Về vấn đề này, báo Tin tức thông tin như sau:
Theo PGS.TS Lê Xuân Trường (Học viện tài chính), pháp luật về thuế TNCN hiện hành, thu nhập tính thuế từ tiền lương, tiền công của cá nhân cư trú được xác định bằng thu nhập chịu thuế trừ đi các khoản giảm trừ. Mức giảm trừ bản thân người nộp thuế là 11 triệu đồng/tháng. Mức giảm trừ đối với mỗi người phụ thuộc là 4,4 triệu đồng/tháng. Nếu một người lao động không phải nuôi dưỡng người phụ thuộc theo quy định của pháp luật và có thu nhập bình quân tháng không quá 11 triệu đồng thì không phải nộp thuế TNCN.
Nếu người lao động thuộc diện được giảm trừ cho một người phụ thuộc, có thu nhập bình quân tháng không quá 15,4 triệu đồng thì không phải nộp thuế TNCN. Điều này có nghĩa, nếu có chính sách giảm thuế TNCN đối với thu nhập từ tiền lương tiền công, sẽ giảm thuế cho những người có thu nhập trên 11 triệu đồng/tháng hoặc 15,4 triệu đồng/tháng hoặc cao hơn tùy theo số người phụ thuộc được giảm trừ…
Theo Học viện Tài chính, so với mặt bằng thu nhập chung hiện nay ở Việt Nam, nếu miễn hoặc giảm thuế TNCN cho những đối tượng này tức là giảm thuế cho những người có thu nhập trung bình trở lên, không phải là những người có thu nhập thấp, không phải là những người rất khó khăn. Việc Bộ Tài chính không đề xuất chính sách miễn, giảm thuế TNCN đối với thu nhập từ tiền lương, tiền công là hợp lý trong bối cảnh rất nhiều nguồn thu ngân sách Nhà nước giảm, chi lại tăng vì chống dịch.
“Việc tạm khấu trừ thuế TNCN tính trên cơ sở thu nhập thực chi trả cho người lao động chứ không phải tính trên thu nhập của năm trước. Do vậy, khi người lao động nhận thu nhập dưới ngưỡng giảm trừ gia cảnh thì không bị tạm khấu trừ thuế TNCN”, ông Lê Xuân Trường cho biết.
Theo ông Lê Xuân Trường, những người lao động gặp khó khăn do bị mất việc làm, bị giảm sút thu nhập…, việc giảm thuế không có ý nghĩa do thu nhập của họ chưa đến ngưỡng nộp thuế. Với những đối tượng này, các chính sách chi ngân sách để đảm bảo an sinh xã hội mới thực sự có ý nghĩa.