Những gánh nặng từ đăng cai sự kiện thể thao - Bài 2:

Olympic và khủng hoảng kinh tế Hy Lạp

Cách đây đúng 10 năm, khi đăng cai tổ chức Thế vận hội Olympic Mùa hè 2004, Hy Lạp đã kỳ vọng rất nhiều vào sự kiện này để tạo cú hích kinh tế thông qua các khoản đầu tư cho cơ sở hạ tầng. Tuy nhiên, thực tế đã chứng minh điều ngược lại.


Vung tay quá trán


Để nhận được quyền đăng cai Thế vận hội, chính phủ Hy Lạp đã mạnh tay đầu tư cho hàng loạt các công trình phục vụ cho các sự kiện thể thao cũng như các công trình liên quan, và trông đợi đây sẽ là một cái phao cứu sinh cho nền kinh tế vốn trì trệ của quốc gia này. Với chi phí gần 9 tỉ euro (khoảng 11 tỉ USD), Thế vận hội Athens là kỳ Olympic tốn kém nhất trong lịch sử tính đến thời điểm đó. Theo tờ Huffington Post, con số 9 tỷ euro này trên thực tế đã vượt gần “gấp đôi” so với dự toán ban đầu, bởi hàng loạt chi phí phát sinh vào phút chót, trong đó gồm gần 1 tỷ euro để đảm bảo an ninh cho sự kiện sau mối lo ngại khủng bố từ vụ 11/9.


 

Khung cảnh hoang tàn bên ngoài Sân vận động Olympic ở Athens.

 

Để phục vụ Olympic, chính phủ Hy Lạp đã xây mới Sân vận động, Làng Olympic với quy mô hoành tráng. Vấn đề là tại thời điểm năm 2001, quốc gia này vừa trải qua một thời gian dài phấn đấu để đủ tiêu chuẩn gia nhập Liên minh châu Âu (EU), do vậy nền kinh tế gặp rất nhiều khó khăn. Chính những khoản chi tiêu hoang phí để được đăng cai Olympic đã làm trầm trọng thêm tình trạng nợ công. Chỉ vài ngày sau lễ bế mạc, chính quyền Athens đã báo cáo nợ công đã lên tới 168 tỉ euro, trong đó chi phí tổ chức Thế vận hội chiếm đến 5,3% con số thâm hụt này.


Hậu quả kinh tế


Hiện nay Làng Olympic, Sân vận động Olympic và hàng loạt nhà thi đấu được xây mới hoàn toàn ngày đó hầu như bị bỏ hoang. Đơn cử, Sân vận động Olympic - được nâng cấp với chi phí 265 triệu euro, với sức chứa khoảng 70.000 người - hiện đang xuống cấp nghiêm trọng. Bên ngoài sân vận động là những hàng rào chắn nằm chỏng chơ xen lẫn với cỏ dại. Các trung tâm thể thao như bóng mềm, khúc côn cầu, bóng rổ... xây dựng tốn kém tiền của là thế nhưng không còn được sử dụng bởi chúng không phải là những môn thể thao quen thuộc của người dân nơi đây. Ngay cả các sân bóng đá, khu thể thao dưới nước, nhà thi đấu bóng chuyền cũng phải chịu cảnh ngộ bị khóa kín cửa, vắng bóng người lui tới. Rõ ràng, việc bán vé xem sự kiện, lợi nhuận quảng cáo và các dịch vụ công cộng đã không bù lại được số tiền Hy Lạp đã đầu tư cho hệ thống sân vận động, nhà hàng khách sạn, đường sá mới trước đó. Về mặt du lịch, lượng du khách nước ngoài đến Hy Lạp sau năm 2004 có tăng lên, nhưng nguồn thu cũng không cải thiện như mong đợi.


Tình hình còn bi đát hơn khi nền kinh tế Hy Lạp phải “oằn mình” trả nợ, dẫn đến nợ công liên tục tăng, buộc chính phủ nước này phải cầu viện cứu trợ từ bên ngoài. Trong giai đoạn 2001 - 2007, tăng trưởng GDP của Hy Lạp cao hơn mức trung bình của khu vực, nhưng do đầu tư quá lớn cho Thế vận hội, Hy Lạp phải xử lý một ngân sách rỗng với mức thâm hụt lên tới 8%, cao gấp gần 3 lần tiêu chuẩn của eurozone. Khi cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu nổ ra năm 2008, các ngành công nghiệp chủ đạo của Hy Lạp bị tác động mạnh, trong đó ngành du lịch và vận tải biển suy giảm tới 15%. Để kích thích tăng trưởng, chính phủ Hy Lạp buộc phải tăng mạnh đầu tư công, biến nước này trở thành trung tâm của cuộc khủng hoảng nợ công châu Âu và phải chấp nhận chìa tay xin cứu trợ tổng cộng 240 tỷ euro từ bên ngoài.


Các quan chức Hy Lạp sau này đã thừa nhận sự yếu kém trong quy hoạch, cụ thể là không ai nghĩ đến việc các công trình này sẽ được khai thác như thế nào sau khi Olympic kết thúc.

Năm 2005, Hy Lạp chính thức là quốc gia châu Âu đầu tiên phải chịu sự giám sát tài chính của EU. Trong báo cáo hồi tháng 2/2014, hãng Bloomberg cho biết nợ công của Hy Lạp vẫn ở mức rất cao, chiếm tới 180% GDP. Nếu thực hiện thành công điều kiện ràng buộc mà các chủ nợ đưa ra để đổi lấy các gói cứu trợ, thì ít nhất cũng phải đến năm 2020, nợ công của nước này mới có thể giảm xuống mức 124% GDP.


Hứng chịu gánh nặng từ việc đăng cai Olympic 2004 không ai khác chính là những người dân Hy Lạp. Để nhận được các khoản cứu trợ, chính phủ nước này phải cắt giảm chi tiêu ngân sách, bao gồm trợ cấp xã hội, y tế... khiến đời sống của người dân đi xuống. Thất nghiệp ở nước này trong những năm gần đây luôn chiếm khoảng ¼ lực lượng lao động, đỉnh điểm có lúc lên tới 27,7%.


Từ bài học của Hy Lạp, việc tổ chức các sự kiện thể thao mang tầm vóc toàn cầu không phải lúc nào cũng mang tới những lợi ích “màu hồng”, thậm chí có thể trở thành gánh nặng cho quốc gia và người dân trong nhiều năm về sau.

 

Hoàng Trang (tổng hợp)


Đón đọc kỳ tới: Vỡ mộng sau Euro 2012

Sochi hậu Olympic đi về đâu?
Sochi hậu Olympic đi về đâu?

Thế vận hội Olympic mùa đông và cả Paralympic mùa đông ở Sochi (Nga) (tháng 2/2014) đều đã kết thúc. Các vận động viên, đoàn thể thao, khán giả, phóng viên báo chí đã rời Sochi, để lại một sự “trống vắng” theo đúng nghĩa đen trong các sân vận động, khách sạn, đường sá

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN