Cảnh sát gác tại ga tàu điện ngầm Leytonstone ở phía bắc thủ đô London, Anh ngày 6/12. Ảnh: AFP/TTXVN |
Vụ tấn công nhỏ lẻ hôm 5/12 làm ba người bị thương, trong đó có một người bị thương nặng, được cảnh sát Anh dập tắt nhanh chóng và nghi can Muhaydin Mire cũng được đưa ra hầu tòa sáng 7/12. Theo các công tố viên, đây là một vụ tấn công khủng bố, mặc dù động cơ của nghi can chưa được xác định song điện thoại của đối tượng chứa nhiều hình ảnh được cho có liên quan đến tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng.
Nhưng trong khi nghi can tại tòa chỉ mở lời xác nhận tên và địa chỉ của mình, thì người người trên mạng xã hội nước Anh lại đang xôn xao về vụ việc, về một nhân vật khác, về một câu nói khác: “Ông chẳng phải người Hồi giáo gì đâu, thằng khốn”.
Câu nói đó vang lên ngay bên trong nhà ga Leytonstone giữa lúc cảnh sát đã khống chế đối tượng. Và rất nhanh sau khi được đăng tải trên mạng xã hội Twitter, đoạn video ghi lại câu chuyện đã thổi bùng lên một làn sóng hashtag (từ khóa) mới ở xứ sở sương mù “#YouAintNoMuslimBruv” (tạm dịch #ÔngChẳngPhảiNgườiHồiGiáoGìĐâuThằngKhốn).
Đón nhận và tán thưởng từ khóa này, người dân London cho đây là đòn đáp trả hoàn hảo trước những nỗ lực gieo rắc bạo lực và sự kinh hoàng ở thủ đô của nước Anh. Hai nhà văn người Anh là Tony Parsons và Bonnie Greer đã lần lượt chia sẻ trên Twitter: “Hôm nay thấy tự hào vì thành phố của tôi. #ÔngChẳngPhảiNgườiHồiGiáoGìĐâuThằngKhốn” và “Có tin ai đó đã hét lên với tên tội phạm: #ÔngChẳngPhảiNgườiHồiGiáoGìĐâuThằngKhốn! Có thế chứ… Với tôi, thế mới đúng chất người London”.
Xuất hiện trong bối cảnh hậu vụ tấn công ở nhà ga tàu điện ngầm Leytonstone, từ khóa #ÔngChẳngPhảiNgườiHồiGiáoGìĐâuThằngKhốn không chỉ gợi lên tinh thần yêu thương, tự hào của người dân thủ đô nước Anh, bản thân nó còn được nhiều người bình chọn là từ khóa hay nhất, được yêu thích nhất của năm trên mạng xã hội Twitter. Lý do? Đơn giản, nó phản ánh “vừa đủ độ hoàn hảo”, lại đúng thực chất vấn đề và quan trọng nhất là làm thất bại âm mưu chia rẽ xã hội mà các phần tử khủng bố nhắm đến.
Nói chính xác ra, những gì người dân London đang nhận thấy là công lý đang được thực thi tại tòa án, còn họ lại xích lại gần nhau hơn trên một môi trường mạng xã hội vẫn thường bị cho là ảo để đoàn kết, chống lại hận thù, cùng nhau đối diện với chủ nghĩa khủng và để “chúng ta sẽ không bị đánh bại”.
Twitter tràn ngập #YouAintNoMuslimBruv |
Lẽ dĩ nhiên, làn sóng từ khóa #ÔngChẳngPhảiNgườiHồiGiáoGìĐâuThằngKhốn cũng nhanh chóng nhận được sự ủng hộ của cộng đồng người Hồi giáo ở London. Ở thủ đô của nước Anh, Hồi giáo là tôn giáo lớn thứ hai và phần lớn người Hồi giáo theo dòng Sunni. Hai nhóm người Hồi giáo lớn nhất ở Anh là người Pakistan và người Bangladesh.
Một câu nói tưởng chừng như vô cùng đơn giản nhưng lại vang lên vào một thời điểm nhạy cảm và nóng bỏng theo cả nghĩa đen khi máu còn dính trên sàn sân ga Leytonstone lẫn nghĩa bóng trong bối cảnh tâm lí bài Hồi giáo đang có xu hướng tăng lên sau hàng loạt cuộc tấn công của những kẻ cực đoan nhân danh Hồi giáo. Nói cách khác, #ÔngChẳngPhảiNgườiHồiGiáoGìĐâuThằngKhốn như chạm được vào sự tức giận của nhiều người Hồi giáo vốn cảm thấy uất ức vì bị đổ lỗi, bị kết tội bởi những việc họ không hề làm.
Trên Twitter, một lần nữa những thông điệp về những người theo đạo Hồi chân chính lại vang lên: “Một tên tội phạm không đại diện cho cả cộng đồng”, “người London một lần nữa chứng minh rằng họ đứng cao hơn lòng thù hận và thói đạo đức giả, rằng họ đại diện cho những điều nhân văn nhất”.
Tài khoản Mo Farooq đánh giá #ÔngChẳngPhảiNgườiHồiGiáoGìĐâuThằngKhốn là lời nói “nói thay hàng triệu người Anh và đi thẳng vào vấn đề chỉ trong một khoảnh khắc”, rằng để đánh bại chủ nghĩa cực đoan chúng ta phải trực tiếp thách thức những tư tưởng độc hại của chúng …
Ngay cả Thủ tướng Anh David Cameron cũng đã bị cuốn theo làn sóng từ khóa này. Trong một bài phát biểu, ông cho biết #YouAintNoMuslimBruv đã nói lên tất cả, và là cách diễn đạt tốt nhất về việc gác sang bên những quan điểm mù quáng và dừng đổ lỗi cả một tôn giáo chỉ vì hành động của một vài cá nhân.
Vụ tấn công ở nhà ga tàu điện ngầm tại London diễn ra chỉ vài ngày sau khi Quốc hội Anh cho phép nước này triển khai quân đội tiến hành các cuộc không kích chống các mục tiêu IS ở Syria. Đã không ít người lo ngại về tâm lý bài trừ Hồi giáo. Nhưng thực tế đã chứng minh điều ngược lại.
John Cryer, chủ tịch Công đảng Anh và là thành viên quốc hội tại khu vực nơi diễn ra sự việc cho biết phần lớn những người ông tiếp xúc sau khi sự việc diễn ra đều cho biết sẽ tiếp tục cuộc sống thường nhật của họ. Cộng đồng nơi họ đang sinh sống là tổng hòa của nhiều sắc tộc, tôn giáo. Họ đã cùng chung sống hòa bình với nhau qua bao thế hệ. Và cuộc sống sẽ vẫn cứ là như thế.