Những đứa trẻ vô danh tính ở Trung Quốc

Li Xue năm nay đã 20 tuổi và luôn khao khát được đi học, nhưng cô chưa từng một lần được đặt chân tới trường. Để khỏa lấp mong muốn này, cô chỉ còn cách mượn sách từ thư viện bằng thẻ của chị gái và nhờ chị cô dạy học tại nhà.

Li và bố mẹ.


20 năm trước, năm 1993, mẹ của Li đã phát hiện mình mang thai ngoài ý muốn. Vào thời điểm đó, bà mẹ một con đã quyết định giữ cái thai trong bụng bởi muốn có thêm một đứa con để chăm sóc lúc bà tuổi cao sức yếu, nhất là khi một bên chân của bà không thể vận động.

Do sinh ra là đứa trẻ thứ hai trong thời kỳ chính sách một con của Trung Quốc, Li không được hưởng những chế độ do nhà nước cung cấp cho hầu hết người thành thị như giáo dục hay chăm sóc sức khỏe. Thậm chí, cô phải sử dụng thẻ căn cước của mẹ và chị để mua thuốc khi ốm đau.

Luật chính sách gia đình của Trung Quốc quy định gần như toàn bộ các gia đình ở khu vực thành thị chỉ được sinh một con. Tuy vậy, chính sách này hiện nay đã được nới lỏng hơn đối với khu vực nông thôn và với những gia đình đủ sức trả các khoản phạt nặng nề.

Nhưng cha mẹ của Li không nằm trong số những phụ huynh khá giả như vậy. Họ không thể trả khoản tiền phạt 5.000 tệ (khoảng 820 USD) và do đó, Li đã bị từ chối cấp sổ hộ khẩu - điều kiện để những người sống ở khu vực thành thị được hưởng các chế độ sức khỏe, nhà ở và giáo dục.

Cải cách

Mặc dù trước đây chính sách một con của Trung Quốc từng nhận được sự ủng hộ vì giúp quốc gia đông dân nhất thế giới này kìm hãm tốc độ bùng nổ dân số, nhưng hiện nay nó lại đang vấp phải ý kiến phản đối do dẫn đến nạn nạo phá thai cũng như các khoản phạt nặng nề.

Bên cạnh đó, một số nhà phê bình cho rằng chính sách này đang ảnh hưởng đến lớp người cao tuổi ở Trung Quốc bởi họ thường dựa vào con cái khi về già. Luật một con thậm chí có nguy cơ kìm nén tăng trưởng kinh tế của nước này do dân số ở độ tuổi lao động đang bắt đầu có xu hướng giảm.

Vào tháng 8, Tân Hoa xã đã đưa tin Trung Quốc đang cân nhắc nới lỏng chính sách một con bằng cách cho phép các cặp đôi có vợ hoặc chồng là con một trong gia đình được sinh hai con. Hiện tại, chỉ có cặp đôi cùng là con một mới được phép sinh con thứ hai. Nguồn tin này cho biết thêm, chính phủ cũng đang tranh cãi về việc áp dụng luật mới cho phép các gia đình có hai con từ sau năm 2015.

Sau khi Hội nghị toàn thể Trung ương 3 khóa 18 Đảng Cộng sản Trung Quốc kết thúc trong tháng 11, chính sách một con tồn tại trong ba thập kỉ qua của quốc gia này đã được thay đổi, theo đó nếu cặp vợ chồng có một người là con một thì có thể sinh hai con. Động thái này được coi là sự điều chỉnh chính sách lớn của Trung Quốc.

Nhưng ngay cả khi chính sách được nới lỏng, cuộc sống của Li và những người cùng cảnh ngộ cũng không chắc chắn sẽ dễ chịu hơn. Gia đình vẫn tìm kiếm cơ hội để có được hộ khẩu cho Li, với hi vọng từ đó cô sẽ có được một cuộc sống bình thường như bao người. Bản thân Li Xue cũng đã mở một trang cá nhân trên Weibo – mạng xã hội phổ biến nhất Trung Quốc – với hi vọng sự hiện diện trên mạng của mình có thể thu hút sự chú ý của mọi người với tình cảnh của cô.

Khi được hỏi sẽ chọn ngành nào nếu được học đại học, Li trả lời: “Tôi thực sự muốn học luật và hy vọng mình có thể giúp những người khác, nhưng ngay lúc này, tôi phải nhìn thẳng vào thực tế và giải quyết vấn đề cấp bách nhất với bản thân, đó là trở thành đứa con thứ hai hợp pháp”.


Nhung Nhung
(Theo CNN)

Trung Quốc nới lỏng chính sách một con để tránh 'chưa giàu đã già'
Trung Quốc nới lỏng chính sách một con để tránh 'chưa giàu đã già'

Việc nới lỏng chính sách một con được coi là sự điều chỉnh chính sách lớn của Trung Quốc nhằm đối phó với vấn đề lão hóa đang ngày một trầm trọng và ngăn chặn tình trạng “chưa giàu đã già” của nước này.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN