Nơi đây, hơn 46 năm trước thường xuyên bị bom rơi đạn phá bởi những trận càn quét, đàn áp của địch.
Một thời hoa lửa
Chiến tranh đã lùi xa, hòa bình mang lại độc lập, tự do và cuộc sống ấm no cho nhân dân song ký ức về một thời hoa lửa vẫn in sâu trong trái tim của những nhân chứng lịch sử cũng như trong tâm trí của người dân mảnh đất Kiên Cường. Ngược dòng thời gian qua những câu chuyện kể, lịch sử thôn Kiên Cường cũng như những trận đánh ác liệt giữa ta với địch như được tái hiện rõ nét, đầy hào hùng.
Từ năm 1957 - 1962, chính quyền Ngô Đình Diệm đã đưa 348 hộ gia đình có liên quan đến cách mạng ở các tỉnh miền Trung vào Đắk Lắk theo mô hình di dân lập ấp để dễ kiểm soát, kìm kẹp. Chúng bắt nhân dân trồng cao su, xây dựng các dinh điền, thành lập một vành đai bảo vệ thị xã Buôn Ma Thuột lúc bấy giờ. Trong 348 hộ dân có 105 hộ được đưa vào Đắk Lắk trong tháng 12/1961, chủ yếu là bà con các huyện Điện Bàn, Đại Lộc, Thăng Bình và Tam Kỳ của tỉnh Quảng Nam. Ấp của 105 hộ dân gọi là dinh điền Đạt Lý 2, sau này là thôn Kiên Cường. Lúc bấy giờ, địch đã bố trí 5 trung đội nghĩa quân, 2 đoàn bình định nông thôn và 1 đại đội bảo an để quản lý, kiểm soát hoạt động của các hộ dân này.
Bà Võ Thị Hường (sinh năm 1937, quê quán ở thành phố Tam Kỳ, tỉnh Quảng Nam), một cựu điệp báo an ninh kể lại, gia đình bà và các hộ dân khác khi đã vào đến Đắk Lắk sinh sống vẫn móc nối với cơ sở cách mạng, hỗ trợ đưa tin và tiếp tế lương thực cho bộ đội. Công việc tiếp tế gian nan, nguy hiểm bởi địch dựng nhiều lớp hàng rào thép gai, chỉ để cổng nhỏ cho dân đi làm rẫy và luôn có người giám sát, đi cùng dân.
“Nhà nào cũng có người tham gia cách mạng, người thì làm giao liên, người thì tiếp tế lương thực. Các đồng chí cách mạng ở ngoài rừng, cách thôn khoảng 2km. Để qua mặt địch, người dân dùng đủ mọi cách, khi thì nói đi chợ, khi thì bảo đi rẫy. Lúc đi rẫy mang gạo cho cán bộ, phải để gạo dưới đáy can nước, vừa đi vừa vẩy nước bắn ra ngoài nhằm đánh lừa giặc, hoặc dùng những thúng không chất chồng lên nhau rồi bọc gạo phía dưới. Nhiều lần trót lọt nhưng cũng có những lần không may bị địch phát hiện và có người đã phải hy sinh tại chỗ”, bà Võ Thị Hường kể lại trong bùi ngùi, xúc động.
Địch cài mìn, bắt nhốt, tra khảo khi nghi ngờ người dân liên quan đến cách mạng. Song, càng gian khổ, người dân thôn Kiên Cường càng nung nấu chí căm thù, tìm mọi cách tiếp tế lương lực cho cán bộ đang bám vùng. Với sự đùm bọc, chở che của người dân, tháng 6/1964, cán bộ cơ sở cùng đội công tác K2 đã tổ chức mít tinh, bà con trong thôn tham gia bầu chính quyền cách mạng lâm thời. Một pháo đài, cơ sở cách mạng tại thôn Kiên Cường xuất hiện ngay giữa lòng địch.
Sau Xuân Mậu Thân 1968, địch điên cuồng bắn phá, đánh đập, tra tấn, giam tù khiến nhiều người dân trong thôn không chịu nỗi phải về quê hoặc đi nơi khác, cả thôn còn lại 38 hộ bám trụ. Lúc bấy giờ, tháng 3/1969, đồng chí Trần Lang (chồng bà Võ Thị Hường) dẫn 1 trung đội du kích thoát ly gia đình, tham gia cách mạng. Bộ đội ta liên tục đánh phá, địch bắt 38 hộ dời đi nơi khác song bà con khôn khéo đấu tranh hợp pháp, kiên quyết “một tấc không đi, một ly không rời”.
Với bà Võ Thị Hường, kỷ niệm mà bà nhớ nhất là vào năm 1973, trong lúc địch và người dân thôn Kiên Cường giành nhau từng tấc đất thì đội công tác K2 cùng cán bộ cơ sở treo cờ Tổ quốc lên các cây gòn gai, cây mít cao và to trong thôn. Địch nhiều lần tấn công các hướng song bị quân ta đánh nghi binh. Người dân nắm tình hình, địch đi ngõ nào thì báo cho cán bộ. Địch bắn rách lá cờ này, quân và dân ta treo lá cờ khác. Cứ như vậy, hai bên ta và địch chỉ cách nhau 200m mà 3 tháng ròng, địch không lấy được cờ của quân ta.
Để chuẩn bị cho chiến dịch giải phóng Buôn Ma Thuột, nhân dân thôn Kiên Cường đã làm lương khô, góp bò, góp lợn cho cách mạng và tiễn con em từ 15 tuổi trở lên tham gia chiến đấu. 170 tấn gạo, 115 tấn thực phẩm và 74 con em thoát ly gia đình, tham gia cách mạng cùng sự đùm bọc, chở che của nhân dân thôn Kiên Cường đã góp phần không nhỏ làm nên chiến thắng Buôn Ma Thuột, giải phóng hoàn toàn tỉnh Đắk Lắk vào tháng 3/1975. Cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước đã khép lại song cướp đi bao nhiêu người chồng, người cha, con em của 38 hộ dân thôn Kiên Cường, trong đó có liệt sĩ Trần Cang – chồng bà Võ Thị Hường.
Theo thống kê, thôn Kiên Cường có 39 liệt sĩ, 7 mẹ Việt Nam anh hùng, 18 thương bệnh binh và hơn 70 liệt sĩ từng chiến đấu ở Kiên Cường chưa tìm thấy được.
Đổi thay Kiên Cường
Kiên Cường trong ký ức của người dân đau thương nhưng hào hùng, gian khổ nhưng bất khuất. Kiên Cường hôm nay đã khoác lên mình diện mạo mới với hệ thống điện – đường – trường – trạm được quan tâm đầu tư, những ngôi nhà khang trang, những vườn cà phê trồng xen hồ tiêu và cây ăn quả nối tiếp nhau trông trù phú, bạt ngàn.
Ông Võ Tấn An (sinh năm 1962), người dân thôn Kiên Cường cho biết, ông tự hào là người con của vùng đất anh hùng và được sinh ra trong gia đình giàu truyền thống cách mạng. Những ngày mưa bom bão đạn, ông còn nhỏ, đi học nghe tiếng súng nổ là vội chui xuống hầm để trốn, trường là nhà tranh vách nứa chứ không khang trang như bây giờ. Có những ngày trốn xong lên thấy trâu, bò trong thôn đã bị địch bắn chết hết. Hòa bình lập lại, đất nước sau chiến tranh hoang tàn, cuộc sống cực khổ, phải ăn sắn, ăn muối. Được sự quan tâm đầu tư của Đảng, Nhà nước, cuộc sống hiện nay đầy đủ, bình yên, trẻ con đi học thuận tiện, có xe máy rồi xe ô tô chở đi.
Được sự đầu tư của Nhà nước, nhất là chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, thôn 1 ngày nay (thôn Kiên Cường trước đây) của xã Hòa Thuận được quan tâm đầu tư hệ thống đường, điện, phân trạm y tế. 100% đường liên thôn, liên xã đã được bê tông hóa; 100% hộ dân có điện sinh hoạt; hơn 95% người dân tham gia bảo hiểm y tế. Ngoài ra, thôn còn được đầu tư 1 phân hiệu trường tiểu học, nhà văn hóa, sân thể thao, đập chứa nước phục vụ sản xuất nông nghiệp và hệ thống truyền thanh cơ sở.
Người dân trong thôn hăng say lao động cần cù, tích cực áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, trồng cây cà phê xen canh hồ tiêu, cây ăn quả có giá trị kinh tế cao để nâng cao thu nhập. Đặc biệt, người dân trong thôn đã góp công góp của cùng Nhà nước bê tông hóa 11,6km đường giao thông nông thôn. Từ 38 hộ bám trụ ngày ấy, hiện nay thôn có 365 hộ với 1.653 nhân khẩu. Toàn thôn hiện có 25 hộ giàu, 65 hộ khá, 267 hộ kinh tế trung bình và 6 hộ cận nghèo, 1 hộ nghèo. 100% hộ dân có xe máy đi lại, nhiều hộ có xe ô tô hoặc xe tải, xe công nông chở nông sản.
Ông Bồ Xuân Thanh, Phó Bí thư Chi bộ thôn 1 cho biết, Chi bộ thôn hiện có 29 đảng viên. Chi bộ đã phân công đảng viên phụ trách các nhóm liên gia, tuyên truyền, vận động người dân thực hiện các chủ trương, đường lối của Đảng và chính sách pháp luật của nhà nước, tích cực tham gia các phong trào thi đua yêu nước. Nhiều năm liền, Chi bộ Đảng thôn 1 được xếp loại “Trong sạch, vững mạnh”. Đời sống người dân ổn định, phát triển, ngày càng đoàn kết. Tình hình an ninh trật tự, công tác bảo vệ môi trường được người dân chú trọng thực hiện tốt.
Tính đến 16 giờ ngày 2/9, thành phố Buôn Ma Thuột đã ghi nhận 154 ca mắc COVID-19, trong đó có nhiều ca trong cộng đồng. Thôn 1, xã Hòa Thuận là “vùng xanh” của thành phố vì chưa có ca mắc nào. Người dân trong thôn đã đồng lòng nhà cách nhà, người cách người và luôn đeo khẩu trang. Con em đi từ tỉnh, thành phố có dịch về thì khai báo với trạm y tế xã sau đó nghiêm chỉnh cách ly tại nhà. Thôn cũng đã thành lập tổ chốt chặn kiểm soát dịch 24/24 giờ ở cửa ngõ ra vào thôn. Bên cạnh đó, người dân trong thôn đã tích cực đóng góp cho Qũy vaccine phòng COVID-19.
Bà Nguyễn Thị Hương, Phó Chủ tịch UBND xã Hòa Thuận cho biết, tinh thần đoàn kết, kiên trung với cách mạng của người dân thôn Kiên Cường đã được thể hiện rõ nét qua thời chiến lẫn thời bình. Trong những năm qua, ngoài sự quan tâm đầu tư của Nhà nước, Đảng ủy và chính quyền xã đã quan tâm, chăm lo cho các gia đình chính sách, người có công với cách mạng trên địa bàn. Các hoạt động về nguồn, thăm hỏi dịp Lễ, Tết được các cấp đặc biệt chú trọng.
Năm 2012, công trình Đền thờ liệt sĩ thôn Kiên Cường được quan tâm đầu tư với hơn 3,8 tỷ đồng chính thức khánh thành và đưa vào sử dụng, đã trở thành địa chỉ đỏ để giáo dục truyền thống cách mạng cho thế hệ trẻ.
Người dân Kiên Cường hôm nay vẫn đang ngày ngày cùng các cấp chính quyền dựng xây quê hương, nỗ lực chống dịch và phấn đấu đưa xã Hòa Thuận đạt xã nông thôn mới kiểu mẫu. Đi cùng sự phát triển, người dân trong thôn vẫn mãi tự hào về lịch sử cha ông để lại, về các vết tích chiến tranh đang còn lưu trên những cây gòn gai, tại bia tưởng niệm, hồ đập Đạt Lý hay Đền thờ liệt sĩ về một thời hoa lửa, về vùng đất Kiên Cường anh hùng, bất khuất.