Hãng CNN mới đây đã liệt kê những thành phố từng ngậm “trái đắng” do đăng cai Thế vận hội, trong đó trường hợp của Hy Lạp thậm chí còn bị tin rằng gánh nặng tài chính đã góp phần đẩy cả nền kinh tế tới chỗ lụn bại, phải nhờ cứu viện từ bên ngoài. Theo CNN, trước khi nhận quyết định đăng cai, các chính trị gia thường tin rằng số tiền thu được từ bán vé, công ăn việc làm tạo ra trong quá trình xây dựng các công trình hạ tầng và sự tăng trưởng của ngành du lịch sẽ bù đắp mọi chi phí bỏ ra, thậm chí còn “ăn ra”. Các quan chức được giao trách nhiệm thì thường củng cố lập luận của họ bằng cách đưa ra những bản nghiên cứu dự báo rằng nước chủ nhà nói chung và thành phố tổ chức Olympic nói riêng sẽ hưởng lợi rất lớn về mặt kinh tế.
Một trong những sân vận động phục vụ Olympic Athens 2004 không được tiếp tục sử dụng để cỏ dại mọc đầy. |
Tuy nhiên, hầu hết các nhà kinh tế độc lập lại cho rằng cái giá cho việc đăng cai Olympics phức tạp hơn dự tính nhiều và chắc chắn nó không màu hồng như miêu tả của các chính trị gia. Dưới đây là 5 thành phố từng đăng cai Olympic đã giành thắng lợi về mặt thể thao nhưng phải trả giá về mặt kinh tế.
1.Athens, Hy Lạp
Chính phủ Hy Lạp đã chi tiêu hoang phí cho việc tổ chức Thế vận hội 2004 và kết quả là thua lỗ hàng tỉ USD. Theo kết quả nghiên cứu của trường Đại học Kinh doanh Said Oxford, chi phí cho Olympic của Athens đã vượt quá khả năng chi trả tới 60%. Chính phủ Hy Lạp đã xây dựng quá nhiều khách sạn với niềm tin vào một viễn cảnh sẽ thu hút được thêm nhiều khách du lịch sau khi Olympic kết thúc, để rồi sau đó bị vỡ mộng. Đó là còn chưa kể rất nhiều sân vận động được xây dựng để phục vụ cho Olympic hiện nay cũng không sử dụng đến.
2.Montreal, Canada
Trước khi Thế vận hội Montreal 1976 diễn ra, Thị trưởng thành phố Jean Drapeau tuyên bố hùng hồn rằng “Olympic không thể lỗ, cũng như một người đàn ông không thể sinh con”.
Nhưng ông thị trưởng đã sai. Sự quản lý yếu kém và chi phí phụ trội so với dự toán đã để lại cho thành phố này khoản nợ 1,5 tỉ USD và phải mất đúng ba thập kỷ sau (năm 2006) món nợ cuối cùng mới được trả hết. Vào thời điểm đó, người dân thành phố này đã mỉa mai gọi trại tên sân vận động Olympic, vốn bị bỏ hoang và chuyển đổi thành một nơi tập bóng chày, từ “Big O” (chữ O lớn) thành “Big Owe” (món nợ lớn).
3.Nagano, Nhật Bản
Các nhà tổ chức Thế vận hội Mùa đông Nagano 1998 đã đưa ra lời hứa rất chắc rằng lượng khách du lịch tới thành phố này sẽ tăng mạnh nhờ việc đăng cai. Tuy nhiên, sau khi Thế vận hội hạ màn, không mấy khách du lịch đến thăm nơi này.
Tệ hơn, cũng theo nghiên cứu của Said Oxford, thành phố Nagano đã bị bội chi 56% so với dự toán ban đầu. Chưa kể, còn có các cáo buộc về tình trạng tham nhũng và toàn bộ các hộp chứng từ tài chính thì bị cháy. Và vì vậy “cái giá” của việc “kéo” Thế vận hội về Nagano vẫn chưa được làm rõ.
4.Lake Placid, bang New York, Mỹ
Thị trấn Lake Placid thuộc bang New York, Mỹ, là nơi diễn ra Thế vận hội Mùa đông 1980. Thời điểm đó, ngân sách chi cho Olympic còn rất khiêm tốn so với hiện nay nhưng không vì thế mà thị trấn này thoát khỏi tình trạng chi phí vượt trội so với dự toán. Theo các nhà nghiên cứu của Đại học Said Oxford, khi sự kiện thể thao kết thúc là lúc tổng chi phí đã vượt 320% so với dự toán ban đầu. Cân đối thu chi bị âm 8 triệu USD, một khoản tiền rất lớn đối với một thị trấn tại thời điểm đó. Vì vậy, họ đã phải cần đến khoản cứu trợ của chính quyền bang New York.
5.Albertville, Pháp
Thị trấn Albertville tươi đẹp của Pháp là nơi tổ chức Thế vận hội Mùa đông 1992 và cũng bị rơi vào tình trạng “thu không đủ chi”, dẫn đến khoản thâm hụt ngân sách 57 triệu USD. Một thành viên trong Ban tổ chức nói: “Đương nhiên là chúng tôi cũng có đôi chút hối tiếc. Chúng tôi đã trù liệu và mong muốn một phương án cân bằng ngân sách hoàn hảo nhưng nó vẫn bị vượt tới 135%. Nhưng may mà đã không có một sai lầm lớn nào”.
Chính phủ Pháp sau đó đã phải đứng ra thanh toán một phần của khoản nợ.
Báo cáo của các nhà nghiên cứu Đại học Said Oxford kết luận bội chi đã trở thành một phần của đăng cai Olympic. “100% các kỳ Thế vận hội đều bội chi ngân sách. Không có loại dự án lớn nào khác liên tục bội chi như vậy. Có những loại dự án khác rất điển hình về việc hết lần này đến lần khác đều đúng dự toán, nhưng đó không phải là Olympic”.
Ngọc Du (Theo CNN)
Bài 2: Olympic và khủng hoảng kinh tế Hy Lạp