Ninh Thuận là địa phương có nhiều diện tích đất rừng có địa hình bán sa mạc và núi đá. Để ứng phó biến đổi khí hậu, tỉnh chú trọng phát triển tài nguyên rừng phòng hộ, rừng đặc dụng gắn với bảo vệ rừng, kiểm tra, phát hiện và kịp thời xử lý các trường hợp xâm hại rừng theo quy định pháp luật. Theo kế hoạch, năm 2021 Ninh Thuận trồng mới thêm 330 ha rừng phòng hộ, đặc dụng; kết hợp khoanh nuôi xúc tiến tái sinh rừng với diện tích trên 4.000 ha và giao khoán bảo vệ rừng trên 71.400 ha.
Ninh Thuận huy động nguồn lực từ các chương trình, dự án hỗ trợ, đầu tư triển khai trồng rừng bằng các loại cây lâm nghiệp thích ứng với khí hậu khô hạn, có giá trị kinh tế như keo lai, lim, thanh thất, trôm, muồng đen… để áp dụng vào trồng rừng phòng hộ, đặc dụng, rừng sản xuất tập trung. Hiện tại, các đơn vị chủ rừng đã chuẩn bị cây giống, vật tư, hiện trường và sẽ tiến hành trồng rừng khi tình hình dịch COVID-19 trên địa bàn được kiểm soát cũng như thời tiết có mưa thuận lợi cho cây phát triển.
Những năm qua, việc trồng rừng phòng hộ ven biển để chống sa mạc hóa đã được các Ban Quản lý rừng phòng hộ, công ty lâm nghiệp trên địa bàn tỉnh chú trọng triển khai thực hiện. Điển hình như mô hình trồng rừng phòng hộ bằng cây thanh thất, một loại cây thân gỗ có khả năng đặc biệt chịu được khí hậu khô hạn trên vùng núi đá ven biển ở huyện Thuận Nam.
Ông Lê Xuân Hòa, Phó Trưởng ban phụ trách Ban Quản lý rừng phòng hộ ven biển Thuận Nam cho hay, được sự hỗ trợ của Dự án JICA 2, dự án trồng rừng thuộc Chương trình ứng phó với biến đổi khí hậu SP - RCC, từ năm 2015 đến tháng 7/2021, Ban Quản lý rừng phòng hộ ven biển huyện Thuận Nam đã trồng được trên 653 ha cây thanh thất trên núi đá.
Tại các khu vực rừng trồng, nhiều cây thanh thất đã vươn cao từ 2,5 đến trên 3 mét. Với đà phát triển này, chỉ khoảng 10 năm nữa, trên cánh rừng phòng hộ ven biển Thuận Nam, cây thanh thất sẽ phủ xanh những khu vực vốn trước đây chỉ nhìn toàn núi đá. Điều này có ý nghĩa rất quan trọng trong việc nâng cao chất lượng rừng, đảm bảo tính năng phòng hộ bảo vệ môi trường, chống xói mòn, chắn cát bay, phòng chống thiên tai, duy trì ổn định độ che phủ rừng. Đồng thời, góp phần bảo tồn loài cây bản địa vùng khô hạn đặc trưng và độc đáo của Ninh Thuận.
Cùng với phát triển rừng phòng hộ, Ninh Thuận đẩy mạnh thực hiện chính sách giao khoán bảo vệ rừng theo Nghị định số 75/2015/NĐ-CP của Chính phủ. Bình quân mỗi hộ dân tham gia nhận khoán bảo vệ rừng khoảng 30 ha với đơn giá nhận khoán 400.000 đồng/ha/năm. Từ năm 2016 đến nay, với số tiền tích lũy nhận khoán bảo vệ rừng, các hộ dân tiếp tục duy trì và phát triển mô hình sinh kế chăn nuôi với 1.562 con bò, 254 con dê, 24 con cừu; mua trên 22.500 cây giống ăn quả có giá trị kinh tế trồng trên nương rẫy cũ. Nhờ đó, nhiều diện tích đất trống, đồi núi trọc đã được phủ xanh, góp phần tạo thêm việc làm và nâng cao thu nhập cho người dân.
Bên cạnh đó, trong quá trình thực hiện Ninh Thuận còn vận dụng các chính sách, dự án xây dựng hệ thống cơ sở hạ tầng tại các địa bàn khó khăn với việc đầu tư hệ thống cấp nước sạch, hệ thống tưới tiêu nông nghiệp, xây dựng đường bê tông nông thôn, tập huấn phòng cháy, chữa cháy rừng cho các hộ dân tham gia nhận khoán bảo vệ, phát triển diện tích rừng trồng.
Theo đánh giá của ngành chức năng, những năm qua công tác trồng rừng, bảo vệ rừng phòng hộ luôn được tỉnh chú trọng triển khai. Nhờ đó, chất lượng rừng được cải thiện, nhiều diện tích rừng nghèo kiệt được phục hồi, độ che phủ rừng được nâng cao.
Qua thống kê, Ninh Thuận hiện có 116.172 ha đất rừng phòng hộ (chiếm 59% diện tích diện tích đất lâm nghiệp); trong đó đất có rừng trên 85.979 ha, đất chưa có rừng hơn 30.192 ha. Rừng phòng hộ giữ một vai trò quan trọng trong việc bảo vệ nguồn nước, đất, chống xói mòn, hạn chế thiên tai, điều hòa khí hậu, bảo tồn đa dạng sinh học và gìn giữ ổn định môi trường sống.
Tuy nhiên, thực tế cũng cho thấy công tác quản lý, bảo vệ rừng gặp rất nhiều khó khăn, thách thức, do hạn chế về tài chính và các chính sách có liên quan, định mức giao khoán bảo vệ rừng còn thấp, kinh phí chưa đáp ứng yêu cầu vừa tổ chức tuần tra bảo vệ rừng vừa trích lại để đầu tư sinh kế. Ngoài ra, do đặc thù khí hậu của Ninh Thuận khô nóng, khô hạn thường xuyên xảy ra gây ảnh hưởng không nhỏ đến việc phòng, chống cháy rừng, ảnh hưởng đến tiến độ trồng rừng; địa bàn quản lý rộng, dàn trải, địa hình hiểm trở gây khó khăn cho công tác quản lý, bảo vệ rừng.
Theo ông Đặng Kim Cương, Giám đốc Sở Nông nghiệp và phát triển Nông thôn tỉnh, để khắc phục những khó khăn, Ninh Thuận tiếp tục đẩy mạnh triển khai đồng bộ các giải pháp về tuyên truyền, giáo dục pháp luật nhằm nâng cao nhận thức, ý nghĩa về tầm quan trọng của công tác trồng rừng và bảo vệ rừng phòng hộ tới các tầng lớp dân cư. Cùng với đó, tỉnh đẩy mạnh triển khai các chương trình trồng rừng phòng hộ, rừng đặc dụng, trồng rừng thay thế. Kết hợp lồng ghép các dự án phát triển lâm nghiệp hỗ trợ các cộng đồng cư dân địa phương tham gia nhận khoán bảo vệ rừng có thêm nguồn thu nhập; nhân rộng các mô hình sinh kế hiệu quả dưới tán rừng để phát triển kinh tế bền vững.
Song song với đó, để nâng cao hiệu quả bảo vệ, phát triển rừng phòng hộ, Ninh Thuận sẽ tăng cường phối hợp trong công tác quản lý bảo vệ rừng giữa các lực lượng, đặc biệt là sự phối hợp giữa lực lượng chuyên trách bảo vệ rừng, lực lượng vũ trang, chính quyền địa phương và các cộng đồng dân cư sống ven rừng tham gia nhận khoán bảo vệ rừng. Với việc triển khai đồng bộ các giải pháp bảo vệ và trồng rừng, tỉnh phấn đấu năm 2021 nâng tỷ lệ che phủ rừng lên 46,96%.