Những gánh nặng từ đăng cai sự kiện thể thao:

Vỡ mộng sau Euro 2012

Ba Lan và Ukraine là hai quốc gia đông Âu đồng đăng cai Vòng chung kết giải vô địch bóng đá châu Âu Euro 2012. Khi đổ tiền vào các công trình hạ tầng, các nhà thầu cũng như chính phủ ở cả hai nước hy vọng họ sẽ thắng lớn về kinh tế. Họ đã mơ chung một giấc mơ và cùng vỡ mộng trên giấc mơ chung đó.


Mờ mắt” vì Euro


Tính tổng cộng Ba Lan và Ukraine đã mạnh tay chi gần 39 tỉ USD, trong đó Ba Lan chi 25 tỉ USD và Ukraine chi 14 tỉ USD. Hơn 90% trong tổng số tiền đầu tư của Ba Lan được đổ vào nâng cấp hệ thống giao thông, bao gồm xây thêm hàng trăm km đường cao tốc mới, bởi hệ thống giao thông lạc hậu từ lâu đã là một trong những nguyên nhân làm giảm đầu tư nước ngoài. Các nhà thầu tham gia khấp khởi sẽ thu về nhiều lợi nhuận từ các công trình này.

 

Sân vận động quốc gia ở Vacsava, Ba Lan.

 

Tuy nhiên, kết quả lại không được như kỳ vọng. Ba công ty xây dựng lớn nhất của Ba Lan đã tuyên bố phá sản sau khi thua lỗ hàng trăm triệu USD trong các dự án của Euro 2012. Công ty kỹ thuật PBG, phụ trách xây dựng 3 trong số 4 sân vận động mới đã phải xin tái cấu trúc khoản nợ 427 triệu USD vào ngày 4/6/2012, tức chỉ 4 ngày trước khi quả bóng tròn lăn trên sân vận động quốc gia ở thủ đô Vacsava. Hai nhà thầu chung cảnh ngộ phá sản còn lại là DSS - công ty xây dựng một phần của tuyến đường cao tốc nối từ thủ đô Berlin (Đức) tới Vacsava, và Poldim - công ty tiến hành một dự án đường bộ ở Ukraine.


Các nhà thầu của Ba Lan rơi vào khó khăn bởi trước đó họ đã cạnh tranh quyết liệt để giành giật các bản hợp đồng với giá bỏ thầu thấp hơn tới 40% mức chính phủ ước tính. Giá thầu thấp trong khi các chi phí tăng cao, bao gồm mức tăng đột biến của giá dầu mỏ trong 4 năm trước, đã cuốn sạch các khoản lợi nhuận và khiến họ ngập ngụa trong nợ nần. Trong trường hợp của công ty PBG, một lí do khác đến từ chính việc công ty này thực hiện cuộc phiêu lưu vươn tay ra khỏi lĩnh vực kinh doanh truyền thống là kỹ thuật dầu khí.


Trong khi đó, tại Ukraine, tình hình cũng không khá khẩm hơn. Anatoli Baronin, một nhà phân tích của tập đoàn nghiên cứu Da Vinci có trụ sở tại Kiev cho biết vì đồng đăng cai Euro 2012, Ukraine phải gánh khoản nợ 6 - 8 tỉ USD. Trái ngược với Ba Lan, nơi chi tiêu cho Euro 2012 được Liên minh châu Âu tài trợ quá nửa, chính quyền các cấp ở Ukraine phải đứng ra cáng đáng gần 2/3 tổng chi phí. Theo ông Baronin, Ukraine vẫn có thể xoay sở với khoản nợ tăng thêm này, “nhưng nó là một xu hướng nguy hiểm làm tiêu tốn nguồn lực tài chính” của khu vực tư nhân. Nếu như các quan chức Ukraine hy vọng việc nâng cấp các công trình công cộng sẽ giúp thu hút đầu tư nước ngoài, thì theo Baronin, trở ngại lớn nhất với đầu tư không phải là thiếu cơ sở hạ tầng mà là môi trường kinh doanh yếu kém với tệ tham nhũng và những quy định rườm rà.


Thả con...”cá rô”


Có một thực tế là việc đăng cai tổ chức những sự kiện mang tầm cỡ như Euro 2012 hay World Cup thường được các quan chức đánh giá là “thả con săn sắt, bắt con cá rô” xét về hiệu quả kinh tế. Nhưng phần lớn các nhà kinh tế lại không đồng tình. Họ cho biết dù đó có là sự kiện gì, câu chuyện vẫn thường là một: Chính phủ khởi động các dự án cơ sở hạ tầng đắt đỏ để cải tạo một đoạn đường nào đó hay những sân vận động, và chúng là những công trình thường không mang lại lợi ích lâu dài cho nền kinh tế. Nói cách khác, nhà tổ chức thường thả con... cá rô.


Nhiều ngành công nghiệp như du lịch, khách sạn, bán lẻ, siêu thị và giao thông sẽ được hưởng lợi nhờ nhu cầu ăn nghỉ sẽ gia tăng ở các nơi diễn ra các trận đấu, qua đó mang lại một khoản lợi nhuận đáng kể do giá cả bị đẩy lên cao hơn mức trung bình. Tuy nhiên, tổng lợi ích kinh tế có thể sẽ không khả quan như kỳ vọng. Ở cả Ba Lan và Ukraine, chỉ riêng chi phí tân trang các sân vận động ước tính đã lên đến 2,3 tỉ euro (khoảng 66,7 nghìn tỉ đồng). Trong khi theo một số tính toán, số tiền thu lại từ tổng lượng vé bán ra nhiều nhất cũng chỉ khoảng 150 triệu euro. Dĩ nhiên, con số trên chưa tính đến khoản tiền thu được từ bán hàng hóa, thực phẩm và đồ uống quanh các sân vận động. Nhưng kinh nghiệm cho thấy, người tiêu dùng sẽ chi cho đồ ăn được bán tại các trận đấu một khoản tiền khoảng bằng số tiền họ mua vé, tức tương đương khoảng thêm 150 triệu euro. Nhẩm tính sơ bộ có thể thấy vẫn cần thêm 2 tỉ euro để bù vào chi phí cho mỗi việc tân trang các sân vận động. Và đó là những con số khi chưa tính đến các cơ sở hạ tầng khác.


Xa hơn chút về quá khứ, trước đó 2 năm tại Nam Phi, nước chủ nhà của World Cup 2010 đã chi tới 40 tỉ USD vào các dự án cơ sở hạ tầng phục vụ môn “thể thao vua”. Tuy nhiên khoản lợi mà các dự án này mang lại ước tính chỉ từ 7,6 - 21,3 tỉ USD. Sự khác biệt lớn giữa thu và chi một lần nữa chỉ ra thông điệp: Không có gì là chắn chắn trong cân đối thu chi khi tổ chức một sự kiện thể thao mang tầm cỡ quốc tế.

 

Anh Tiếu (tổng hợp)

 

Đón đọc kỳ cuối: Sochi hậu Olympic đi về đâu?

Sochi hậu Olympic đi về đâu?
Sochi hậu Olympic đi về đâu?

Thế vận hội Olympic mùa đông và cả Paralympic mùa đông ở Sochi (Nga) (tháng 2/2014) đều đã kết thúc. Các vận động viên, đoàn thể thao, khán giả, phóng viên báo chí đã rời Sochi, để lại một sự “trống vắng” theo đúng nghĩa đen trong các sân vận động, khách sạn, đường sá

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN