Nhiều điểm sạt lở nghiêm trọng
Tình trạng sạt lở bờ sông trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa tiếp tục diễn biến phức tạp, nhiều điểm mới với quy mô, mức độ sạt lở lớn, xảy ra nhiều hơn các năm trước và đang có xu hướng tiếp diễn.
Điển hình như từ năm 2022 trở lại đây, khu vực tương ứng K17+200 - K17+700 đê tả sông Mã, thuộc địa phận thôn Giang Đông và thôn Nghĩa Kỳ (xã Vĩnh Hòa, huyện Vĩnh Lộc) xuất hiện tình trạng sạt lở bờ sông. Đặc biệt, từ tháng 5 - 10/2023, tình trạng sạt lở có diễn biến nhanh, tổng chiều dài các vị trí có diễn biến sạt lở khoảng 600m, vách sạt đứng thành với chiều cao từ 6 - 8m. Khoảng cách từ vị trí sạt đến khu dân cư gần nhất khoảng 50m, đến chân đê tả sông Mã từ 200 - 250m, ảnh hưởng tới 60 hộ dân với hơn 240 nhân khẩu và khoảng 100 ha đất sản xuất nông nghiệp, điểm sạt lớn nhất tính từ mép bờ sông đến ranh giới của mỏ bị sạt vào khoảng 50m.
Bà Trịnh Thị Sơn, thôn Giang Đông, xã Vĩnh Hòa, huyện Vĩnh Lộc cho biết: Gia đình có 5 sào đất canh tác tại bãi bồi này để trồng ngô. Mỗi lần ra đây, bà đều rất lo sợ, nhất là khi mùa mưa bão đang đến gần. Đoạn bờ sông này cần được kè lại để người dân yên tâm sinh sống, sản xuất.
Đáng lưu ý, việc sạt lở khiến hơn 12.000 m2 đất bãi bồi với phần lớn là diện tích đất canh tác hoa màu của người dân bị cuốn xuống sông Mã, khiến hàng chục hộ dân bất an, lo lắng, nhất là thời gian trước và trong mùa mưa bão. Từ thực trạng trên, các hộ dân đã nhiều lần kiến nghị các cấp chính quyền làm rõ nguyên nhân để có biện pháp khắc phục.
Ông Trịnh Xuân Thắng, Phó Chủ tịch UBND huyện Vĩnh Lộc cho biết: UBND huyện đang thuê tư vấn khảo sát, đánh giá xác định cụ thể nguyên nhân sạt lở, đề xuất giải pháp xử lý sạt lở bờ sông Mã đoạn qua thôn Nghĩa Kỳ và Giang Đông. Huyện đề nghị UBND tỉnh sớm bố trí kinh phí để thực hiện dự án nhằm đảm bảo an toàn tính mạng và tài sản người dân xã Vĩnh Hòa.
UBND tỉnh Thanh Hóa giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với các sở, ban, ngành, đơn vị liên quan khẩn trương có giải pháp xử lý kịp thời, triển khai thi công phòng, chống sạt lở bờ sông Mã đoạn qua hai thôn Nghĩa Kỳ và Giang Đông (xã Vĩnh Hòa, huyện Vĩnh Lộc).
Ngoài ra, trên sông Mã đoạn qua địa bàn các xã Cẩm Giang, Cẩm Tú, Cẩm Ngọc, Cẩm Vân (Cẩm Thủy), tình trạng sạt lở đang diễn biến phức tạp. Đối với tuyến sông Chu, tình trạng tương tự tại nhiều địa phương như xã Thọ Hải, xã Xuân Lai (Thọ Xuân), xã Tân Châu, xã Thiệu Quang (Thiệu Hóa)...
Để giảm thiểu tác động bởi tình trạng sạt lở gây mất đất, đe dọa an toàn của người dân, đặc biệt là vào mùa mưa bão, chính quyền và người dân các địa phương ở Thanh Hóa mong sớm có kè chống sạt lở bảo đảm an toàn tính mạng, tài sản, cũng như ổn định đời sống, sản xuất.
Nhiều công trình kè chống sạt lở gấp rút hoàn thành
Dự án xây dựng bờ kè, xử lý khẩn cấp sự cố sạt lở sông Bưởi tại thôn Vọng Thủy, xã Thành Trực do Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng huyện Thạch Thành làm chủ đầu tư, với tổng số vốn đầu tư là 42,7 tỷ đồng từ nguồn vốn ngân sách tỉnh Thanh Hóa và huyện Thạch Thành. Dự án khởi công cuối năm 2023, dự kiến hoàn thành vào tháng 5/2024. Theo thiết kế, chiều dài bờ sông Bưởi được kè, xử lý sạt lở là 1,4 km. Trên công trường thi công, nhà thầu đang tranh thủ điều kiện thời tiết thuận lợi để thi công, bảo đảm tiến độ đề ra.
Ông Nguyễn Hữu Long, Chủ tịch UBND xã Thành Trực cho biết: “Sông Bưởi đoạn quan thôn Vọng Thủy xảy ra tình trạng sạt lở nghiêm trọng nhiều năm nay. Nhà cửa, tài sản của các hộ dân sống ven sông luôn bị đe dọa vào mùa mưa lũ. Việc Nhà nước đầu tư xây dựng kè, xử lý sự cố sạt lở bờ sông sẽ đảm bảo an toàn tính mạng, tài sản cho các hộ dân và tỉnh lộ 523 đoạn chạy qua địa bàn xã.
Ông Nguyễn Quang Chiến, Chỉ huy trưởng công trường của đơn vị thi công dự án (Công ty Cổ phần xây dựng Tiến Đạt) cho biết: Đơn vị đang tận dụng thời tiết thuận lợi, mực nước sông Bưởi đang mùa cạn để tập trung máy móc, nhân lực đẩy nhanh tiến độ thi công, phấn đấu đến ngày 30/5 tới sẽ hoàn thành công trình theo đúng tiến độ đề ra.
Tương tự, tại xã Ninh Khang, huyện Vĩnh Lộc, Dự án kè chống sạt lở bờ hữu sông Bưởi đoạn từ Km16+400 đến Km17+151 cũng đang được triển khai với vốn đầu tư gần 20 tỷ đồng. Đây là một trong những điểm xung yếu của địa phương, có nguy cơ bị sạt lở, hư hỏng trong mùa mưa bão, Từ tháng 10/2023, UBND huyện Vĩnh Lộc đã chỉ đạo, đôn đốc nhà thầu thực hiện nhanh các hạng mục công trình thi công công trình. Đến giữa tháng 3/2024, nhà thầu đã thi công xong cơ bản phần hạng mục chân kè và đang tiếp tục triển khai thi công hạng mục lát mái kè; tiến độ ước đạt 68%, bảo đảm các tiêu chuẩn kỹ thuật trong phòng, chống lụt bão.
Để chủ động phòng, chống sạt lở bờ sông, bờ biển, từ đầu năm 2023 đến tháng 3/2024, địa bàn tỉnh Thanh Hóa có 26 công trình kè chống sạt lở được triển khai thi công từ các nguồn vốn của Trung ương, tỉnh và địa phương. Trong đó, 6 công trình đã hoàn thành trong năm 2023 và 20 công trình đang thi công. Tiến độ các công trình cơ bản đáp ứng theo tiến độ dự án được duyệt.
Ông Lê Minh Trường, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi Thanh Hóa cho biết: Sau khi hoàn thành, bàn giao đưa vào sử dụng, các công trình phòng, chống sạt lở bờ sông đã phát huy tốt hiệu quả đầu tư, bảo vệ ổn định các đoạn bờ sông bị sạt lở. Để chủ động phòng chống bão lũ, kịp thời xử lý các sự cố về đê điều, hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại do thiên tai bão lũ gây ra, ngành Nông nghiệp Thanh Hóa đang khẩn trương kiểm tra, đôn đốc, yêu cầu các nhà thầu thi công các công trình đang dang dở, đẩy nhanh tiến độ thi công, đặc biệt là các hạng mục chống lũ, đảm bảo chất lượng, tuân thủ đúng quy trình kỹ thuật để kịp thời đưa vào phục vụ phòng, chống lụt bão năm 2024.