Giải pháp làm mát trong bộ đồ bảo hộ đã được ứng dụng ngay tại điểm nóng dịch Bắc Giang

Viện Sức khỏe nghề nghiệp và Môi trường (Bộ Y tế) đã bắt tay vào nghiên cứu 2 giải pháp hỗ trợ cho các cán bộ y tế tuyến đầu. Giải pháp làm mát phía trong bộ đồ bảo hộ nhằm bảo đảm sức khỏe cho người sử dụng đã được ứng dụng ngay tại Bắc Giang.

Chú thích ảnh
TS. Doãn Ngọc Hải giới thiệu về giải pháp làm mát bên trong bộ đồ bảo hộ nhằm hỗ trợ nhân viên y tế chống dịch làm việc giữa thời tiết nóng bức. Ảnh: NV

Thời tiết nắng nóng cùng tình hình dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp khiến lực lượng nhân viên y tế làm việc trên tuyến đầu phòng dịch vô cùng vất vả, đặc biệt là khi phải mặc bộ đồ bảo hộ kín mít. Tại các điểm nóng về dịch như Bắc Giang, Bắc Ninh..., nhiều nhân viên y tế thậm chí đã bị kiệt sức, mệt lả. Các trang thiết bị bảo hộ, khẩu trang, mũ, kính… che kín toàn thân trong toàn bộ thời gian làm việc gây ra cho họ nhiều khó chịu, bất tiện, ảnh hưởng nhiều đến chất lượng công việc và sức khỏe.

Trước thực trạng đó, Viện Sức khỏe nghề nghiệp và Môi trường đã bắt tay vào nghiên cứu các giải pháp hỗ trợ cho các cán bộ y tế tuyến đầu. Hiện Viện đang nghiên cứu 2 giải pháp để chống nóng cho nhân viên y tế chống dịch là giải pháp làm mát thiết kế bên trong bộ đồ bảo hộ và kiot di động để đứng lấy mẫu xét nghiệm.

TS. Doãn Ngọc Hải, Viện trưởng Viện Sức khỏe Nghề nghiệp và Môi trường cho biết: "Khẩn trương thực hiện chỉ đạo của Bộ Y tế, Viện đã nghiên cứu và tìm các giải pháp chống nóng cho nhân viên y tế khi mặc bộ đồ bảo hộ chống dịch trong mùa hè. Trang phục bảo hộ được thiết kế 2 quạt hút gió và lọc không khí đẩy vào phía trong để làm mát. Ngay ngày hôm qua (1/6), giải pháp làm mát trong bộ đồ bảo hộ đã được Bộ Y tế đưa vào ứng dụng ngay tại điểm nóng dịch Bắc Giang”.

Đây được đánh giá là giải pháp nhanh chóng, dễ ứng dụng và phù hợp trong thời điểm này. Để có giải pháp này, các chuyên gia đã nghiên cứu các loại quạt và chọn ra mẫu phù hợp, sử dụng 2 quạt gắn vào phía trong bộ đồ bảo hộ đủ để làm mát toàn bộ cơ thể cho người mặc bộ, quạt được hỗ trợ bởi cục pin có thể chạy được ít nhất 4 tiếng đến 10 tiếng trong cả ca làm việc, giúp các nhân viên y tế bớt được cảm giác nóng, bức bí. Thậm chí loại quạt này có thể tăng giảm tốc độ gió phù hợp với thời tiết.

Theo TS. Doãn Ngọc Hải, việc mặc trang phục bảo hộ là bắt buộc để người tham gia chống dịch tránh bị lây nhiễm khi tiếp xúc với các trường hợp nguy cơ. Với tiêu chí tránh lây nhiễm, trang phục bảo hộ thường được may kín, liền thân, với chất liệu chống thấm nước. Điều này làm tăng nhiệt độ bên trong khi mặc, khiến cơ thể bị ra mồ hôi nhiều, ngột ngạt, khó thở; cùng với khẩu trang, mũ, kính kín mít ... điều này ảnh hưởng đến sức khoẻ của nhân viên y tế. Với những đặc điểm đó, Viện đã tập trung vào thiết kế để giảm bớt bức bí khi mặc bằng cách tạo ra luồng khí đối lưu, cùng với hệ thống quạt sẽ giảm bớt cảm giác nóng.

"Khâu lâu nhất là chúng tôi phải thử các loại quạt, pin để tìm ra loại phù hợp với trang phục áo bảo hộ. Việc này phải đảm bảo yêu cầu như: Quạt dễ dàng treo được vào trong áo, tạo đủ gió, đủ làm mát, không bị quấn áo vào cánh quạt, trọng lượng đủ nhẹ, loại pin sử dụng ít nhất phải đáp ứng đủ ca làm việc", TS Doãn Ngọc Hải chia sẻ.

Đặc biệt, loại quạt sử dụng làm mát này không can thiệp vào thiết kế của áo bảo hộ nên không mất thời gian phải xin phép theo quy định, quạt đặt thẳng vào áo nhưng phải đủ mạnh để hút không khí thổi vào trong. Các chuyên gia đã thiết kế phần che 2 đầu để quần áo không bị hút vào quạt; tiêu chí của loại quạt sử dụng là phải nhẹ vì nhân viên y tế không thể đeo bộ quần áo quá nặng. Những yếu tố này đều phải nghiên cứu, chọn lựa phù hợp.

TS. Doãn Ngọc Hải cũng thông tin, ngoài giải pháp làm mát cho bộ quần áo bảo hộ, Viện Sức khoẻ nghề nghiệp và Môi trường cũng đang thiết kế mẫu kiot di động để phục vụ việc lấy mẫu xét nghiệm.

Thiết bị này giúp nhân viên nhân viên y tế có đứng bên trong kiot lấy mẫu, vừa được làm mát, không phải mặc bảo hộ, giữ được khoảng cách. Nguyên tắc của sản phẩm này là có thể di động để đặt ở bất kỳ chỗ nào, di chuyển đến nhiều nơi phù hợp với việc đi lấy mẫu ở bên ngoài như: Đi xuống, đi lên nhà máy hoặc ở khu dân cư.

"Chúng tôi thiết kế kiot lấy mẫu theo dạng có bánh xe để dễ dàng di chuyển; làm bằng hình thức lắp ráp để tiện nhất tháo lắp dễ dàng, ở bất kể địa hình nào cũng chỉ mất khoảng 30 phút là lắp đặt xong. Đặc biệt chất liệu cũng hướng tới sử dụng các chất liệu nhẹ để dễ dàng di chuyển và sử dụng. Dự kiến khoảng 2 ngày nữa chúng tôi có thể làm xong thiết kế này để nhanh chóng đưa vào ứng dụng", TS. Doãn Ngọc Hải cho biết.

Chú thích ảnh
Tạ Nguyên/Báo Tin tức
Xuyên đêm lấy mẫu xét nghiệm
Xuyên đêm lấy mẫu xét nghiệm

Thời tiết các tỉnh miền Bắc liên tục nắng nóng. Để đảm bảo sức khỏe của người dân cũng như cán bộ y tế trực tiếp tham gia truy vết, lấy mẫu phòng chống COVID-19, Sở Y tế Bắc Ninh đã chỉ đạo các trung tâm y tế giãn cách thời gian lấy mẫu, không lấy mẫu bệnh phẩm vào giờ trưa và đầu giờ chiều. Do đó, thời điểm này Bắc Ninh tổ chức nhiều chuyến xe xuyên đêm để xét nghiệm, phục hồi truy vết, khoang vùng, dập dịch.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN