Việc người nuôi thả rông chó không rọ mõm hoặc chưa chấp hành tốt việc tiêm vaccine, huyết thanh phòng dại cho chó, mèo đang gây nguy cơ bệnh dại tăng cao tại địa phương.
Hàng ngàn người phải tiêm phòng bệnh dại
Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Lào Cai, vẫn còn tình trạng một số hộ dân nuôi chó thả rông, đặc biệt là khu vực nông thôn hầu như không để tâm đến những mối nguy hại mà chó thả rông gây ra. Ngay tại trung tâm thành phố Lào Cai, không khó để thấy các khu vực sinh hoạt công cộng như đường phố, công viên, bờ kè, quảng trường... vẫn còn tình trạng chó thả rông không rọ mõm, phóng uế bừa bãi, đe dọa người dân xung quanh.
Bà Nguyễn Tuyết (54 tuổi, phường Bắc Lệnh, thành phố Lào Cai) chia sẻ, khi đi tập thể dục ở quảng trường trung tâm, bà thường xuyên bắt gặp chó thả rông, chủ dắt chó đi chơi mà không quản lý.
"Hè đến, quảng trường có nhiều trẻ tụ họp vui chơi, tập thể dục mà chó cứ chạy khắp nơi, có lúc tấn công hoặc đuổi theo trẻ mà chẳng thấy ai quản lý. Không biết chúng có được tiêm phòng dại không, nếu không thì rất nguy hiểm", bà Tuyết nói.
Anh Trần Tuấn (32 tuổi, phường Thống Nhất, thành phố Lào Cai) rất bức xúc với tình trạng trên. Anh cho biết mỗi chiều đi bộ quanh khu vực mình sinh sống đều thấy chó thả rông chạy khắp đường.
"Đây là khu dân cư có rất đông người đi bộ, tập thể dục vào buổi chiều, đặc biệt là trẻ em nhưng ở đây có rất nhiều chó dữ, mỗi lần tôi đi ngang qua nó đều gầm gừ, thậm chí đuổi theo những người đi xe máy", anh Tuấn chia sẻ.
Số người bị chó mèo cắn, cào đến các cơ sở y tế tiêm vaccine, huyết thanh phòng bệnh dại cũng tăng trong thời gian gần đây.
Từ đầu năm 2024 đến nay, trên địa bàn tỉnh Lào Cai có 2 trường hợp động vật mắc bệnh dại tập trung ở Sa Pa; 1 người tử vong do bệnh dại (tại xã Trung Chải, thị xã Sa Pa); 1.378 người phải đến cơ sở y tế điều trị dự phòng bệnh. Có tuần cao điểm lên đến hơn 100 trường hợp bị phơi nhiễm phải đi tiêm phòng dại. Như vậy, trung bình mỗi tháng, trên địa bàn tỉnh có xấp xỉ 230 người bị phơi nhiễm. Trong khi đó, năm 2023, Lào Cai có 1 trường hợp tử vong (tại huyện Bắc Hà) và khoảng gần 2.000 trường hợp bị động vật cắn, cào; trung bình mỗi tháng có khoảng 167 trường hợp phải điều trị dự phòng bệnh dại.
Theo các chuyên gia y tế, thả rông chó, mèo sẽ làm tăng sự tiếp xúc giữa chúng và con người, đồng thời cũng làm tăng sự lây lan bệnh dại giữa các con chó, mèo khiến tỉ lệ nhiễm bệnh dại trong quần thể động vật này sẽ gia tăng. Bên cạnh đó, một trong những nguyên nhân khiến bệnh dại gia tăng chủ yếu là do người bệnh không tiêm phòng vaccine ngay sau khi bị động vật cào, cắn, bởi suy nghĩ chó mèo đã tiêm phòng rồi thì không sao, hoặc có thói quen theo dõi động vật cắn trước, khi thấy động vật có bất thường mới đến cơ sở y tế để tiêm phòng.
Theo thống kê, các ca tử vong do bệnh dại tại Lào Cai đều lây truyền qua chó nhà cắn và không thực hiện tiêm vaccine dự phòng bệnh dại sau phơi nhiễm. Do đó, nếu người dân không có ý thức trong việc thực hiện tiêm vaccine phòng bệnh dại cho chó, mèo thì nguy cơ bùng phát dịch bệnh dại trên người có thể xảy ra nếu không kiểm soát tốt.
Bác sĩ Mã Thị Hiền, Phòng khám Đa khoa, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Lào Cai cho biết: Virus dại khi xâm nhập vào cơ thể con người qua vết cắn, cào từ động vật do chó mèo có thể nhân lên tại chỗ, phát triển dọc theo dây thần kinh, với tốc độ rất nhanh, tác động trực tiếp lên hệ thần kinh trung ương, sau đó tấn công vào bộ não của nạn nhân và làm tê liệt các tế bào thần kinh và gây tử vong rất nhanh. Đây cũng là lý do vì sao mà khi bị chó mèo hoặc động vật có nguy cơ cắn thì cần phải đi tiêm phòng ngay lập tức.
Lào Cai là một trong số tỉnh hằng năm có ghi nhận ca tử vong do dại trên người, là tỉnh có các ổ dịch bệnh dại trên động vật. Tình trạng nuôi và thả rông chó còn rất phổ biến, đặc biệt tại các thôn bản vùng cao. Công tác tiêm phòng bệnh dại cho chó, mèo theo quy định của Luật Thú y cũng gặp nhiều khó khăn bởi nhận thức của người dân còn nhiều hạn chế, đặc biệt tại các vùng sâu, vùng xa. Bệnh dại có nguồn, ổ chứa từ các loài động vật có trong tự nhiên cho nên việc kiểm soát nguồn lây bệnh còn nhiều hạn chế.
Phòng bệnh từ xa
Để ngăn chặn nguy cơ gia tăng số người phải điều trị dự phòng bệnh dại do động vật cắn, số ca tử vong do bệnh dại, đặc biệt là chó không tiêm phòng, thả rông, gây nguy hiểm cho người, Chủ tịch UBND tỉnh Lào Cai Trịnh Xuân Trường vừa yêu cầu thủ trưởng các sở, ban, ngành, chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố tập trung thực hiện quyết liệt và đồng bộ các giải pháp phòng, chống bệnh dại động vật, trong đó kiên quyết xử lý nghiêm đối với trường hợp không tuân thủ đúng quy định trong việc nuôi, quản lý chó, mèo...
Chủ tịch UBND tỉnh Lào Cai yêu cầu chính quyền các địa phương đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của người dân để thực hiện nghiêm quy định của pháp luật trong việc nuôi, quản lý chó, mèo, nhất là việc tiêm vaccine và phòng, chống bệnh dại; thực hiện đầy đủ việc tiêm và điều trị dự phòng bệnh dại khi bị động vật, đặc biệt là chó, mèo cắn, cào.
Các địa phương chỉ đạo các cơ quan chuyên môn cấp huyện, đơn vị liên quan và UBND cấp xã thực hiện tốt công tác giám sát, phát hiện sớm các trường hợp nghi ngờ bệnh dại, kịp thời cảnh báo, chia sẻ thông tin và phối hợp điều tra, xử lý triệt để các ổ dịch khi mới phát sinh. Tất cả trường hợp nghi ngờ bệnh dại động vật phải được lấy mẫu xét nghiệm. Chính quyền cấp xã thống kê, tổng hợp, báo cáo đầy đủ, chính xác thông tin về các hộ nuôi chó, số chó nuôi, tiêm vaccine phòng bệnh dại trên địa bàn quản lý.
Các địa phương rà soát, tiêm phòng bổ sung cho đàn chó nuôi; đảm bảo tỷ lệ tối thiểu đạt trên 80% tổng đàn tại thời điểm tiêm phòng. Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố chịu trách nhiệm trước Chủ tịch UBND tỉnh về công tác phòng, chống bệnh dại, nhất là việc để xảy ra trường hợp người tử vong do bệnh dại.
Riêng thị xã Sa Pa, Chủ tịch UBND tỉnh Lào Cai yêu cầu chính quyền địa phương khẩn trương, tập trung triển khai quyết liệt các biện pháp phòng, chống bệnh dại; ưu tiên bố trí nguồn lực để thực hiện nhiệm vụ phòng, chống dịch bệnh đạt hiệu quả.
Thị xã thống kê chính xác số hộ nuôi chó, số chó nuôi; rà soát, tiêm phòng bổ sung, tránh bỏ sót chó, mèo thuộc diện tiêm phòng, đảm bảo đạt 100% tổng số chó, mèo trong diện tiêm được tiêm phòng.
Ở cấp xã, thành lập đội chuyên trách để bắt giữ, xử lý chó thả rông, chó không tiêm vaccine phòng bệnh dại; xử phạt hành chính đối với chủ nuôi chó không chấp hành việc tiêm phòng vaccine bệnh dại, nuôi chó thả rông; tuyên truyền, vận động đảm bảo 100% trường hợp phơi nhiễm với bệnh dại được điều trị dự phòng theo quy định của ngành y tế.