Hiến máu sau tiêm vaccine phòng COVID-19 hoàn toàn an toàn

Tính đến ngày 1/9, Việt Nam đã thực hiện tiêm hơn 20 triệu liều vaccine phòng COVID-19. Trong số những người đã được tiêm phòng, có nhiều người thường xuyên hiến máu. Chính vì vậy, hàng loạt băn khoăn được đặt ra như hiến máu sau tiêm có an toàn không, sau tiêm bao lâu có thể hiến máu hoặc hiến máu có làm giảm hiệu quả của vaccine…

Chú thích ảnh
Tiêm vaccine Astra Zeneca cho lực lượng tuyến đầu tại Bệnh viện Dệt may. Ảnh: Trần Việt/TTXVN

Theo các chuyên gia y tế, hiến máu sau tiêm vaccine là an toàn. Người dân có thể tham gia hiến máu khi cảm thấy thực sự khỏe mạnh và không có các hành vi nguy cơ lây nhiễm virus qua đường truyền máu, không có các yếu tố nguy cơ liên quan đến COVID-19.

Có thể hiến máu sau tiêm 7 ngày

Theo hướng dẫn ngày 19/1/2021 của Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA), không cần trì hoãn hiến máu đối với những người được tiêm vaccine COVID-19 nếu họ cảm thấy hoàn toàn khỏe mạnh, không có các phản ứng sau tiêm hoặc không có các triệu chứng nghi ngờ mắc COVID-19.

Một số trường hợp sẽ được trì hoãn hiến máu trong thời gian ngắn sau khi tiêm vaccine COVID-19, phụ thuộc vào hãng sản xuất và loại vaccine. Khi đó, người đến đăng ký hiến máu cần cung cấp tên nhà sản xuất vaccine.

Cụ thể, những người được tiêm vaccine COVID-19 không sao chép, bất hoạt hoặc dựa trên RNA của các hãng AstraZeneca, Janssen/J&J, Moderna, Novavax hoặc Pfizer có thể hiến máu sau khi tiêm vaccine. Những người được nhận vaccine sống giảm độc lực hoặc không biết chính xác loại vaccine sẽ phải chờ 2 tuần hoặc lâu hơn mới có thể hiến máu, tùy vào quyết định của từng ngân hàng máu.

Tuy nhiên, FDA vẫn đưa ra khuyến cáo cần trì hoãn hiến máu 14 ngày đối với những người có nguy cơ với các triệu chứng mắc COVID-19 hoặc mắc COVID-19 kể từ thời điểm không còn triệu chứng hoặc không còn nhiễm virus SARS-CoV-2.

Hội Chữ thập đỏ Australia đưa ra khuyến cáo có thể hiến máu, huyết tương hay tiểu cầu sau khi tiêm 7 ngày (không phân biệt loại vaccine COVID-19) và đề nghị người hiến máu cân nhắc việc hiến máu trước ngày tiêm vaccine.

Việc trì hoãn chỉ nhằm đảm bảo sức khỏe người hiến máu được tốt nhất khi hiến máu, không còn sốt nhẹ (phản ứng thông thường sau khi tiêm vaccine) và tránh gặp phải một số phản ứng không mong muốn trong hoặc ngay sau khi hiến máu như choáng, ngất nếu họ không khỏe.

Tại Việt Nam, theo quy định tại Thông tư 26/2013/TT-BYT Hướng dẫn hoạt động truyền máu của Bộ Y tế, sau khi tiêm vaccine 7 ngày, có thể tham gia hiến máu (trừ vaccine phòng bệnh dại, rubella, sởi, thương hàn, tả, quai bị, thủy đậu, BCG cần phải trì hoãn hiến máu từ 4 tuần đến 12 tháng). Tuy nhiên, người hiến máu cần đáp ứng các tiêu chuẩn sức khỏe và tuân thủ các quy định khai báo y tế để đảm bảo thật sự khỏe mạnh, an toàn, không có các nguy cơ lây nhiễm SARS-CoV-2 khi tham gia hiến máu.

Hiến máu sau tiêm không làm giảm hiệu quả của vaccine

Theo Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương, các nghiên cứu hiện có chưa cho thấy bất kỳ bằng chứng nào về việc hiến máu có thể làm giảm hiệu quả của bất cứ loại vaccine nào bao gồm vaccine phòng COVID-19 đối với cơ thể người được tiêm phòng.

Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA), Cục Dịch vụ Truyền máu Canada đều đưa ra lý giải cho khẳng định này. Cụ thể, khi cơ thể bị nhiễm virus SARS-CoV-2 hoặc được tiêm vaccine chống virus này, hệ thống miễn dịch của cơ thể sẽ sản sinh ra các tế bào bạch cầu lympho T và các kháng thể đặc biệt, có khả năng ghi nhớ để chiến đấu với tác nhân gây bệnh nếu bị chúng tấn công trong tương lai. Các tế bào có khả năng đáp ứng miễn dịch này được lưu giữ trong máu và một số cơ quan khác như gan, lách, hạch.

Chỉ một lượng rất nhỏ các tế bào bạch cầu được lấy đi trong quá trình hiến máu nên không làm ảnh hưởng đến hệ miễn dịch, không làm mất đi các kháng thể được hình thành trong quá trình đáp ứng với vaccine. Việc hiến máu không hề loại bỏ vaccine khỏi cơ thể.

Cơ thể người trưởng thành có trung bình khoảng 4 - 6 lít máu (tùy thuộc vào cân nặng), mỗi lần hiến máu chỉ cho đi 350 - 450 ml máu. Số lượng kháng thể chống lại virus SARS-CoV-2 trong lượng máu hiến là không đáng kể, trong khi cơ thể thường xuyên sản sinh ra lượng máu mới, bao gồm cả các tế bào bạch cầu cần cho đáp ứng miễn dịch.

Đảm bảo hiến máu an toàn

Trong thời điểm dịch COVID-19 vẫn còn diễn biến phức tạp, Ban Chỉ đạo quốc gia Vận động hiến máu tình nguyện có ban hành Hướng dẫn tổ chức hiến máu đảm bảo an toàn phòng, chống dịch bệnh. Hướng dẫn lưu ý: Người hiến máu chỉ đăng ký hiến máu khi cảm thấy thực sự khỏe mạnh, không có các nguy cơ lây nhiễm các virus qua đường truyền máu, không có các yếu tố nguy cơ liên quan đến COVID-19 và đáp ứng đủ các quy định về tuổi (18 - 60 tuổi), cân nặng (42 kg trở lên với nữ, 45 kg trở lên với nam), khoảng cách giữa hai lần hiến máu toàn phần là 12 tuần và hiến tiểu cầu là 2 tuần.

Người hiến máu cần đeo khẩu trang khi đến điểm hiến máu, rửa tay bằng xà phòng hoặc dung dịch sát khuẩn trước khi đăng ký hiến máu, thực hiện theo hướng dẫn của cán bộ y tế và tình nguyện viên tại điểm hiến máu.

Người hiến máu nên khai báo y tế trên các phần mềm ứng dụng: “Vietnam Health Declaration” hoặc “Bluezone” hoặc “Ncovi” trên điện thoại di động thông minh và đăng ký hiến máu qua các ứng dụng đăng ký hiến máu của Viện Huyết học – Truyền máu Trung ương trước khi đến hiến máu; trả lời trung thực các câu hỏi của cán bộ, nhân viên y tế về tình trạng sức khỏe và đánh giá nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh.

Người hiến máu chỉ hiến máu sau tối thiểu 14 ngày tính từ thời điểm được xét nghiệm khẳng định không còn mắc COVID-19; không có các triệu chứng lâm sàng: sốt, ho, đau họng, khó thở, tiêu chảy… và tính từ ngày cuối cùng rời khỏi vùng dịch/ khu vực cách ly…

Ban Chỉ đạo quốc gia Vận động hiến máu tình nguyện, Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương đề nghị, người hiến máu thông báo kịp thời cho đơn vị tiếp nhận máu về các triệu chứng lâm sàng như ho, sốt, khó thở… mới xuất hiện trong vòng 14 ngày sau khi hiến máu…

PV (TTXVN)
Triển khai ứng dụng 'Giọt máu vàng' vận động hiến máu tình nguyện
Triển khai ứng dụng 'Giọt máu vàng' vận động hiến máu tình nguyện

Ngày 31/8, Hội Chữ thập đỏ và Hội Tin học TP Hồ Chí Minh (HCA) tổ chức công bố và triển khai ứng dụng “Giọt máu vàng” (http://Giotmauvang.org.vn).

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN