Trục trặc ở Viện Huyết thanh Ấn Độ khiến thế giới khan hiếm vaccine COVID-19

Các điểm nóng dễ bị tổn thương trên khắp thế giới từ Bangladesh cho tới Nepal hay Rwanda đều đang phải đối mặt với thách thức lớn trong chương trình tiêm chủng do thiếu nguồn cung vaccine. Căn nguyên của sự thiếu hụt có thể đến từ một công ty - Viện Huyết thanh Ấn Độ (SII).

Chú thích ảnh
Dây chuyền sản xuất vaccine COVID-19 Covishield trong viện Huyết thanh Ấn Độ. Ảnh: AFP

Là nhà sản xuất vaccine lớn nhất thế giới, SII năm ngoái được xác định là đầu mối cung ứng chủ chốt cho Sáng kiến vaccine Covax – một chương trình do Liên hợp quốc bảo trợ hướng đến mục tiêu cung cấp vaccine cho các nước nghèo để bảo đảm công bằng trong chiến dịch tiêm chủng toàn cầu. Nhưng SII liên tục gặp phải nhiều vấn đề, từ lệnh cấm xuất khẩu cho tới vụ hỏa hoạn tại cơ sở sản xuất, làm giảm khả năng cung cấp vaccine của công ty.

Sáng kiến Covax cam kết viện trợ vaccine cho 92 quốc gia trên thế giới, nhưng đến thời điểm này chương trình mới nhận được 30 triệu trong tổng số 200 triệu liều vaccine đặt mua từ SII và đa phần trong số này được chuyển giao trong giai đoạn đầu. Những trở ngại đến từ SII phần nào đó chính là hình ảnh phản chiếu những khiếm khuyết trong nỗ lực tiêm vaccine ngừa COVID-19 tại các nước đang phát triển.

Thiếu hụt vaccine diễn ra trong bối cảnh Tổ chức Y tế thế giới (WHO) và các chuyên gia y tế cộng đồng cảnh báo tỉ lệ tiêm chủng thấp ở các nước nghèo có thể làm bùng phát nhiều biến chủng nguy hiểm, khiến đại dịch toàn cầu kéo dài. Nhiều nhà sản xuất vaccine cũng gặp thách thức trong đáp ứng đơn hàng, nâng công suất và sản lượng vaccine. Nhưng thiếu hụt vaccine từ SII gây hệ quả đặc biệt quan ngại, bởi Sáng kiến Covax và các nước đang nổi phụ thuộc rất nhiều vào nguồn cung ứng từ SII.

Năm ngoái, Giám đốc điều hành SII Adar Poonawalla cam kết sẽ cung cấp 400 triệu liều vaccine AstraZeneca (tên nội địa ở Ấn Độ là Covishield) cho các nước có thu nhập trung bình và thấp vào cuối năm 2020. Nhưng sang năm 2021, ông thừa nhận rằng SII mới chỉ cho ra lò được 70 triệu liều tính đến thời điểm cuối năm ngoái, lý do là công ty không chắc chắn về triển vọng khi nào nhận được phê duyệt cấp phép từ cơ quan chức năng Ấn Độ, không đủ kho chứa. Từ tháng 4 trở lại đây, SII thậm chí còn không xuất khẩu bất kỳ lô vaccine nào ra nước ngoài, khi chính phủ Ấn Độ ban hành lệnh cấm xuất khẩu để ưu tiên phục vụ nhu cầu trong nước.

Một loạt các quốc gia từng ký kết hợp đồng trực tiếp với SII trước đây giờ phải chạy đua tìm kiếm nhà cung cấp mới. Nepal, nước đang phải vật lộn với bùng phát lây nhiễm trong thời gian gần đây, mới nhận được một triệu liều trong tổng số hai triệu liều vaccine đặt mua của SII. Quốc gia 28 triệu dân này hiện mới chỉ tiếp cận được 2,38 triệu liều vaccine, một triệu liều từ SII, một triệu liều từ viện trợ của chính phủ Ấn Độ và còn lại là từ sáng kiến Covax.

Chú thích ảnh
Nhân viên y tế Ấn Độ chuẩn bị tiêm vaccine ngừa COVID-19 cho người dân. Ảnh: AFP/TTXVN

Nepal từng kỳ vọng sẽ nhận được 13 triệu liều vaccine từ Covax. Nhưng nguồn cung này bị cạn kiệt, bởi sáng kiến này dựa phần lớn vào vaccine do SII cung cấp, trong khi hãng chế tạo vaccine lớn nhất thế giới giờ không được phép xuất khẩu vaccine do lệnh cấm.

SII giờ nhận thấy rằng tình thế đã thay đổi chỉ sau một năm. Tháng 1/2021, ông Poonawalla lý giải nguồn cung hạn chế là do thiếu nhà kho trữ vaccine, trước đó là những chậm trễ trong khâu cấp phép. Gần đây, người đứng đầu SII cho rằng chính sách của của Mỹ về kiểm soát xuất khẩu một số nguyên liệu thô phục vụ sản xuất vaccine khiến công ty gặp khó. Cùng lúc, vụ cháy tại một nhà máy của SII hồi tháng 1 cũng gây ra thiệt hại vượt xa so với ước tính trước đó, với việc dây truyền thiết bị hỏng hóc, làm trì hoãn sản lượng, cản bước mở rộng sản xuất.

Nhiều nhân tố khách quan khác cũng khiến SII gặp khó, như việc bị chính phủ “trói tay” bằng quyết định cấm xuất khẩu, những thay đổi về luật, quy định phê duyệt cấp phép, các biện pháp kiểm soát tại Ấn Độ. Chính nước này cũng bị vướng vào thiếu hụt nguồn cung vaccine.

Thoạt đầu, nhu cầu trong nước chưa hẳn là nhân tố gây tạo ra thách thức về khả năng cung ứng với SII, bởi chương trình tiêm chủng vaccine ở Ấn Độ được khởi động muộn. Chính quyền Thủ tướng Narenda Modi không chắc chắn về số lượng vaccine cần đặt mua từ SII ở thời điểm tưởng như đã kiểm soát được dịch bệnh, khiến công ty không thể dự báo chính xác mức sản lượng sản xuất, để có sự chuẩn bị, đầu tư cho dây truyền, nhà xưởng.

Đến tháng 1/2021, chính phủ Ấn Độ mới chỉ đặt mua từ SII 11 triệu liều vaccine. Nhưng khi xảy ra làn sóng lây nhiễm thứ hai, nhu cầu vaccine tăng vọt, trong khi nguồn cung từ SII lại cạn kiệt.

Hoài Thanh/Báo Tin tức (Bloomberg)
WTO xúc tiến đàm phán tăng nguồn cung vaccine cho các nước đang phát triển
WTO xúc tiến đàm phán tăng nguồn cung vaccine cho các nước đang phát triển

Các thành viên của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) ngày 9/6 đã nhất trí khởi động các cuộc đàm phán chính thức về một kế hoạch nhằm tăng cường cung ứng vaccine ngừa COVID-19 cho các quốc gia đang phát triển.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN