Cà Mau huy động trên 31.200 tỷ đồng xây dựng công trình phòng, chống sạt lở

Theo ông Nguyễn Thanh Tùng, Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Cà Mau, giai đoạn 2021 - 2025 và định hướng đến năm 2030, tỉnh Cà Mau có nhu cầu kinh phí trên 31.200 tỷ đồng để đầu tư xây dựng các công trình phòng, chống sạt lở bờ biển, bờ sông, đê biển... Trong đó, tỉnh đề xuất Trung ương hỗ trợ 26.842 tỷ đồng, dự kiến nhu cầu kinh phí từ ngân sách tỉnh 2.310 tỷ đồng và vốn xã hội hóa 2.054 tỷ đồng.

Chú thích ảnh
Công trình kè đoạn Kinh Mới - Đá Bạc. Ảnh tư liệu: Kim Há/TTXVN

Cũng trong giai đoạn này, tỉnh dự kiến đầu tư xây dựng 177 công trình phòng, chống sạt lở. Cụ thể, bờ biển có 10 công trình, bờ sông có 30 công trình, giảm thiểu xói lở có 36 công trình, đê biển có 5 công trình và đê sông có 96 công trình.

Tỉnh Cà Mau hiện có tổng chiều dài bờ biển đang tiếp tục bị sạt lở là khoảng 91km, với các mức độ khác nhau. Đơn cử, bờ biển Tây sạt lở nguy hiểm 22km, bờ biển Đông sạt lở đặc biệt nguy hiểm 29,15km và sạt lở nguy hiểm 40,3km. Riêng bờ biển Đông cho đến nay, tuyến đê biển Đông chưa được đầu tư, tốc độ sạt lở bờ biển nơi đây từ 45m đến 50m/năm, cá biệt có những nơi lên đến 80m đến 100m/năm.

Dự báo trong vài năm tiếp theo nếu không có giải pháp bảo vệ thì sạt lở sẽ tiến sâu vào đất liền và uy hiếp đến hạ tầng bên trong. Các đoạn bờ biển đang bị sạt lở ở mức độ đặc biệt nguy hiểm và nguy hiểm có tốc độ sạt lở bình quân 45m đến 50m/năm, nên cần có các giải pháp công trình bảo vệ phòng chống sạt lở bờ biển Đông, với tổng chiều dài 69,45km.

Với tốc độ sạt lở rất nghiêm trọng như hiện nay, nếu không có giải pháp bảo vệ ngay thì trong thời gian tới sạt lở ven biển sẽ tiếp tục làm mất thêm nhiều diện tích đất, rừng phòng hộ. Bởi, đây là diện tích đất, cây rừng đã được hình thành qua hàng trăm năm. Đáng quan tâm là sạt lở tiếp tục tiến sâu vào đất liền không chỉ làm mất thêm đất, rừng mà còn uy hiếp đến nhiều công trình hạ tầng đã xây dựng bên trong.

Do vậy, địa phương buộc phải thực hiện bảo vệ theo tình huống khẩn cấp. Trong khi đó, đối với các đoạn bờ sông nơi cửa biển bị sạt lở và có nguy cơ sạt lở cũng rất cần chủ động khắc phục, thực hiện công tác di dời để giảm thiểu thiệt hại về tài sản, tính mạng của người dân.  

Cà Mau có hệ thống sông ngòi, kênh rạch dày đặc bậc nhất cả nước, có 87 cửa biển, cửa sông thông ra biển và có bờ biển dài 254km. Hơn 10 năm qua, dưới tác động của biến đổi khí hậu làm nước biển dâng, cùng với tình trạng sụt lún đất và các hình thái thời tiết cực đoan khác đã làm cho bờ sông, bờ biển của Cà Mau bị sạt lở ngày càng nghiêm trọng. Đến nay, tổng chiều dài các đoạn bờ biển ở Cà Mau bị sạt lở khoảng 187km trong số 254km bờ biển của tỉnh.

Bên cạnh đó, kết quả điều tra, khảo sát của Viện Khoa học Thủy lợi miền Nam cho thấy trên hệ thống sông, rạch tỉnh Cà Mau hiện có 355 điểm sạt lở, với tổng chiều dài sạt lở lên tới 424.659m với mức độ khác nhau; trong đó, tổng chiều dài sạt lở nguy hiểm và đặc biệt nguy hiểm là 47.165m.

Tỉnh Cà Mau đang phải đối mặt với rất nhiều thách thức như: biến đổi khí hậu, nước biển dâng, thiếu nguồn nước ngọt, sụt lún và sạt lở bờ sông, bờ biển. Các thách thức này sẽ làm thay đổi chế độ khí tượng thủy văn, dòng chảy, bùn cát, sạt lở và tác động trực tiếp đến sản xuất, đời sống của người dân trong vùng.

Kim Há (TTXVN)
Rà soát tình trạng đổ thải tại Công trình Kè chống sạt lở bờ sông Pô Kô
Rà soát tình trạng đổ thải tại Công trình Kè chống sạt lở bờ sông Pô Kô

Sông Pô Kô đoạn chảy qua thị trấn Đăk Glei huyện Đăk Glei (tỉnh Kon Tum) bị hàng nghìn m3 đất đá đổ thải, lấp dòng sông, làm biến dạng dòng chảy, gây nhiều nguy cơ tiềm ẩn cho người dân sống dọc hai bờ sông khi mùa mưa lũ chuẩn bị tới.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN