Giáo dục và thi cử ở nước ngoài - Đức chỉ xét tuyển vào đại học

Theo quy định trong Hiến pháp Đức, phổ cập giáo dục là bắt buộc và giáo dục thuộc sự quản lý của nhà nước. Tuy nhiên, Đức là nhà nước liên bang nên chính sách giáo dục thuộc thẩm quyền của mỗi bang. Bên cạnh khuôn khổ chung của liên bang, hệ thống giáo dục mỗi bang có những điểm khác biệt.


Tại hầu hết các bang, sau khi hết tiểu học, từ lớp 5 hoặc lớp 7, bắt đầu phân loại học sinh để giới thiệu vào ba loại hình trường trung học gồm Hauptschule (trường chính hay trường cơ bản, dành cho học sinh trung bình và kém), Realschule (trường thực hành, dành cho học sinh khá) và Gymnasium (trường chuyên, dành cho học sinh giỏi).

 

Đức không tổ chức thi vào đại học.


Mô hình Hauptschule là trường "bình dân" nhất dành cho các học sinh sau tiểu học, học sinh chỉ học hết lớp 9 hoặc lớp 10 rồi chuyển sang học nghề. Học sinh Realschule đến hết lớp 10, còn học sinh Gymnasium có thể học hết lớp 12 hoặc 13 tùy bang, sau đó thi bằng tú tài và xin vào đại học. Hiện bang Berlin và Brandenburg đã bỏ hệ thống trường Hauptschule, chỉ còn lại Sekundarschule (trường trung học cơ sở) và Gymnasium cùng trường Besonderschule (trường đặc biệt dành cho học sinh khiếm thị, khiến thính...).


Trường Realschule dành cho học sinh có khả năng cao hơn, với các lớp từ lớp 5 (hoặc 7) đến lớp 10 và khi kết thúc sẽ làm bài thi cuối cấp để có thể nhận "Chứng nhận tốt nghiệp phổ thông cơ sở". Nếu điểm tốt sẽ được học tiếp lớp 11, 12 (hệ Gymnasium), nếu kém hơn sẽ chuyển sang học nghề (nôm na là trường vừa học vừa làm và sau đó sẽ được xét tuyển vào hệ thống các trường cao đẳng hay đại học chuyên ngành, không được học hệ thống các trường đại học tổng hợp). Trường Gymnasium nói chung thường từ lớp 5 đến lớp 12 hoặc 13 hoặc lớp 7 đến lớp 12. Bằng tốt nghiệp Gymnasium (bằng tú tài) được xem là chứng nhận đủ khả năng học đại học. Tuy nhiên, để có bằng tú tài là điều tương đối khó, đòi hỏi học sinh phải có trình độ khá cao.


Khi học hết tiểu học, không có thi tốt nghiệp để vào cấp hai. Những học sinh có năng lực (thông qua điểm số trung bình thường từ lớp 4 và bài kiểm tra cuối năm) sẽ được giới thiệu vào trường Gymnasium. Các hệ "chuyên thường" (Gymnasium thường) sẽ nhận học sinh theo điểm đầu vào, thông thường dưới 2 điểm (tương đương từ 7 - 8 điểm trở lên ở Việt Nam) ở 4 môn học chính gồm Toán, Văn, Ngoại ngữ 1 và Môn khoa học tự nhiên. Đối với hệ "chuyên nhanh", học sinh sẽ phải thi đầu vào (thi viết, thậm chí có phỏng vấn), sau đó lấy điểm thi này cộng với điểm học trung bình lớp 4 và 5 để xét tuyển đầu vào.


Ở Đức không tổ chức thi vào đại học. Điểm để tính tốt nghiệp và cấp bằng tú tài, trên cơ sở đó được chọn vào đại học là điểm tổng kết bình quân của 2 năm học cuối, cũng như điểm bài thi cuối cấp. Trong 2 năm học cuối, như ở Berlin là lớp 12, học sinh có thể chọn 2 môn khá nhất để làm môn học chính, khi thi sẽ được tính hệ số 2, ngoài ra sẽ phải thi một số môn bắt buộc khác. Mặc dù nhiều học sinh học khá, nhưng sau khi làm bằng tú tài cũng xin đi học nghề vì học nghề thời gian ngắn hơn học đại học và có thể nhanh chóng đi làm kiếm tiền. Đó là những công nhân lành nghề, tay nghề cao, nhiều kiến thức thực tế và có thể dễ dàng khi xin việc.


Mạnh Hùng (P/v TTXVN tại Đức)

Giáo dục và thi cử ở nước ngoài - Séc:  Các cấp học tương tự Việt Nam
Giáo dục và thi cử ở nước ngoài - Séc: Các cấp học tương tự Việt Nam

Hệ thống giáo dục CH Séc cũng có các cấp học tương tự như ở Việt Nam và các nước khác, tuân theo tiêu chuẩn ISCED - Xếp hạng tiêu chuẩn quốc tế về giáo dục.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN