Do đó, ngoài việc cơ quan chức năng kiểm tra định kỳ, chính mỗi ngư dân chủ động sử dụng đồ bảo hộ, phao cứu sinh khi thời tiết xấu sẽ đảm bảo an toàn cho chính bản thân và góp phần giảm thiểu thiệt hại khi có tình huống xấu xảy ra.
Thực tế, nhiều trường hợp ngư dân tỉnh Bình Định trên đường đi tránh trú bão bị nước phá tàu dẫn đến mất tích trên biển. Những trường hợp ngư dân sống sót trở về cho biết, vì không mặc áo phao khi làm việc và không sử dụng phao cứu sinh nên khi gặp sự cố chìm tàu trên biển, các thuyền viên phải “bấu víu” tạm vào can nhựa, hoặc thùng xốp... để chờ được ứng cứu, tình thế đó khiến một số người kiệt sức phải bỏ mạng trên biển.
Ông Lê Quang Tiếp, bố của một ngư dân thoát chết kỳ diệu của tàu cá Bình Định 97469 TS trở về hôm 3/11 chia sẻ, vào thời điểm tàu cá của ông gặp nạn, trên tàu chỉ có một người mặc áo phao, nhờ đó mà cầm cự được sau nhiều ngày lênh đênh trên biển. Qua sự việc lần này, cũng là một bài học cảnh tỉnh đến mọi người, nhất là ngư dân làm việc trên các ngư trường lớn của Việt Nam trong tình hình thời tiết xấu.
Còn tại Khánh Hòa, hiện có trên 3.000 tàu cá đánh bắt xa bờ. Ông Nguyễn Khắc Én, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản Khánh Hòa cho biết, qua kiểm tra trước mỗi lần xuất bến, các tàu cá đều trang bị đầy đủ các thiết bị bảo hộ như áo phao, phao tròn cho người lao động.
Tuy nhiên, trên thực tế vẫn còn nhiều ngư dân chủ quan trong việc mặc đồ bảo hộ khi đi biển. Thậm chí, một số tàu cá khi đăng kiểm thì có đầy đủ các phương tiện cứu sinh, nhưng sau đó một thời gian các phương tiện cứu sinh hư hỏng, dẫn đến các tàu đi trên biển nhưng lại không có đầy đủ phương tiện bảo hộ.
Ông Mai Thành Phúc, Chủ tịch Hội Nghề cá Phước Đồng, thành phố Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa trăn trở: “Đây là thực tế nhức nhối. Ngoài việc tuyên truyền, tôi nghĩ hàng năm các nhà tài trợ nên ủng hộ, giúp đỡ cho ngư dân các phương tiện này, chỉ khi có sẵn trên thuyền, họ sẽ chủ động mặc và đảm bảo an toàn cho chính mình”.
Hội Nghề cá Phước Đồng có trên 30 tàu cá, được chia thành 6 tổ, đội. Phương châm hoạt động an toàn của hội là thực hiện đánh bắt theo tổ, nhóm, không đánh tại nơi đầu luồng và trên luồng hành trình của tàu biển; thường xuyên liên lạc với nhau, hỗ trợ lẫn nhau, tự cứu nhau khi gặp tai nạn, sự cố trên biển trước khi có lực lượng tìm kiếm cứu nạn chuyên nghiệp tới hỗ trợ.
Chi hàng tỷ đồng để sắm tàu cùng nhiều máy móc hiện đại vươn khơi bám biển, nhưng vẫn còn nhiều chủ tàu, ngư dân chưa thực sự xem trọng việc trang bị đồ bảo hộ an toàn lao động cũng như sử dụng thiết bị cứu sinh khi vươn khơi, bám biển. Đó là nhận xét của những cán bộ làm việc tại Trung tâm cứu nạn Hàng hải Việt Nam sau nhiều nhiều ngày triển khai tìm kiếm cứu nạn các ngư dân gặp nạn trên biển, dẫn đến mất tích.
Theo ông Nguyễn Xuân Bình, Giám đốc Trung tâm Phối hợp tìm kiếm cứu nạn hàng hải Khu vực IV, để giảm thiểu thiệt hại về tính mạng khi gặp sự cố trong quá trình đánh bắt trên biển trong mùa mưa bão thì tuyên truyền là một biện pháp hữu hiệu hiện nay.
Ông Bình khẳng định, bên cạnh nhiệm vụ cứu nạn hàng hải, tàu cá thì việc tuyên truyền cho người dân cũng là yếu tố quan trọng không thể bỏ qua. Hàng năm Trung tâm đều phối hợp với các đơn vị có liên quan tổ chức các chương trình tuyên truyền về an ninh, an toàn hàng hải, tìm kiếm cứu nạn, các phương pháp sơ cấp cứu y tế, qua đó nâng cao nhận thức cho bà con ngư dân về an toàn hàng hải, góp phần giảm thiểu những thiệt hại do tai nạn khi đánh bắt trên biển.
Đặc biệt, để giảm tối đa sự cố khi đánh bắt trên biển, thuyền trưởng các tàu trước khi rời bến phải kiểm tra tình trạng trang thiết bị hàng hải, trạng thái an toàn của tàu (thân vỏ, máy móc, ngư cụ), các trang thiết bị an toàn (chất lượng của phao cứu sinh, bình cứu hỏa chưa, thiết bị thông tin (thử thiết bị ắc quy), tình trạng sức khỏe thuyền viên, phương tiện bảo vệ cá nhân (quần áo, bảo hộ lao động). Đồng thời, thuyền trưởng phải dự tính trước được những điểm có thể vào trú gió, bão khi đang hoạt động trên biển và có biện pháp bảo vệ thuyền viên trước các sự cố khẩn cấp.