Ấn Độ gấp rút chuẩn bị cho làn sóng COVID-19 thứ ba

Các bệnh viện tăng cường dự trữ oxy và vật liệu y tế dự trữ, chương trình vaccine tăng tốc khắp đất nước. Ấn Độ đang cấp bách chuẩn bị đối phó với một làn sóng dịch tiếp theo khó tránh khỏi.

Chú thích ảnh
Một trung tâm tiêm phòng vaccine ở Ấn Độ. Ảnh: Getty Images

Hai tháng trước, Bệnh viện Lok Nayak Jai Prakash Narayan ở thủ đô của Ấn Độ là một bãi chiến trường. Toàn bộ 1.500 giường cho bệnh nhân COVID-19 đều kín. Bệnh viện rơi vào tình trạng gần cạn kiệt oxy không chỉ một mà đến ba lần.

Giờ đây, bệnh viện có chỗ cho mọi bệnh nhân cần giường và có oxy dự phòng. Bà Ritu Saxena, Phó giám đốc y tế của bệnh viện, không phải mất hàng đêm trả lời cuộc gọi từ những người thân tuyệt vọng. Thay vào đó, bà tập trung vào tương lai: chuẩn bị để bệnh viện sẵn sàng cho những làn sóng dịch tiếp theo. “Điều tồi tệ nhất đã qua”, bà Saxena nhẹ nhõm nói.

Lúc này, Ấn Độ đang đối mặt thách thức phải giành thế thượng phong trước đại dịch. Nhiều chuyên gia y tế công cộng cảnh báo một sự hồi sinh của làn sóng dịch mới sẽ lại càn quét nếu không có sự chuẩn bị. Chìa khoá của cuộc chiến là một chiến dịch thúc đẩy tiêm chủng và nỗ lực tăng cường cơ sở hạ tầng y tế của Ấn Độ để dự phòng nguồn cung cấp, như bình oxy và mạng lưới chăm sóc y tế từ các khu ổ chuột ven đô đến những ngôi làng xa xôi.

Các nhà sản xuất vaccine của Ấn Độ, đặc biệt là Viện Huyết thanh (SII), đang chịu áp lực tăng cường sản xuất để phục vụ nhu cầu cấp thiết trong nước trong khi thế giới vẫn nóng lòng chờ đợi Ấn Độ xuất khẩu trở lại.

Một thất bại tiếp theo có thể sẽ rất tàn khốc. Ấn Độ vẫn đang quay cuồng với một đại dịch khiến số người chết hàng ngày lên tới 4.500 người vào lúc cao điểm tháng 5. Hiện tại, chỉ 3,5% trong số 1,3 tỷ dân của Ấn Độ được tiêm chủng đầy đủ.

Chú thích ảnh
Người dân chở oxy về nhà phục vụ bệnh nhân COVID-19 trong làn sóng dịch thứ hai. Ảnh: AFP

Đồng hồ vẫn chạy đều, thời gian và cường độ của một làn sóng dịch tiếp theo là khó đoán định. K. VijayRaghavan, một cố vấn khoa học của chính phủ, phát biểu với các phóng viên vào tháng 5 rằng làn sóng thứ ba là “không thể tránh khỏi” khi virus đột biến. Tuy nhiên, ông VijayRaghavan nói, mức độ bùng phát trở lại của đại dịch có thể được giảm bớt bằng các biện pháp mạnh.

Liên tiếp những ngày gần đây, Ấn Độ ghi nhận số ca nhiễm xuống dưới ngưỡng 100.000. Hôm 8/6, nước này ghi nhận 86.500 ca nhiễm – mức thấp nhất trong hai tháng. Tuy nhiên, con số này vẫn cao nhất thế giới. Ấn Độ cũng tiếp tục ghi nhận số người chết cao nhất trên thế giới với hơn 2.000 người mỗi ngày. Tuần này, lần đầu tiên sau nhiều tháng, các doanh nghiệp và cửa hàng đã mở cửa trở lại ở New Delhi và Mumbai, hai đô thị từng là trung tâm của cuộc khủng hoảng đại dịch.

Ấn Độ đã mất cảnh giác trước làn sóng thứ hai vô cùng nguy hiểm do một biến thể địa phương có khả năng lây nhiễm cao. Các bệnh viện quá tải, thuốc men thiếu thốn, oxy cạn kiệt, hình ảnh xác chết thả trôi trên sông Hằng và những lò thiêu rực lửa ngày đêm là một minh chứng cho quy mô tàn khốc của cuộc khủng hoảng.

Chú thích ảnh
Hình ảnh các bãi thiêu thi thể nạn nhân COVID-19 ở Ấn Độ đã gây rúng động thế giới. Ảnh: Reuters

Giridhar Babu, một nhà dịch tễ học tại Tổ chức Y tế Công cộng của Ấn Độ, cho biết: “Câu hỏi không nằm ở việc liệu làn sóng mới có đến không, mà là khi nào” và “một chiến lược ngăn chặn tích cực là rất cần thiết”. Ông Babu cho biết: “Ngay sau khi một cụm lây nhiễm được phát hiện, chúng ta nên giải trình tự bộ gien để kiểm tra xem chúng giống nhau hay là biến thể mới”.

Theo chuyên gia Babu, một cách khác để chống lại điều không thể tránh khỏi là bao phủ vaccine nhanh hơn và rộng hơn. Hơn 230 triệu người Ấn Độ đã được tiêm ít nhất một mũi vaccine COVID-19. Nhưng ở một quốc gia có quy mô dân số lớn như vậy, con số đó chỉ tương đương 18% người dân đã được tiêm chủng một phần.

Chiến dịch tiêm chủng bắt đầu từ tháng 1 đã gặp khó khăn trong vài tháng qua, đúng thời điểm nó cần phải tăng cường. Đối mặt với thách thức, Thủ tướng Narendra Modi đã vào cuộc. Hôm 7/6, ông đã đảo ngược quyết định của chính phủ về giao quyền cho các bang trong việc mua vaccine COVID. Chính sách này trước đó bị chỉ trích vì làm trầm trọng thêm tình trạng thiếu hụt vaccine ở một số vùng.

Theo quyết định mới, từ ngày 21/6, chính quyền trung ương sẽ chịu trách nhiệm mua 75% nguồn cung cấp vaccine, phần còn lại dành cho khu vực tư nhân. Việc tiêm chủng COVID tại các cơ sở của chính phủ sẽ được miễn phí. Sự đảo ngược trên diễn ra vài ngày sau khi Tòa án Tối cao Ấn Độ chỉ trích chính phủ vì các chính sách lộn xộn.

Các bác sĩ cho rằng tốc độ tiêm chủng là tối quan trọng đối với Ấn Độ. Nhà nghiên cứu Lancelot Pinto, tại Bệnh viện P.D. Hiduja ở Mumbai, cho biết: “Việc tiêm chủng nhanh chóng ảnh hưởng quan trọng tới sự phát triển của các biến thể mới”. Theo ông, virus sẽ học cách đột biến và lây lan giữa những người không được tiêm chủng. “Chúng tôi không muốn rơi vào tình huống tốc độ tiêm chủng quá chậm đến mức để virus thắng thế”.

Một vấn đề xảy ra là sự bất bình đẳng trong tiêm chủng đã xuất hiện trong những ngày gần đây, với việc người giàu có thể mua suất tiêm vaccine các bệnh viện tư nhân trong khi người nghèo không thể trả tiền tiêm hoặc vật lộn đăng ký trực tuyến để đặt chỗ. Chính quyền bang Uttar Pradesh, bang đông dân nhất Ấn Độ, đang điều tra một trung tâm tiêm chủng miễn phí đã tiêm cho những cư dân giàu có ở Noida bằng vaccine dành cho một thị trấn nhỏ cách xa đó. 

Chú thích ảnh
Một trạm tiêm vaccine COVID-19 lưu động ở Ấn Độ. Ảnh: AFP

Nhà dịch tễ học Babu cho biết mục tiêu của Ấn Độ là tiêm chủng đầy đủ cho tất cả những người dễ bị tổn thương, những người mắc bệnh đi kèm và tiêm ít nhất một liều cho toàn bộ người trưởng thành. Ông ước tính, để làm được điều đó, Ấn Độ sẽ cần cung cấp 10 triệu liều vaccine mỗi ngày, một mức tăng đầy thách thức so với năng lực 3 triệu liều/ngày hiện tại.

Với việc quyền cung cấp vaccine được đặt trở lại dưới sự kiểm soát của chính phủ trung ương, chính quyền các bang đang lập kế hoạch của riêng họ trong những tháng tới. Các bang Delhi và Maharashtra đã thành lập các lực lượng đặc nhiệm nhi khoa sau khi các bác sĩ ghi nhận nhiều bệnh nhân trẻ hơn mắc bệnh nặng hơn làn sóng trước.

Bang Maharashtra đang thiết lập các giường chăm sóc đặc biệt cho trẻ em và đào tạo các nhà cung cấp dịch vụ y tế ở nông thôn về các phác đồ điều trị COVID-19. Các bệnh viện hơn 100 giường bệnh được yêu cầu thiết lập các nhà máy sản xuất oxy tại chỗ để tránh tình trạng thiếu hụt.

Ông Bajan nói: “Chúng tôi khôn ngoan hơn nhiều so với trước đây”.

Chú thích ảnh
Các bệnh viện Ấn Độ đang tăng cường dự trữ oxy. Ảnh: Timesofindia

Thủ đô New Delhi, với 28.000 ca mắc/ngày vào tháng 4, đang lên kế hoạch xử lý mức cao nhất có thể xảy ra là 37.000 ca mắc/ngày trong một làn sóng dịch tiếp theo. Thành phố này từng bị tàn phá bởi tình trạng thiếu ôxy nghiêm trọng. Lúc này, hàng chục nhà máy oxy nhỏ đang được thiết lập và công suất dự trữ tăng lên mỗi ngày.

Thủ hiến Delhi, Arvind Kejriwal cho biết: “Nhiệm vụ của chúng tôi là phải chuẩn bị trong trường hợp làn sóng thứ ba trở nên cực kỳ nguy hiểm”.

Đầu tháng 6 này, trong một quyết định nhằm giảm thiểu rủi ro một đợt bùng phát lớn, chính phủ đã hủy bỏ kỳ thi quan trọng vào đại học của học sinh lớp 12. Thủ tướng Modi cho biết quyết định này nhằm "bảo vệ sức khỏe cũng như tương lai thế hệ tuổi trẻ của chúng ta”.

Nhưng đối với bác sĩ Saxena, ở New Delhi, ký ức về những tháng vừa qua vẫn còn nguyên vẹn và đầy đau thương. “Đợt thứ hai giống như sóng thần và chúng tôi không chuẩn bị đầy đủ”. Bà Saxena dự đoán về một số lượng bệnh nhân “khổng lồ” nếu đợt thứ ba ập đến và khẳng định: "Nhưng lần này, chúng tôi đã sẵn sàng đối mặt với nó”.
 

Thu Hằng/Báo Tin tức (Theo Washington Post)
Nga thông báo Ấn Độ sẽ nhận lô S-400 đầu tiên vào cuối năm nay
Nga thông báo Ấn Độ sẽ nhận lô S-400 đầu tiên vào cuối năm nay

Theo Đại sứ Nga tại New Delhi, ông Nikolay R. Kudashev, việc chuyển giao hệ thống phòng thủ tên lửa S-400 cho Ấn Độ sẽ không bị ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN