Cửa hàng thực phẩm của người Việt ở huyện Louny, tỉnh Usti. |
Tại con phố trung tâm ở một thị trấn nhỏ thuộc huyện Louny, tỉnh Usti, CH Séc, cứ dăm chục bước chân chúng tôi lại gặp một cửa hàng thực phẩm của người Việt. Dân chỉ có vài nghìn mà riêng cửa hàng của chủ Việt đã hơn chục, tính trung bình mỗi cửa hàng phục vụ chưa đầy 100 người. Đó là chưa tính cửa hàng của người Séc và các siêu thị nằm cách đó không xa.
Chúng tôi ghé thăm cửa hàng thực phẩm của chị Liên, quê Hà Tĩnh. Cửa hàng không rộng, chừng 100 m2 nhưng đầy ắp hàng hóa. Nói quá vắng khách là không đúng, nhưng khách chỉ mua vài thứ lặt vặt, chủ yếu là bánh mì. Chị Liên kể: “Ế lắm các anh ạ. Cửa hàng của dân ta mở san sát nhau, cố hút khách bằng cách hạ giá, đến mức giá nhập và giá bán không chênh nhau là mấy, có mặt hàng chẳng có chút lãi nào”.
Anh Đinh, người chuyên đổ hàng cho các cửa hàng bán lẻ, cho biết: “Các cửa hàng bán chậm hơn mọi năm nên tôi cũng không tiêu thụ được hàng. Cái xe tải to đùng này chỉ chứa chưa đến 1/3 mà phải chạy qua mấy thị trấn, không khéo lỗ tiền xăng”.
Sở dĩ các cửa hàng thực phẩm của người Việt còn tồn tại được là do những ông chủ, bà chủ không thuê nhân viên để giảm chi phí và vợ chồng, con cái thay nhau làm việc từ sáng sớm đến 10, 11 giờ đêm, không nghỉ cuối tuần, ngày lễ. Anh Tâm, quê Nam Định, có một cửa hàng nhỏ ở quận Praha 2 tâm sự: “Nói không ngoa, một năm có 365 ngày thì vợ chồng tôi bán đủ 365 ngày, kể cả Tết Tây và Giáng sinh, kiếm thêm tí nào hay tí ấy. Nghỉ thì tiền thuế, tiền chỗ, tiền bảo hiểm cũng phải đóng đủ. Chúng tôi chỉ nghỉ chiều 30 Tết ta để làm mâm cơm cúng thôi”.
Đó là thực trạng chung của “làng pốt” (nói tắt của từ potraviny – hàng thực phẩm) Việt ở CH Séc trong mùa hè năm nay. Các cửa hàng vải còn khó khăn hơn. Vợ chồng anh Bắc vừa đóng cửa cửa hàng vải ở trung tâm thành phố Plzen, chấp nhận mất không khoản tiền thuê mặt bằng từ tháng 7 đến cuối năm. Anh chị sang CH Séc gần 20 năm, chịu khó bán hàng thuê, tích cóp được ít vốn để mở cửa hàng riêng. Nhưng đầu tư lên đến hàng triệu curon (hàng tỷ đồng Việt Nam) mà hàng bán chậm, thu không bù được chi.
Một nhà hàng của người Việt vừa được khai trương ở quận Praha 10. |
Nghề đang khá hot hiện nay trong cộng đồng người Việt và thu nhập ổn định là kinh doanh nhà hàng và dịch vụ làm đẹp. Trong một năm trở lại đây có quá nhiều người chuyển từ hàng vải và hàng thực phẩm sang hai lĩnh vực này. Chỉ trong trong một tháng mà các phóng viên TTXVN tại CH Séc nhận được lời mời dự hai cuộc khai trương hai nhà hàng của người Việt ở các quận Praha 10 và Praha 4. Các tiệm nail nho nhỏ của người Việt cũng được mở ra rất nhiều tại các siêu thị lớn. Và “lịch sử lặp lại”, nghề kinh doanh nhà hàng và dịch vụ làm đẹp có biểu hiện dần hết “hot”.
Ông Hoàng Đình Thắng, Chủ tịch Hội Người Việt Nam tại CH Séc, chia sẻ: Người Việt Nam tại CH Séc chủ yếu sống bằng nghề kinh doanh. Nhìn lại quá trình kinh doanh 20 năm trở lại đây thì rõ ràng tình hình kinh doanh ngày càng khó khăn. Mỗi khi khó khăn thì người Việt Nam tại CH Séc lại phải thích nghi với khó khăn đó và tìm hướng đi mới.
Vào những năm 90, sau "cách mạng nhung", việc buôn bán rất thuận lợi. Người ta có thể mua thứ gì, bán thứ gì cũng rất có lãi và chuyện ế ẩm rất ít, lãi suất tương đối cao. Khi đó luật pháp quản lý chưa chặt chẽ như bây giờ. Nhưng càng ngày sau đó thì quản lý về luật pháp chặt chẽ hơn, mạng lưới đại siêu thị khi nền chính trị ổn định thì phát triển rất nhanh, tạo ra sự cạnh tranh rất lớn trên thị trường kinh doanh.
Bây giờ người Việt Nam bắt buộc phải suy nghĩ để có hướng chuyển đổi mặt hàng kinh doanh, hình thức kinh doanh, địa điểm kinh doanh. Những năm đầu mở ra thì người Việt kinh doanh khắp nơi và chủ yếu kinh doanh vùng biên giới để phục vụ cho công dân các nước có thu nhập cao hơn.
Nhưng sau khi biên giới mở cửa thì việc đó kém đi và cộng đồng ta lại vào nội địa. Và khi kinh doanh giày dép, vải vóc, quần áo bị mạng lưới đại siêu thị cạnh tranh nhiều thì người Việt chuyển sang bán hàng thực phẩm, hàng ăn, mở nhà hàng, quán. Gần đây hơn thì mở các dịch vụ, trong đó có làm móng tay, cắt tóc, gội đầu...
Theo ông Thắng, người Việt ở CH Séc có ưu điểm là cần cù, chịu khó, năng động. Nhưng nhược điểm là mỗi khi một lĩnh vực kinh doanh, dịch vụ nào do một người trong cộng đồng mở ra là “cả làng” ào vào, sẵn sàng giẫm chân lên nhau hoặc “cùng chết”.
Anh Lý, quê Nghệ An và đang bán hàng ở thành phố Strakonice, đã thấm thía điều này. Anh cho biết: “Tôi kinh doanh hàng vải ở đây lâu rồi, thu nhập tạm ổn. Cách đây một năm biết có một người Việt định thuê cửa hàng ngay sát cạnh, tôi đã gặp và tìm cách thương thảo, khuyên anh này thuê chỗ khác kẻo cả hai sẽ cùng khó. Nhưng không có kết quả. Vậy là cả năm qua tôi phải vất vả chống chọi vì hai cửa hàng cạnh nhau, mặt hàng giống nhau, cách thức kinh doanh giống nhau nên khách hàng bị chia sẻ. Cuối cùng anh bạn kia không trụ nổi, phải bỏ đi, còn tôi thì cũng liêu xiêu”.
Anh Phan Chính, một trong những doanh nhân Việt thành đạt ở CH Séc, cũng có nhận xét tương tự về yếu điểm trong kinh doanh của những người đồng hương: “Cộng đồng cần tránh hiện tượng chạy theo lợi nhuận trước mắt mà không định hướng, không phân tích được bản chất của ngành kinh doanh mà mình đang hoặc sắp theo đuổi. Phải nắm rõ yếu tố cần và đủ cho ngành kinh doanh đó là như thế nào. Tôi thấy là bây giờ ít người nghĩ sâu xa mà chỉ làm theo phong trào. Hôm nay thấy ngành này có lợi nhuận thì đổ xô vào mặc dù chưa có sự chuẩn bị thấu đáo”.
Chị Nguyễn Thị Thuận, quê Thái Nguyên, cũng từng kinh doanh hàng vải ở quận Praha 9, nhưng từ nhiều năm nay chị chuyển sang một lĩnh vực mới mà ít người Việt để ý – dịch vụ giặt là. Chị chia sẻ: “Thấy kinh doanh quần áo không có tương lai, chúng tôi quyết tâm đổi nghề, dù tiếc đứt ruột vì đã đầu tư nhiều tỷ đồng vào cửa hàng. Mới đầu vợ chồng tôi chỉ dám mở 2 quầy nhỏ trong siêu thị, giờ chúng tôi có 22 quầy trên toàn Séc. Mặt bằng thuê 5 – 10 năm, giá thuê hợp lý. Thu nhập từ dịch vụ giặt là lấy công làm lãi, không cao như kinh doanh hàng vải nhưng ổn định hơn".
Theo ông Hoàng Đình Thắng, đồng thời với việc khuyến khích những tấm gương dám nghĩ, dám làm như anh Chính, chị Thuận thì Hội Doanh nghiệp Việt Nam tại CH Séc cần phát huy hơn nữa vai trò của mình trong việc định hướng cho cộng đồng đa dạng hóa ngành nghề, tìm ra những lĩnh vực kinh doanh, dịch vụ mới. Có như thế thì việc làm ăn mới có hiệu quả lâu dài, bảo đảm sự tồn tại bền vững của người Việt tại Séc.
Ông Ivan Hlavacek: "Tôi tự hào là người bạn đồng hành thủy chung của các doanh nhân Việt". |
Một điều thuận lợi là các doanh nhân Việt lâu nay luôn có những người bạn đồng hành gắn bó, đó là một số công ty của Séc chuyên về lĩnh vực tư vấn pháp lý và đầu tư mặt bằng kinh doanh. Intercora Group là một trong số đó. Công ty này đã hoạt động có hiệu quả trong suốt 25 năm qua, liên tục được xếp vào top 100 doanh nghiệp có uy tín của CH Séc.
Công ty đã giúp nhiều người Việt kinh doanh có hiệu quả vì cung cấp mặt bằng phù hợp, tư vấn pháp lý chặt chẽ. Trả lời phỏng vấn của phóng viên TTXVN, ông Ivan Hlavacek, Giám đốc điều hành của Intercora Group cho biết: "Công ty chúng tôi sở hữu 15.000 m2 mặt bằng kinh doanh tại CH Séc và CH Slovakia và sẵn sàng đáp ứng nhu cầu của các bạn. Tôi đánh giá cao sự năng động của các doanh nhân Việt Nam. Sự hợp tác giữa chúng ta được kế thừa từ thời Tiệp Khắc cũ và ngày càng tốt đẹp".