An cư lạc nghiệp
Xuôi về miền đất gió Than Uyên, tại các bản tái định cư của thủy điện Huội Quảng, thủy điện Bản Chát, những ngôi nhà sàn lợp tôn, lợp prôximăng san sát bên nhau tạo nên một khung cảnh trù phú, yên ấm sau hơn 8 năm di dời đến nơi ở mới.
Ông Lò Văn Ngoãn, bản tái định cư Ten Co Mư phấn khởi cho biết, bản có 68 hộ với 100% là người dân tộc Thái. Lúc chuyển lên đây vô vàn khó khăn, vất vả, mọi thứ bừa bộn. Nhà nước đầu tư đường nhựa, bê tông nội bản, điện thắp sáng kéo về nên bà con cũng bắt tay vào dựng nhà mới, làm chuồng chăn nuôi gia súc gia cầm.
Đồng thời, khai hoang đất sản xuất để trồng trọt, quy hoạch bãi chăn thả gia súc phát triển kinh tế. Cán bộ huyện, xã còn xuống tận nơi hướng dẫn chuyển đổi cơ cấu kinh tế nông nghiệp, đưa cây con giống phù hợp vào thực hiện. Nhờ đó, thu nhập bình quân đầu người đạt trên 32 triệu đồng. Người dân đã thích nghi với nơi ở mới.
Đến với các bản tái định cư thủy điện Sơn La tại huyện Nậm Nhùn dễ dàng nhận thấy sự đổi thay rõ nét trên vùng quê mới. Những ngôi nhà kiên cố nằm san sát dọc theo những tuyến đường rải nhựa phẳn lỳ và bà con thi đua lao động sản xuất, làm giàu trên vùng đất mới.
Ông Lưu Văn Lẩu, ở bản Phiêng Luông II, xã Nậm Hàng (Nậm Nhùn) chia sẻ, Nhà nước đã bố trí mặt bằng, hỗ trợ đất sản xuất, hướng dẫn kỹ thuật canh tác nên ai cũng yên tâm ở nơi định cư mới. Các công trình hạ tầng được đầu tư giúp việc đi lại thuận lợi, con cháu được học tập trong những ngôi trường khang trang. Nếu so với trước đây, cuộc sống đã tốt hơn rất nhiều.
Gia đình anh Hù Chà Hùng, bản Sì Thâu Chải, xã Kan Hồ (Mường Tè) có cuộc sống khá giả sau khi tái định cư lên vùng đất mới nhờ tận dụng nguồn tiền đền bù để đầu tư mô hình trang trại nuôi gia cầm tập trung hàng trăm con. Anh Hùng cho biết, vì dòng điện của Tổ quốc, người dân đồng thuận di chuyển. Tại vùng đất mới, dân bản tích cực khai hoang, mở rộng diện tích sản xuất, phát triển chăn nuôi, trồng cây công nghiệp, cây ăn quả. Anh Hùng mạng dạn vay vốn đầu tư trang trại nuôi gia cầm, học hỏi kiến thức tại các lớp dạy nghề. Nhờ đó, việc chăn nuôi thuận lợi, mỗi năm thu lãi hàng chục triệu đồng.
Ông Lý Á Nguyện, bản Nậm Cha, xã Nậm Cha, huyện Sìn Hồ một trong những hộ dân thuộc diện phải di vén lên tái định cư ở nơi mới. Về nơi ở mới, 2 vợ chồng ông được chi trả trên 200 triệu đồng tiền đền bù, cấp đất ở, hỗ trợ giống cây trồng vật nuôi để phát triển kinh tế. Giờ đây, trong ngôi nhà cấp 4 ấm áp mái lợp tôn, gia đình ông đã quen với cuộc sống mới, yên tâm lao động trồng lúa, trồng chuối, chăn nuôi, đánh bắt thủy sản. Hiện mỗi năm, gia đình thu hoạch 80 bao thóc, 10 bao sắn, duy trì nuôi 15 con lợn, 50 gia cầm, 3 con trâu và trở thành hộ khá giả trong bản.
Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lai Châu Hà Trọng Hải, cơ sở hạ tầng vùng tái định cư được đầu tư đồng bộ, sản xuất của người dân các khu, điểm tái định cư cơ bản ổn định, có bước phát triển bền vững. Vùng chè gần 4.200 ha, 13.000 ha cao su, 6.300 ha quế cùng nhiều loại cây ăn quả và mô hình chăn nuôi, phát triển rừng đã hình thành tạo chuyển biến tích cực về nhận thức của người dân trong sản xuất. Hiện tại, tỉnh Lai Châu có 59% số xã tái định cư đã đạt chuẩn nông thôn mới, 100% xã tái định cư đạt tiêu chí quốc gia về y tế. Đời sống vật chất và tinh thần của người dân tái định cư được nâng lên rõ rệt.
Hỗ trợ người dân tái định cư
Vì dòng điện ngày mai, hơn 9.000 hộ dân chủ yếu là đồng bào các dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh Lai Châu phải di chuyển về nơi ở mới, nhường đất cho lòng hồ và các công trình thủy điện. Tỉnh ủy Lai Châu đã ban hành Nghị quyết số 04-NQ/TU ngày 10/8/2016 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về ổn định và phát triển kinh tế - xã hội vùng tái định cư các công trình thủy điện quốc gia trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2016-2020.
Giai đoạn 2016-2020, Nhà nước đã bố trí 2.850 tỷ đồng xây dựng cơ sở hạ tầng tại các khu, điểm tái định cư và hỗ trợ, bồi thường cho các hộ dân. Nhờ có chương trình tái định cư, tất cả các địa phương đều được đầu tư đồng bộ về cơ sở hạ tầng với 100% bản có đường ô tô hoặc xe máy đến bản được cứng hóa; 100% hộ dân được sử dụng điện lưới quốc gia. Các ngành chức năng, địa phương giao 5.802 ha đất nông nghiệp cho 6.356 hộ; giao 4.895 ha cao su cho 1.575 hộ; khai hoang, cải tạo 1.460 ha đất chưa sử dụng, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất ở và đất nông nghiệp đạt 83,6%.
Tại huyện Than Uyên có 2.179 hộ với 14.247 nhân khẩu nằm trong diện bị ảnh hưởng xây dựng thủy điện Bản Chát, thủy điện Huội Quảng phải tái định cư đến nơi ở mới. Chính quyền huyện Than Uyên đã giao đất sản xuất nông nghiệp cho 1.825 hộ với 1.093 ha; chuyển đổi mục đích sử dụng đất diện tích 157,8 ha, hỗ trợ kinh phí 1.382 triệu đồng khai hoang 92 ha ruộng nước; hỗ trợ 1.150 máy móc phục vụ sản xuất..
Chủ tịch UBND huyện Than Uyên Lò Văn Hương cho biết, thực hiện hỗ trợ sản xuất cho người dân tái định cư, huyện đã vận dụng linh hoạt các nguồn lực của trung ương và ngân sách địa phương; tập trung hỗ trợ các loại giống cây trồng có giá trị kinh tế cao như lúa, ngô, chè, quế, sơn tra; hỗ trợ chuyển đổi phương thức chăn nuôi, khai hoang ruộng nước...
Qua đó, giúp người dân giảm chi phí đầu tư ban đầu và có thêm điều kiện để đầu tư thâm canh, mở rộng diện tích sản xuất, tăng sản lượng, tạo thu nhập để giảm nghèo nhanh, bền vững. Đến nay, người dân tái định cư thủy điện thu nhập bình quân đầu người đạt gần 35 triệu đồng/năm, tỷ lệ hộ nghèo giảm còn gần 12%.
Để tổ chức lại sản xuất, ổn định hơn nữa đời sống dân cư đối với vùng tái định cư các công trình thủy điện trên địa bàn, tỉnh Lai Châu đã xây dựng và trình Chính phủ phê duyệt Đề án ổn định dân cư, phát triển kinh tế xã hội vùng tái định cư thủy điện Sơn La; hỗ trợ sản xuất, cây trồng vật nuôi, tiếp tục đầu tư hoàn thiện kết cấu hạ tầng thiết yếu. Ngoài ra, tỉnh lồng ghép các chương trình mục tiêu, chính sách hỗ trợ để thúc đẩy phát triển sản xuất.