Theo đài Sputnik, giới chức tại một số bang ở Ấn Độ đã thu giữ được lượng lớn khẩu trang, găng tay y tế và thậm chí là bộ đồ bảo hộ (PPE) “mất vệ sinh” trong một vài tuần qua, phơi bày một mạng lưới tội phạm trong đó các đối tượng lừa đảo cung cấp những vật dụng y tế đã qua sử dụng cho các bệnh viện và nhà thuốc.
Cụ thể, cảnh sát Delhi đã thu giữ khoảng 5 tấn găng tay y tế từ các kho chứa không đảm bảo vệ sinh và bắt giữ 6 đối tượng trong một đợt đột kích vào cuối tháng 5.
Video các đối tượng rửa sạch khẩu trang, găng tay, bộ bảo hộ PPE tại một cơ sở không đảm bảo vệ sinh (nguồn: ANI TV):
Một quan chức cấp cao thuộc sở cảnh sát Delhi tiết lộ có mối liên kết giữa nhóm lừa đảo và bệnh viện cũng như một số nhà cung cấp trong việc thu gom và xử lý rác thải y tế.
“Hầu hết các đối tượng bị bắt đều là dân lao động đang làm công ăn lương theo ngày hoặc theo tháng. Chúng tôi cũng đã biết về sự tham gia của một người đàn ông trung gian cung cấp găng tay cho họ. Sau khi tiến hành thẩm vấn, chúng tôi nhận ra hiện hữu một dây chuyền đang được điều hành từ chính các bệnh viện hoặc từ các nhà cung cấp”, quan chức trên cho hay.
Theo cảnh sát, một trong 6 nghi phạm bị bắt - là người buôn bán phế liệu tên Lal Dass - khai nhận anh ta đã mua số lượng lớn găng tay đã qua sử dụng từ một người trung gian. Giá của những chiếc găng tay này dao động từ 0,34 đến 0,48 USD/kg, tùy thuộc vào chất lượng và màu sắc của găng tay.
“Sau khi phân loại, những kẻ này sẽ bán găng tay cho một nhóm khác với giá từ 0,65 USD đến 0,75 USD/kg. Nhóm sau phụ trách rửa và đóng gói lại găng tay vào hộp mới, bán ra thị trường với giá từ 1,37 USD đến 1,64 USD/kg. Đường dây này đang hoạt động tại một số bang”, nhà chức trách giải thích.
Trong một đoạn video chia sẻ trên các trang mạng xã hội vào tháng trước, các đối tượng đang rửa khẩu trang, găng tay và bộ đồ bảo hộ bên trong một đơn vị xử lý chất thải y tế tại bang Madhya Pradesh. Theo cảnh sát, những người này đang đóng gói lại các món đồ để bán ra thị trường.
Các chuyên gia y tế cho rằng hành vi này không chỉ vi phạm quy tắc xử lý chất thải y tế mà còn có nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe của bác sĩ và bệnh nhân. Theo các quy tắc đảm bảo an toàn COVID-19, bộ đồ PPE, khẩu trang và găng tay đã qua sử dụng phải vứt bỏ một cách an toàn sau khi sử dụng và không thể sử dụng lại đồ bảo hộ y tế.
“Một số bài báo và video xuất hiện trong đó các đối tượng đang rửa các thiết bị bảo hộ y tế đã qua sử dụng. Những hành động như vậy không chỉ gây hoảng sợ mà còn dẫn đến thảm họa sức khỏe cho người dân. Tôi nghĩ rằng những đường dây này không thể hoạt động nếu không có sự liên kết của các nhà bán lẻ và bệnh viện”, Tiến sĩ Vaibhav Trivedi, đại diện Hiệp hội Bác sĩ Nội trú (RDA), kết luận.
Ông nhấn mạnh đồ bảo hộ đã qua sử dụng không được phép đến tay một người mua bán phế liệu. “Sử dụng những đôi găng tay hoặc khẩu trang đã bỏ đi có thể làm lây lan không chỉ virus SARS-CoV-2 mà còn có nguy cơ mắc các bệnh khác như HIV và viêm gan B đối với các bệnh nhân, đặc biệt là những người đang phẫu thuật”.
Chất thải y sinh được các nhà cung cấp thu gom từ các bệnh viện và được xử lý tại các điểm chỉ định trước đó. Những rác thải y tế này sẽ bị nghiền nát và hấp tiệt trùng trong nhiệt độ 130-140 độ C trong các loại máy đặc biệt. Rác thải nhựa trong quá trình tiệt trùng được rửa sạch và cung cấp cho các công ty tái chế nhựa.
Theo số liệu do Ban Kiểm soát Ô nhiễm Trung ương tổng hợp, Ấn Độ thải ra gần 146 tấn chất thải y tế mỗi ngày với các hoạt động điều trị COVID-19.