Séc xử lý mạnh lao động "chui"

5 tháng đầu năm nay trong các cuộc thanh tra đột xuất Cơ quan thanh tra nhà nước CH Séc đã phát hiện 950 lao động bất hợp pháp và xử phạt các chủ lao động tổng cộng hơn 32,5 triệu koruna (1,2 triệu euro).

Công nhân Việt Nam làm việc trong một nhà máy tại CH Séc. Ảnh: Trần Quang Vinh

Theo phóng viên TTXVN tại Praha, đài phát thanh Praha cho biết tuy số vụ lao động “chui” bị phát hiện nói trên tương đương với cùng kỳ năm ngoái, song các thanh tra lo ngại rằng vào mùa hè số lượng lao động bất hợp pháp có thể tăng lên đáng kể, trong đó các vụ vi phạm chủ yếu liên quan đến các lĩnh vực xây dựng cũng như dịch vụ nghỉ dưỡng và giải trí. Do đó cơ quan chức năng của Séc dự kiến tiếp tục tiến hành một loạt vụ thanh tra nhằm xử lý mạnh tay đối với thị trường lao động “đen” trong các lĩnh vực này.

Nạn lao động bất hợp pháp hàng năm giáng một đòn mạnh vào nền kinh tế Séc. Người lao động “chui” phải đối mặt với những vấn đề như sự thiếu minh bạch khi thường nhận tiền lương “xám” (không công khai), dễ bị chủ lao động chèn ép. Đó là chưa kể đến việc người lao động bất hợp pháp có thể không được nhận đầy đủ lương hưu như người lao động bình thường.

Theo nhật báo Mladá fronta Dnes, chỉ riêng trong đợt thanh tra tại công ty Elektro CZ, cơ quan chức năng đã phát hiện 24 công nhân Séc làm việc mà không có hợp đồng lao động và doanh nghiệp này đã bị xử phạt 1,75 triệu koruna (gần 64.800 euro).

Công ty Elektro CZ là doanh nghiệp duy nhất cuả Séc nằm trong top 10 công ty bị xử phạt liên quan đến vi phạm nói trên. Các doanh nghiệp còn lại trong danh sách “đen” này là của người nước ngoài, chủ yếu là người Ukraine. Trong số lao động bất hợp pháp tới Séc thì người Slovakia, Romania, Bulgaria, Ukraine và Việt Nam chiếm đa số.

Theo Tổng Thanh tra Séc Rudolf Han, trong năm ngoái cơ quan chức năng đã phát hiện 3.065 vụ lao động bất hợp pháp và xử phạt tổng cộng 82 triệu koruna (hơn 3 triệu euro).

Năm 2014 Cơ quan thanh tra nhà nước Séc cũng đã phát hiện 2.070 trường hợp làm việc không có hợp đồng lao động và xử phạt với số tiền lên tới 312 triệu koruna (11,5 triệu euro). Trong khi đó, số trường hợp vi phạm trong năm 2013 là 3.170 vụ.    

Chủ tịch Hiệp hội khách sạn và nhà hàng Séc Vaclav Starek cho rằng việc tìm kiếm nhân công trong bối cảnh nhiều người đã quen coi thường luật pháp, ngày càng trở nên khó khăn hơn. Theo ông Starek, việc tìm kiếm nhân công thông qua các trang mạng tìm việc chính thức phức tạp so hơn nhiều so với cách làm “tắt”.

Trong khi đó, ông Rudolf  Han cho biết mức phạt dành cho các chủ lao động không ký hợp đồng lao động với công nhân thấp nhất là 50 nghìn và cao nhất là 10 triệu koruna (370 nghìn euro). Người vi phạm pháp luật sẽ không có cơ hội sử dụng dịch vụ của các trung tâm môi giới việc làm chính thức.

Bản thân người lao động cũng đối mặt với nguy cơ bị xử phạt ở mức cao khi chấp nhận tiền lương “xám”. Còn người nước ngoài làm việc bất hợp pháp sẽ bị trục xuất khỏi Séc.

Hiện nay số lượng người nước ngoài làm việc tại CH Séc cao hơn nhiều so với thời kỳ trước khủng hoảng. Tính đến cuối năm 2015 có 323.200 người nước ngoài làm việc tại Séc (năm 2008 chỉ có 284.500 người). Số người lao động tại Séc xuất thân từ các nước thành viên Liên minh châu Âu (EU) chiếm 3/4 tổng số nhân công nước ngoài. Trong khi đó, số công dân các nước không phải là thành viên EU đã giảm xuống và chỉ bằng 50% con số thời kỳ trước khủng hoảng. Trong 15 năm trở lại đây số người lao động nước ngoài tại Séc đã tăng gấp ba lần.
  
Ngọc Mai (P/v TTXVN tại Praha)
Đa dạng hóa ngành nghề - Vấn đề sống còn của người Việt ở Séc
Đa dạng hóa ngành nghề - Vấn đề sống còn của người Việt ở Séc

Đa dạng hóa ngành nghề, tìm ra lĩnh vực kinh doanh và dịch vụ mới là đòi hỏi cấp thiết để cộng đồng người Việt tồn tại bền vững tại CH Séc.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN