Trường hợp nào không cần thiết mặc bộ đồ bảo hộ y tế?

Phó Cục trưởng Cục Quản lý Khám, chữa bệnh (Bộ Y tế) Nguyễn Trọng Khoa cho rằng “cần sử dụng bộ đồ bảo hộ đúng lúc, đúng chỗ”.

Chú thích ảnh
Nhân viên giao hàng công nghệ (shipper) hoạt động tại Đà Nẵng với trang phục bảo hộ phòng, chống dịch COVID-19. Ảnh: Văn Dũng/TTXVN

Trước tình hình dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, số ca mắc tăng cao, nhiều người dân lo lắng và đã tự trang bị cho mình những bộ đồ phòng hộ cá nhân, thậm chí trong các hoạt động xã hội, nhiều người cũng sử dụng bộ đồ này. Khẳng định “đây là việc làm không cần thiết, gây lãng phí và ảnh hưởng đến môi trường”, Phó Cục trưởng Cục Quản lý Khám, chữa bệnh (Bộ Y tế) Nguyễn Trọng Khoa cho rằng “cần sử dụng bộ đồ bảo hộ đúng lúc, đúng chỗ”.

Ông Nguyễn Trọng Khoa cho biết, việc người dân sử dụng bộ đồ bảo hộ này không đúng lúc, đúng chỗ là hoàn toàn không nên. “Đối với đồ bảo hộ, chúng ta phải dùng hết sức tiết kiệm và đúng mục đích cũng như hướng dẫn chuyên môn để bảo vệ được nhân viên y tế và tiết kiệm được trang phục".

“Đối với người mắc COVID-19 hoặc người dân thì không nhất thiết phải mặc bảo hộ mà chỉ cần đeo khẩu trang y tế là được”, ông Khoa cho biết.

Trước ý kiến cho rằng, đội ngũ tiếp lương thực cho những người mắc COVID-19 đang cách ly điều trị tại nhà cũng cần trang bị bộ đồ bảo hộ y tế, ông Nguyễn Trọng Khoa cho biết: “Ở đây chúng tôi lưu ý có hai tình huống. Đó là, nếu người tiếp lương thực không tiếp xúc gần với bệnh nhân thì có thể chỉ cần sử dụng khẩu trang che mặt. Nhưng nếu đã có tiếp xúc gần với khoảng cách dưới 2m thì buộc người tiếp lương thực phải có bộ đồ bảo hộ với đủ phương tiện theo dạng phân cấp bảo hộ cấp ba, tức là có mũ mạng che mặt, khẩu trang y tế, áo choàng kín đầu, bốt, giày và găng tay”.

Tuy nhiên, Phó Cục trưởng Cục Quản lý Khám, chữa bệnh cũng lưu ý: “Chúng ta dùng phải hết sức hạn chế, tiết kiệm, đúng chỉ định, hướng dẫn và chỉ mặc khi cần thiết, không nên ai cũng mặc đồ bảo hộ”.

Trước đó, nhằm bảo đảm an toàn cho nhân viên y tế trong bối cảnh dịch phức tạp và sử dụng hiệu quả phương tiện phòng hộ cá nhân phòng, chống dịch COVID-19, ngày 19/7, Cục Quản lý Khám, chữa bệnh (Bộ Y tế) đã có văn bản gửi Sở Y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; Y tế ngành; các Bệnh viện, Viện nghiên cứu có giường bệnh trực thuộc Bộ Y tế, về việc tuân thủ sử dụng phương tiện phòng hộ cá nhân.

Cục trưởng Cục Quản lý Khám, chữa bệnh Lương Ngọc Khuê nhấn mạnh, hiện nay tình hình dịch COVID- 9 đang diễn biết hết sức phức tạp. Số ca nhiễm tại cộng đồng đang tăng cao có thể dẫn đến quá tải và thiếu phương tiện phòng hộ cá nhân cho nhân viên y tế tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh.

Nhằm bảo đảm an toàn cho nhân viên y tế trong bối cảnh dịch phức tạp như hiện nay và sử dụng hiệu quả phương tiện phòng hộ cá nhân phòng, chống dịch COVID-19, Cục Quản lý Khám, chữa bệnh đề nghị lãnh đạo các đơn vị cung cấp đầy đủ phương tiện phòng hộ cá nhân đạt chuẩn cho nhân viên y tế phù hợp với công việc và vị trí làm việc.

Cùng với sử dụng và thải bỏ phương tiện phòng hộ cá nhân đúng quy trình, đúng thời điểm, tuyệt đối không mang phương tiện phòng hộ cá nhân khi ăn uống, ngủ, nghỉ.

Các đơn vị đôn đốc, giám sát người bệnh sử dụng khẩu trang y tế và thực hiện các biện pháp 5K; không sử dụng phương tiện phòng hộ cá nhân cho người bệnh khi nằm viện, chuyển khoa, chuyển viện và ra viện.

Đồng thời, tăng cường kiểm tra, giám sát và hỗ trợ nhân viên y tế tuân thủ đúng quy trình sử dụng phương tiện phòng hộ cá nhân.

Bích Thủy (TTXVN)
Đường dây lừa đảo 'tuồn' đồ bảo hộ đã qua sử dụng vào các bệnh viện Ấn Độ
Đường dây lừa đảo 'tuồn' đồ bảo hộ đã qua sử dụng vào các bệnh viện Ấn Độ

Việc sử dụng tràn lan khẩu trang không đảm bảo vệ sinh và thiết bị y tế đã qua sử dụng đang làm tăng gánh nặng cho hệ thống chăm sóc sức khỏe Ấn Độ vốn oằn mình vì làn sóng dịch bệnh.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN