Trung Quốc nới lỏng chính sách một con để tránh 'chưa giàu đã già'

Sau khi kết thúc Hội nghị toàn thể Trung ương 3 khóa 18 ĐCS Trung Quốc, Trung Quốc tuyên bố khởi động thực hiện chính sách nếu cặp vợ chồng có một người là con một thì có thể sinh hai con. Động thái này được coi là sự điều chỉnh chính sách lớn của Trung Quốc nhằm đối phó với vấn đề lão hóa đang ngày một trầm trọng và ngăn chặn tình trạng “chưa giàu đã già” của nước này.

Một cô bé cùng chơi đùa với gia đình tại Bắc Kinh. Ảnh: AFP


Những năm 70 của thế kỷ 20, Trung Quốc bắt đầu thực hiện chính sách kế hoạch hóa gia đình và năm 1978 coi đây là quốc sách cơ bản. Theo thống kê của Ủy ban Y tế và kế hoạch hóa gia đình, nhờ chính sách trên mà Trung Quốc đã giảm được hơn 400 triệu người, làm giảm nhẹ sức ép của việc tăng dân số quá nhanh đối với môi trường tài nguyên. Tuy nhiên, cùng với tỷ lệ sinh không ngừng giảm, nước đông dân nhất thế giới này đang đối mặt với vấn đề kinh tế xã hội và dân số mới.

Theo số liệu tổng điều tra dân số lần thứ sáu của Trung Quốc, từ năm 2000 trở lại đây, tỷ lệ tăng dân số trung bình năm của Trung Quốc chỉ là 0,57%, ở vào giai đoạn có mức sinh thấp; tỷ lệ người 60 tuổi trở lên chiếm tới 13,26% tổng dân số và sẽ còn tăng nhanh trong khi tỷ lệ thiếu niên dưới 14 tuổi trong tổng dân số đã giảm xuống mức thấp mới 16,6%.

Sau hơn 30 năm cải cách mở cửa, Trung Quốc đã bước vào hàng ngũ nước có thu nhập trung bình, năm 2012 thu nhập bình quân đầu người vượt 6.000 USD, nhưng cùng với tỷ trọng dân số già ngày một tăng cao, Trung Quốc sẽ có nguy cơ trở thành nước “chưa giàu đã già” đầu tiên trên thế giới.

Người cha và cậu con trai dạo chơi trên đường phố Bắc Kinh. Ảnh: AFP


Viện trưởng Viện Nghiên cứu dân số, Viện Khoa học xã hội Trung Quốc Thái Phương nhận định cùng với tình trạng dân số lao động giảm xuống “lợi ích dân số” kéo dài nhiều năm nay ở Trung Quốc sẽ có điểm ngoặt mới. Biểu hiện trực quan nhất của việc suy giảm “lợi ích dân số” là tình trạng khan hiếm người làm công từ duyên hải tới nội địa những năm gần đây.

Chủ doanh nghiệp mỗi năm ít nhất cũng phải tăng 10-15% lương mới có thể thu hút được công nhân. Còn đối với người dân, ngày càng xuất hiện phổ biến tình trạng “giá rau cao hơn giá thịt”, đó là vì đặc trưng tập trung nhiều lao động mang tính điển hình của việc trồng, hái và vận chuyển rau củ, nhân công đắt trở thành nguyên nhân quan trọng khiến chỉ số giá tiêu dùng những năm gần đây cao nhưng khó giảm.

Ngoài ra, do giá thành lao động không ngừng tăng lên, phần lớn ngành may mặc, giày dép lại chuyển từ sản xuất tại Trung Quốc sang các nước Đông Nam Á, các hãng sản xuất đồ thể thao như Nike, Adidas cũng sẽ chuyển dây chuyền sản xuất ra khỏi Trung Quốc, một số ngành chế tạo cao cấp lại quay về Mỹ và Nhật Bản. Kinh tế Trung Quốc đối mặt với thách thức nghiêm trọng “rỗng hóa các ngành”.

Phó Viện trưởng Viện Tài chính Trung tâm nghiên cứu phát triển Quốc vụ Viện Trung Quốc Ba Thự Tùng cho rằng cùng với tình trạng lão hóa dân số, kết cấu dân số Trung Quốc từ chỗ cung cấp không hạn chế sức lao động nhảy đến “điểm ngoặt Lewis”, từ chỗ hưởng “lợi ích dân số” chuyển sang “trả nợ dân số”, sẽ dẫn đến tiền lương tăng, thu nhập chính phủ và lợi nhuận doanh nghiệp bị thu hẹp, tỷ lệ tiết kiệm giảm, tỷ lệ tăng trưởng kinh tế tiềm tàng giảm sút.

Nhìn ra thế giới, cuộc khủng hoảng nợ ở châu Âu vẫn chìm trong vũng lầy, tình trạng suy giảm kinh tế kéo dài ở Nhật Bản đều có liên quan chặt chẽ đến việc thâm hụt nghiêm trọng, tăng chi tiêu phúc lợi do tình trạng lão hóa dân số nghiêm trọng ở những nước này gây ra. Phó Nghiên cứu viên Phòng nghiên cứu kinh tế thế giới Ban Dự báo kinh tế Trung tâm Thông tin quốc gia Trương Mạt Nam cho rằng đây cũng là hồi chuông cảnh báo cho Trung Quốc đang trong giai đoạn phát triển lão hóa.

Trẻ em tại một khu vui chơi ở Bắc Kinh. Ảnh: AP


Mặc dù Trung Quốc vẫn đối mặt với tình trạng dân số đông, sức ép đối với môi trường tài nguyên tương đối lớn nhưng việc điều chỉnh chính sách dân số sẽ có hiệu quả sau này, kịp thời hoàn thiện chính sách dân số cực kỳ bức thiết trong giai đoạn hiện nay.

Giáo sư Viện Nghiên cứu phát triển và dân số Đại học Nam Khai Nguyên Tân cho rằng: “Các nước phát triển phương Tây lợi dụng các biện pháp chính trị, kinh tế để kích thích tăng trưởng dân số, trừ một số nước cá biệt tăng trưởng, đại đa số các quốc gia đều không tăng, có thể thấy độ khó của việc tăng tỷ lệ sinh lớn hơn so với giảm tỷ lệ sinh”. Giáo sư này dự báo “nếu chính sách những cặp vợ chồng có một người là con một có thể sinh hai con kéo dài 20-30 năm thì dân số Trung Quốc có thể tăng khoảng 50 triệu người, áp lực đối với tài nguyên sẽ tăng, phân phối mang tính cạnh tranh thành quả phát triển xã hội cũng gia tăng nhưng về tổng thể áp lực này vẫn nằm trong tầm kiểm soát.

Trên thực tế, do chi phí nuôi dưỡng, giáo dục tăng cao, văn hóa xã hội đa nguyên nên ý muốn sinh con của người Trung Quốc hiện nay cũng không cao. Kết quả điều tra tiến hành năm 2012 ở Thượng Hải cho thấy, những gia đình nằm trong diện chính sách có thể sinh hai con ở Thượng Hải trên thực tế không sinh nhiều, tỷ lệ con muốn sinh bình quân của các gia đình sinh sau năm 1980 có hộ khẩu ở Thượng Hải là 1,2 con, trong số những gia đình này có khoảng 80% là gia đình cả hai đều là con một.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Y tế và kế hoạch hóa gia đình quốc gia Vương Bồi An cho rằng trên khắp Trung Quốc, số cặp vợ chồng có một người là con một có thể sinh hai con không quá nhiều, cộng thêm “khoảng cách thời gian” các địa phương khởi động thực hiện chính sách nên trong thời gian ngắn Trung Quốc sẽ không xuất hiện vấn đề dân số sinh tăng mạnh.

Các chuyên gia cho rằng phải tăng tỷ lệ sinh của Trung Quốc từ mức 1,5 hiện nay lên mức tương đối hợp lý là 1,8-1,9, việc nới lỏng chính sách sinh đẻ chỉ là bước đi đầu tiên. Theo giáo sư Lý Kiện Dân của Viện Nghiên cứu phát triển và dân số Đại học Nam Khai, “từ kinh nghiệm của các nước phát triển có thể thấy bước thứ hai là xóa bỏ hoàn toàn chính sách sinh một con, bước thứ ba là khuyến khích sinh con và thông qua việc xã hội chia sẻ gánh nặng về chi phí sinh đẻ với gia đình để nâng cao tỷ lệ sinh…, nhưng sự điều chỉnh những chính sách này và thực tế vẫn cần từng bước nghiên cứu, trong thời gian ngắn khó có thể thực hiện”.


Hải Yến (Pv TTXVN tại Bắc Kinh)

Nới lỏng chính sách một con không thể gây bùng nổ dân số Trung Quốc
Nới lỏng chính sách một con không thể gây bùng nổ dân số Trung Quốc

Khoảng 15-20 triệu ông bố bà mẹ Trung Quốc có thể được phép sinh con thứ hai sau quyết định của chính phủ Trung Quốc về việc nới lỏng chính sách một con được công bố hôm 15/11. Tuy nhiên các chuyên gia lại đưa ra nhận định rằng việc này sẽ không thể gây nên một sự bùng nổ trẻ em tại nước này.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN