộ Y tế cung cấp để triển khai thực hiện. Đối tượng được tiêm trong đợt 4 thực hiện theo thứ tự ưu tiên của Nghị quyết 21 của Chính phủ (ban hành ngày 26/2/2021) và Quyết định số 3355 của Bộ Y tế (8/7/2021). Dự kiến, thời gian tiêm diễn ra vào ngày 28/7 trên toàn tỉnh. 

Việc tiêm vaccine đợt 4 lần này ngoài mục tiêu chung phòng chống chủ động bằng việc sử dụng vaccine COVID-19 cho các đối tượng nguy cơ và cộng đồng, tỉnh Khánh Hòa còn hướng đến 95% đối tượng nguy cơ và cộng đồng được tiêm đủ mũi theo từng đợt phân bổ và đảm bảo an toàn trong tiêm chủng vaccine phòng bệnh.

Cũng chiều 23/7, theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Khánh Hòa, từ 16 giờ ngày 22 đến 16 giờ 23/7, tỉnh Khánh Hòa ghi nhận 181 ca dương tính mới với SARS-CoV-2. Tập trung ở 3 địa phương, thành phố Nha Trang, thị xã Ninh Hòa và huyện Vạn Ninh. Đây là số ca mắc  cao nhất trong một ngày từ thời điểm bùng dịch đến nay ở tỉnh Khánh Hòa.

Tính từ ngày 23/6 đến 16 giờ 23/7, tỉnh Khánh Hòa ghi nhận 980 ca mắc COVID-19. Trong đó, thị xã Ninh Hòa nhiều nhất với 706 ca, thành phố Nha Trang 217 ca, huyện Vạn Ninh 31 ca... Toàn tỉnh đã truy vết được 3.842 F1 và 10.036 F2, phong tỏa tạm thời 119 địa điểm, khu dân cư.

Bà Rịa - Vũng Tàu tranh thủ "thời gian vàng" bóc tách F0 ra khỏi cộng đồng

Chú thích ảnh
Ông Trần Văn Tuấn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Phó Trưởng Ban Thường trực Ban chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu và ông Nguyễn Công Vinh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì cuộc họp báo. Ảnh: TTXVN

Chiều 23/7, ông Trần Văn Tuấn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Phó Trưởng ban thường trực Ban chỉ đạo Phòng, chống dịch COVID-19 tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu thông tin: Tính từ ngày 28/6 khi phát hiện ca nhiễm COVID-19 đầu tiên trong cộng đồng đến nay, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu ghi nhận 440 ca, riêng ngày 23/7, tỉnh ghi nhận 80 ca nhiễm (huyện Long Điền 66 ca, Vũng Tàu 5 ca và Xuyên Mộc 9 ca).

Dịch bệnh hiện nay đang tiếp tục diễn biến phức tạp ở các địa bàn thành phố Vũng Tàu, huyện Xuyên Mộc và huyện Long Điền. Khi thành phố Vũng Tàu thực hiện giãn cách xã hội, Ban chỉ đạo đã triển khai kế hoạch truy vết, lấy mẫu xét nghiệm, sàng lọc, bóc tách tất cả các ca F0 ra khỏi cộng đồng, thu hẹp vùng đỏ lại, tạo ra tạo ra những "vùng xanh" ngày càng rộng hơn. Hiện những ca phát sinh tại thành phố Vũng Tàu đều ở trong khu phong tỏa.

Đối với huyện Xuyên Mộc, ban đầu phát hiện một số ca chưa xác định nguồn lây. Sau khi thực hiện phong tỏa, sàng lọc, xét nghiệm đã “bóc tách” các ca F0 ra khỏi cộng đồng. Hiện nay địa bàn huyện Xuyên Mộc có thể khẳng định là đã khá ổn. Đối với huyện Long Điền, từ 28/6 khi phát hiện ca nhiễm trong cộng đồng đâu tiên của tỉnh tại đây, tỉnh đã phong tỏa, truy vết và lấy mẫu toàn bộ xã Phước Tỉnh, một số vùng lân cận của thị trấn Long Hải, xã Phước Hưng. Tuy nhiên, sau đó có một ca F0 từ tỉnh Đồng Nai về thị trấn Long Hải, xã Phước Tỉnh để mua bán cá thì lại lây lan, xuất hiện các ca F0 mới. Hiện nay tỉnh cũng đã phong tỏa, quyết liệt triển khai lấy mẫu xét nghiệm ở khu vực này.

Đối với các Khu công nghiệp, Cụm Công nghiệp trên địa bàn tỉnh vẫn đang được kiểm soát tốt. Đến nay chưa phát hiện ca nhiễm nào tại đây. Ca F1, F2 có một số trường hợp nhưng đã kịp thời “bóc tách”.

Ông Trần Văn Tuấn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Phó Trưởng ban thường trực Ban chỉ đạo Phòng, chống dịch COVID-19 tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu nhận định: “Trong 5 ngày thực hiện giãn cách xã hội và những ngày tới số lượng ca F0 được phát hiện tăng lên, các ca mắc mới chủ yếu nằm trong khu cách ly tập trung, phong tỏa, chỉ ghi nhận ở ngoài cộng đồng là 7 ca chưa xác định nguồn lây. Tỉnh xác định đã đi đúng hướng theo phương châm truy vết, đón đầu, khoanh vùng, dập dịch. Đồng thời có những giải pháp linh hoạt, đảm bảo duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh, an toàn trong công tác phòng chống dịch”.

Bác sĩ Phạm Minh An, Giám đốc Sở Y tế tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu cho biết, hiện nay, các cơ sở cách ly tập trung của tỉnh đều đang thực hiện theo đúng quy trình được đưa ra, do đó, khả năng lây nhiễm chéo là không nhiều. Việc nhiều ca nhiễm xuất hiện trong khu cách ly là bởi các đối tượng này đều là F1, có nguy cơ nhiễm COVID-19 cao. Về việc Bà Rịa-Vũng Tàu có tính đến phương án thực hiện theo Chỉ thị 16 tăng cường hay không, Giám đốc Sở Y tế nhận định, dịch COVID-19 trên địa bàn tỉnh đang được kiểm soát tốt, tuy nhiên, ngành y tế vẫn sẽ nghiên cứu, xem xét các phương án để trình UBND tỉnh phù hợp với diễn biến của dịch bệnh.

Những ngày tiếp theo tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu xác định cần quyết liệt, chủ động hơn nữa, tập trung vào công tác tầm soát, lấy mẫu xét nghiệm, kịp thời phân tích để đưa ra những chiến lược phòng chống dịch cho phù hợp.

Về an sinh xã hội, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã giao Sở Lao động, Thương binh và Xã hội phối hợp với các địa phương tạm ứng kinh phí để chi trả cho các đối tượng ảnh hưởng bởi dịch bệnh, cùng với đó, có các giải pháp đồng bộ để bảo đảm cuộc sống người dân trong thời gian giãn cách xã hội.  Hiện nay đang là thời gian vàng để kiểm soát và dập dịch nhanh nhất, do đó, Bà Rịa-Vũng Tàu đang quyết liệt, tích cực truy vết, khoanh vùng xét nghiệm bóc tách các F0 ra khỏi cộng đồng.

Tây Ninh thành lập 3 bệnh viện dã chiến và 4 bệnh viện điều trị COVID-19

UBND tỉnh Tây Ninh vừa quyết định thành lập 3 bệnh viện dã chiến và 4 bệnh viện điều trị COVID-19 trực thuộc Sở Y tế tỉnh.
 
Bệnh viện dã chiến thứ nhất được trưng dụng hạ tầng của Trường Phổ thông Dân tộc nội trú tỉnh Tây Ninh (số 78, đường Trần Phú, khu phố Ninh Trung, phường Ninh Sơn, thành phố Tây Ninh) có quy mô 250 giường bệnh; Thứ hai là Bệnh viện dã chiến trưng dụng hạ tầng của Trường Cao đẳng Sư phạm Tây Ninh (khu phố Ninh Trung, phường Ninh Sơn, thành phố Tây Ninh) có quy mô 250 gường bệnh; Bệnh viện dã chiến thứ ba đặt tại Bệnh viện Đa khoa tư nhân Cao Văn Chí cũ (đường Tôn Đức Thắng, xã Long Thành Trung, thị xã Hoà Thành) có quy mô 120 giường bệnh. Ba bệnh viện dã chiến kể trên đều thuộc bệnh viện hạng II; tiếp nhận, điều trị bệnh nhân COVID-19 trên địa bàn tỉnh, thể không triệu chứng, có triệu chứng mức độ nhẹ và thực hiện danh mục kỹ thuật theo phân tuyến của Bệnh viện đa khoa tỉnh, Trung tâm y tế thị xã Hòa Thành đã được Sở Y tế phê duyệt.

Còn Bệnh viện điều trị COVID-19 thứ nhất đặt tại Trung tâm Y tế huyện Bến Cầu (Tỉnh lộ 786, ấp Thuận Tây, xã Lợi Thuận) trực thuộc Sở Y tế, là bệnh viện hạng III, quy mô 75 giường, nhân sự được trưng dụng từ Trung tâm y tế huyện, có nhiệm vụ tiếp nhận, điều trị bệnh nhân COVID-19 trên địa bàn tỉnh từ triệu chứng nhẹ đến trung bình có bệnh lý đi kèm và thực hiện danh mục kỹ thuật theo phân tuyến của Trung tâm Y tế huyện đã được Sở Y tế phê duyệt.
 
Bệnh viện điều trị COVID-19 thứ hai đặt tại Bệnh viện Lao và Bệnh phổi tỉnh (ấp Bình Long, xã Thái Bình, huyện Châu Thành), trực thuộc Sở Y tế. Nhân sự hoạt động từ Bệnh viện này và các đơn vị khác do Sở Y tế điều động, là bệnh viện hạng II, quy mô 60 giường. Bệnh viện tiếp nhận, điều trị bệnh nhân COVID-19 trên địa bàn tỉnh từ mức độ trung bình có nhiều bệnh lý nền đi kèm và mức độ nặng; thực hiện danh mục kỹ thuật theo phân tuyến của Bệnh viện Lao và Bệnh phổi đã được Sở Y tế phê duyệt.
 
Bệnh viện điều trị COVID-19 thứ ba được thành lập trên cơ sở trưng dụng hạ tầng, nhân sự của Trung tâm Y tế huyện Châu Thành (Tỉnh lộ 49, đường Tua Hai- Đồng Khởi, khu phố 1, Thị trấn huyện Châu Thành), là bệnh viện hạng III, quy mô 65 giường; tiếp nhận, điều trị bệnh nhân COVID-19 trên địa bàn tỉnh từ triệu chứng nhẹ đến trung bình có bệnh lý đi kèm và thực hiện danh mục kỹ thuật theo phân tuyến của Trung tâm Y tế huyện Châu Thành đã được Sở Y tế phê duyệt.

Bệnh viện điều trị COVID-19 thứ tư được thành lập trên cơ sở chuyển đổi công năng trưng dụng hạ tầng, nhân sự của Bệnh viện Phục hồi chức năng tỉnh (số 4, đường Nguyễn Hữu Thọ, khu phố 5, phường 3, thành phố Tây Ninh); là bệnh viện hạng II, quy mô 42 giường, tiếp nhận, điều trị bệnh nhân COVID-19 trên địa bàn tỉnh từ trung bình có bệnh lý đi kèm, mức độ nặng và thực hiện danh mục kỹ thuật theo phân tuyến của Bệnh viện Phục hồi chức năng đã được Sở Y tế phê duyệt.

Nhân sự tăng cường cho các bệnh viện được huy động từ Bệnh viện đa khoa tỉnh và do Sở Y tế điều động từ các đơn vị khác đến.

Theo ông Nguyễn Văn Cường, Phó giám đốc Sở Y tế Tây Ninh, tình hình dịch bệnh trên địa bàn tỉnh tiếp tục diễn biến phức tạp, số ca nhiễm vẫn gia tăng tại các điểm nóng như huyện Dương Minh Châu, thị xã Trảng Bàng; nhiều ca nhiễm chưa xác định được yếu tố dịch tễ, một số huyện, thị xã phát hiện một số ổ dịch mới. Trong ngày 23/7/2021, toàn tỉnh phát hiện thêm 162 ca dương tính với vi rút SARS-CoV-2, trong đó có 7 ca nhập cảnh, 155 ca ngoài cộng đồng.

Cụ thể, huyện Dương Minh Châu 109 ca, thị xã Hòa Thành 6 ca, huyện Tân Châu 13 ca, thành phố Tây Ninh 9 ca, thị xã Trảng Bàng 16 ca, huyện Tân Biên 1 ca, người ngoài tỉnh 1 ca. Trong ngày tỉnh phát hiện 5 ca dương tính tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh, bệnh viện phải tạm ngưng tiếp nhận bệnh nhân, tiến hành xét nghiệm sàng lọc và thực hiện các biện pháp phòng chống dịch.

Phóng viên TTXVN tại các địa phương
Những 'chiến sỹ' kiên cường chống dịch COVID-19 - Bài cuối: Bền gan quyết chí
Những 'chiến sỹ' kiên cường chống dịch COVID-19 - Bài cuối: Bền gan quyết chí

Trước diễn biến phức tạp của dịch COVID-19, những ngày qua, hàng trăm y bác sĩ tại TP Hồ Chí Minh đã hối hả lên đường chi viện cho các bệnh viện điều trị COVID-19 trên địa bàn thành phố và các tỉnh lân cận với quyết tâm chung tay cùng thành phố sớm chặn đứng dịch bệnh.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN