Theo đó, Long An đang triển khai các dự án gồm: kè bảo vệ bờ sông Vàm Cỏ Tây (từ cầu mới Tân An đến tiếp giáp vịnh Đá Hàn), Tp. Tân An; kè chống sạt lở, xâm nhập mặn sông Vàm Cỏ Đông, huyện Bến Lức; kè chống sạt lở bờ sông, bảo vệ thị trấn Bến Lức, huyện Bến Lức.
Các dự án này đang trong quá trình triển khai xây dựng. Đơn cử như dự án kè bảo vệ bờ sông Vàm Cỏ Tây (từ cầu mới Tân An đến tiếp giáp vịnh Đá Hàn) có tổng chiều dài 1.250 m, tổng kinh phí xây dựng trên 129 tỷ đồng; tiến độ thi công hiện đạt khoảng 55%, dự kiến đến cuối năm 2023 sẽ đạt 90% khối lượng công trình và sẽ hoàn thành vào đầu năm 2024. Hay công trình kè chống sạt lở, xâm nhập mặn sông Vàm Cỏ Đông, huyện Bến Lức, có tổng chiều dài 1.950 m, tổng vốn đầu tư gần 350 tỉ đồng; hiện tiến độ xây dựng đạt gần 50%, dự kiến hoàn thành vào tháng 4/2024.
Tuy nhiên, việc tiển khai xây dựng các dự án trên hiện vẫn gặp nhiều khó khăn. Trong số đó, quan trọng nhất là giải phóng mặt bằng chưa hoàn thành, các nhà thầu chưa thể triển khai thi công nhiều đoạn trong dự án.
Theo Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Long An Nguyễn Thanh Truyền, sở đang tích cực phối hợp với các địa phương để tháo gỡ khó khăn, đẩy nhanh giải phóng mặt bằng để bàn giao cho nhà thầu thi công. Đồng thời, thường xuyên tổ chức theo dõi, kiểm tra, đôn đốc nhà thầu thi công bảo đảm an toàn chất lượng, hạn chế tối đa ảnh hưởng đến đời sống và sinh hoạt của người dân, quyết tâm đến cuối năm 2023 giải ngân hết nguồn vốn được phân bổ; đảm bảo chất lượng, tiến độ theo kế hoạch đề ra. Từ đó, góp nâng cao khả năng chống chịu trước biến đổi khí hậu, sạt lở, triều cường, góp phần bảo đảm sinh kế và đời sống người dân trên địa bàn tỉnh.
Cũng theo ông Nguyễn Thanh Truyền, tình hình sạt lở trên địa bàn diễn biến rất phức tạp, ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống của người dân. Từ đầu năm 2023 đến nay, toàn tỉnh xảy ra 9 điểm sạt lở nghiêm trọng với tổng chiều dài 1.920 m, cuốn trôi hàng ngàn mét khối đất, 7 căn nhà của người dân cùng nhiều tài sản khác; đường giao thông nông thôn bị chia cắt, gây thiệt hại nhiều tỷ đồng.
Long An kiến nghị Trung ương xem xét hỗ trợ đầu tư danh mục gồm 14 dự án phòng chống sạt lở ven sông, kênh, rạch trên địa bàn với tổng kinh phí đề xuất gần 3.800 tỷ đồng. Trong số đó, có những dự án quan trọng, có mức đầu tư lớn như dự án xử lý sạt lở bờ sông Cần Giuộc thuộc khu vực xã Phước Lại, huyện Cần Giuộc, chiều dài 1.500 m, kinh phí đề xuất 283 tỷ đồng; dự án xử lý sạt lở bờ sông Cần Giuộc thuộc thị trấn Cần Giuộc, huyện Cần Giuộc, chiều dài 620 m, kinh phí đề xuất 100 tỷ đồng; 3 dự án kè bảo vệ Sông Vàm Cỏ Tây (thuộc địa bàn Tp. Tân An và huyện Tân Trụ) với tổng kinh phí đề xuất là 832 tỷ đồng; dự án kè chống sạt lở đê bao bảo vệ thị xã Kiến Tường, chiều dài 1.254 m, kinh phí đề xuất 335 tỷ đồng; kè thị trấn Tầm Vu, huyện Châu Thành kinh phí đề xuất 482 tỷ đồng; kè sông Bảo Định thuộc thành phố Tân An, kinh phí đề xuất 970 tỷ đồng...
Long An cũng kiến nghị hỗ trợ thực hiện hai dự án bố trí ổn định dân cư vùng thiên tai để đảm bảo ổn định đời sống, tinh thần của người dân gồm: dự án di dời 76 hộ dân ở cù lao Xuân (xã Thanh Vĩnh Đông, huyện Châu Thành) có nguy cơ bị sạt lở bờ sông cao, với tổng kinh phí trên 58 tỷ đồng và dự án mở rộng tuyến dân cư biên giới (xã Mỹ Quý Tây, huyện Đức Huệ) để bố trí di dời khoảng 500 hộ dân.