Ngành công nghiệp Séc thiếu hụt nhân lực trầm trọng. |
Ngày 4/10, phát biểu tại hội nghị trong khuôn khổ Hội chợ Công nghiệp quốc tế tại thành phố Brno, ông Jaroslav Hanák, Chủ tịch Hiệp hội Công nghiệp và Vận tải Séc, khẳng định rằng nền công nghiệp nước nhà thiếu hụt 140.000 công nhân kỹ thuật và không thể tuyển dụng tại Séc.
Đài Phát thanh Praha dẫn lời của ông Hanák chỉ trích các sở lao động chỉ làm được mỗi chức năng là trợ cấp thất nghiệp và xa rời việc thực hiện kế hoạch của chính phủ thu hút nhân công từ các nước gần gũi với CH Séc về văn hóa. Ông cho rằng có thể bù đắp sự thiếu hụt lao động ở Séc bằng lực lượng công nhân Ukraine.
Trên thực tế, chính phủ Séc cũng đã định hướng vào việc tiếp nhận công nhân Ukraine để phục vụ ngành công nghiệp của Séc. Từ tháng 5 năm nay, cơ quan đại diện ngoại giao của Séc tại Lvov đã được bổ sung nhân lực để đẩy nhanh quy trình xét duyệt và cấp thị thực cho người lao động Ukraine.
Hiện tại, nhiều nhà máy của Séc không đủ công nhân nên không thực hiện kịp tiến độ giao hàng cho các đối tác nước ngoài và có nguy cơ bị phạt nặng. Tuy nhiên, không vì thế mà chính phủ và các cơ quan chức năng của CH Séc nới lỏng việc cấp thị thực cho lao động Việt Nam.
Các cơ sở sản xuất và tổ chức môi giới lao động ở Séc cho rằng việc chỉ giới hạn tuyển dụng lao động từ Ukraine không thể đáp ứng được "cơn khát nhân lực" của ngành công nghiệp Séc mà cần mở rộng sang các nước khác, trong đó có Việt Nam.
Theo Hiệp định Hợp tác lao động giữa Việt Nam và Tiệp Khắc, từ năm 1980 đến năm 1989 đã có hơn 37.000 lao động Việt Nam sang làm việc tại Tiệp Khắc, cùng với gần 10.000 học sinh học nghề chuyển sang hợp tác lao động.
Do nhiều nguyên nhân khác nhau, lao động Việt Nam tại CH Séc ngày càng giảm dần mặc dù năm 1994 chính phủ hai nước tiếp tục ký hiệp định hợp tác song phương về lao động. Từ năm 2009 đến nay, thị trường lao động Séc ở tình trạng “đóng băng” đối với lao động Việt Nam.