Những 'chiến sỹ' kiên cường chống dịch COVID-19 - Bài cuối: Bền gan quyết chí

Trước diễn biến phức tạp của dịch COVID-19, những ngày qua, hàng trăm y bác sĩ tại TP Hồ Chí Minh đã hối hả lên đường chi viện cho các bệnh viện điều trị COVID-19 trên địa bàn thành phố và các tỉnh lân cận với quyết tâm chung tay cùng thành phố sớm chặn đứng dịch bệnh.

Hết mình vì bệnh nhân

Chạy đi chạy về giữa hai bệnh viện với hàng chục cây số từ Bệnh viện Hồi sức COVID-19 và Bệnh viện Chợ Rẫy (do Bệnh viện Chợ Rẫy vẫn là nòng cốt điều trị COVID-19 cho miền Tây và miền Đông Nam Bộ), Tiến sĩ, Bác sĩ Chuyên khoa 2 Nguyễn Tri Thức, Giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy kiêm Giám đốc bệnh viện Hồi sức COVID-19 cho biết: "Khi nhận nhiệm vụ này, tôi rất bất ngờ nhưng mình cảm thấy vinh hạnh vì được lãnh đạo thành phố tin tưởng".

Chú thích ảnh
Bác sĩ Nguyễn Tri Thức họp bàn các chiến lược chặn dịch từ xa tại Bệnh viện hồi sức COVID-19. Ảnh: Bệnh viện Chợ Rẫy cung cấp

“Hiện nay, áp lực lớn nhất Bệnh viện Hồi sức COVID-19 là hoạt động với một cường độ cao nhất, công suất lớn nhất nên ban đầu cũng có một số vấn đề về hậu cần điều trị chưa đảm bảo. Đứng trên góc độ của cá nhân, là mình nhìn thực trạng khách quan để cố gắng hoàn thành nhiệm vụ chứ không phải đổ thừa khó khăn. Vì vậy, chúng tôi đều cố gắng vượt qua hoàn cảnh với nỗ lực bản thân ở mức độ cao nhất. Tuy khó khăn nhiều nhưng tất cả anh em đều rất đồng tâm và đồng lòng, nhiều lực lượng khác nhau nhưng anh em đều đoàn kết thành một khối...”, bác sĩ Nguyễn Tri Thức nói.

Cũng theo các bác sĩ, khi vào môi trường này, có một thuận lợi là tất cả mọi người đều quán triệt không kể ngày giờ, không nghĩ đến chế độ bồi dưỡng, chỉ quan tâm đến việc kéo giảm tối đa các trường hợp bệnh nhân nặng, vì nhiệm vụ quan trọng của các bác sĩ Bệnh viện Hồi sức COVID-19 là phải giành lại sự sống cho các bệnh nhân. Tuy nhiên, muốn giành lại sự sống cho bệnh nhân thì phải đánh chặn từ xa, không để cho bệnh nhân chuyển nặng.

“Chính vì vậy, các y, bác sĩ xác định khổ cỡ nào cũng được, miễn bệnh nhân khỏe lại là đội ngũ y, bác sĩ rất vui và tinh thần cũng như được sống lại cùng bệnh nhân”, bác sĩ Nguyễn Tri Thức nói.

Chú thích ảnh
Trước khi vào làm việc trong phòng điều trị bệnh nhân COVID-19, các nhân viên y tế tại Bệnh viện hồi sức COVID-19 buộc phải mang đồ bảo hộ cấp 4 (cấp cao nhất cho nhân viên y tế khu vực nguy hiểm). Ảnh: Bệnh viện Chợ Rẫy cung cấp

Theo bác sĩ Nguyễn Tri Thức, có những niềm vui rất lớn làm động lực cho đội ngũ y, bác sĩ cố gắng hoàn thành nhiệm vụ trong những ngày qua, đó là sự quan tâm sâu sắc từ lãnh đạo TP Hồ Chí Minh, Bộ Y tế, Chính phủ và đặc biệt là tấm lòng người dân hướng về đội ngũ y, bác sỹ trong Bệnh viện Hồi sức COVID-19.

Cụ thể, các nhân viên y tế nhận được rất nhiều tin nhắn điện thoại, chia sẻ động viên và hỏi thăm từ miếng ăn, giấc ngủ và tất cả sự hỗ trợ của cộng động doanh nghiệp, của bà con. Đây là nguồn động viên tinh thần, là sức mạnh tiếp sức cho các đội ngũ y, bác sĩ trong bệnh viện. Đặc biệt, động lực lớn nhất của các bác sỹ điều trị là nhìn những bệnh nhân nặng đã dần hồi phục và được chuyển viện về những bệnh viện thấp hơn.

Chia lửa cho nhiều tâm dịch

Bác sĩ Nguyễn Tri Thức cho biết, hiện nay công việc vận hành tại Bệnh viện Hồi sức COVID-19 đang dần ổn định, đội ngũ y, bác sĩ cũng đang được bổ sung về khá nhiều. Cụ thể, bệnh viện đã có hơn 650 nhân sự đến từ nhiều bệnh viện tuyến trung ương và địa phương trên cả nước về đây làm việc. Nguồn nhân lực tại bệnh viện được phân chia thành nhiều ca, kíp với sự “trộn lẫn” của các y bác sĩ từ các bệnh viện, các địa phương với nhiều chuyên khoa khác nhau. Điều đó vừa tạo sự đa dạng trong chuyên môn của từng đội, đáp ứng được yêu cầu quan trọng trong điều trị bệnh nhân COVID-19 ở tuyến cuối.

Riêng công việc hàng ngày tại Bệnh viện Hồi sức COVID-19, đội ngũ y, bác sĩ được chia làm 3 ca, 4 kíp. Ca sáng từ 7 giờ tới 14 giờ, ca chiều từ 14 giờ đến 21 giờ và ca đêm từ 21 giờ tới 7 giờ sáng hôm sau. Trước khi vào làm việc trong phòng điều trị bệnh nhân COVID-19, các nhân viên y tế buộc phải mang đồ bảo hộ cấp 4 (cấp cao nhất cho nhân viên y tế khu vực nguy hiểm).

Chú thích ảnh
 Bác sĩ Trần Thanh Linh (bìa phải) chia tay đồng nghiệp tại Bắc Giang trước khi về TP Hồ Chí Minh. Ảnh: Bệnh viện Chợ Rẫy cung cấp

Cũng theo bác sĩ Nguyễn Tri Thức, hiện các bác sĩ của Bệnh viện Chợ Rẫy đang phải chia lửa rất nhiều điểm. Theo đó, đội ngũ cắm chốt ở bệnh viện Hồi sức COVID-19 nhưng tại Bệnh viện Chợ Rẫy vẫn có 200 ca bệnh, mới đây thêm 300 giường. Suốt đợt dịch COVID-19, đã có tổng cộng 181 y bác sĩ lên đường đi chi viện. Trong đó, đội ngũ bác sĩ vừa chia người cho các bệnh viện dã chiến tại TP Hồ Chí Minh, vừa cử đoàn bác sĩ hồi sức chuyên nghiệp đi tiếp sức cho Đồng Nai, Long An, Bình Dương, Tiền Giang… và còn tham gia tiêm chủng vaccine, lấy mẫu xét nghiệm cho người dân.

"Trước tình hình dịch bệnh tại TP Hồ Chí Minh đang diễn biến phức tạp, số bệnh nhân tiếp tục gia tăng, số lượng bệnh nhân nặng ngày càng nhiều, vì thế bệnh viện đang rất cần những lực lượng điều trị có kinh nghiệm hỗ trợ từ các tỉnh, thành trong thời gian sắp tới. Ngoài ra, việc Bệnh viện Chợ Rẫy tham gia chi viện những các bác sỹ chuyên sâu hồi sức cấp cứu cho các tỉnh, thành lân cận cũng là nhiệm vụ chung của các bác sĩ trong y tế để hướng đến mục tiêu duy nhất đẩy lùi dịch bệnh, trả lại cuộc sống bình thường cho người dân", bác sĩ Nguyễn Tri Thức nói.

Trong khi đó, bác sĩ Trần Thanh Linh, người từng đi tham gia chi viện cho nhiều tâm dịch như Bắc Giang cho biết: "Sau khi rời Bắc Giang trở về, chúng tôi được sắp xếp điều động hỗ trợ các bệnh viện tại TP Hồ Chí Minh. Dịp này, chúng tôi được điều động tham gia vận hành Bệnh viện Hồi sức COVID-19. Đội ngũ y bác sỹ của Bệnh viện Chợ Rẫy nói riêng và đội ngũ y bác sỹ cả nước luôn làm việc với quyết tâm cao nhất trong cuộc chiến này". 

Chú thích ảnh
Bài: Hoàng Tuyết - Đan Phương, ảnh: Bệnh viện Chợ Rẫy cung cấp
Những 'chiến sỹ' kiên cường chống dịch COVID-19 - Bài 2: Giành giật sự sống cho bệnh nhân
Những 'chiến sỹ' kiên cường chống dịch COVID-19 - Bài 2: Giành giật sự sống cho bệnh nhân

Bác sỹ Trần Thanh Linh, Phó khoa Hồi sức cấp cứu (Bệnh viện Chợ Rẫy), Phó Giám đốc Bệnh viện Hồi sức COVID-19 kể: "Nhiều lúc bệnh nhân trên lầu đột ngột ngưng thở, cần đặt nội khí quản, anh em liền leo thang bộ chạy đi, mình nhìn theo thôi cũng thấy xót xa. Ngoài ra, chỉ cần bác sĩ rảnh tay thì làm cả công việc của điều dưỡng, điều dưỡng làm cả việc của hộ lý… tất cả chỉ để giành lại sự sống cho các bệnh nhân COVID-19 nặng".

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN