Giáo dục và thi cử ở nước ngoài

Giáo dục luôn là vấn đề được các quốc gia chú trọng và dư luận xã hội đặc biệt quan tâm. Hệ thống giáo dục và thi cử ở mỗi nước đều có sự khác biệt và những nét đặc trưng.

 

Trong bối cảnh Bộ Giáo dục đang đẩy mạnh cải cách giáo dục, nhất là công tác thi cử, báo Tin Tức xin giới thiệu chương trình giáo dục và tổ chức thi cử ở một số nước trên thế giới để bạn đọc tham khảo.


Nhật Bản không tổ chức thi tốt nghiệp


Nhật Bản không tổ chức kỳ thi tốt nghiệp các cấp mà chỉ cấp chứng nhận tốt nghiệp cấp 3 sau khi học sinh đạt được các tiêu chuẩn, tạm gọi là đủ điều kiện để xét tốt nghiệp. Lý do là vì thi tốt nghiệp chuyển cấp được cho là không cần thiết và gây tốn kém, lãng phí. Mục tiêu là đào tạo công dân có phẩm chất, tri thức và nhân cách. Các tiêu chuẩn đào tạo được Bộ Giáo dục Nhật Bản quy định đối với các trường và là căn cứ để các trường tự xây dựng tiêu chí đánh giá riêng đối với học sinh. Chỉ khi được cấp chứng nhận tốt nghiệp, học sinh mới có đủ điều kiện tham gia kỳ thi đại học hay cao đẳng.

 

Hình thức thi đại học ở Nhật Bản phần lớn là thi trắc nghiệm.


Tuy nhiên, Nhật Bản không có khái niệm lưu ban và cũng không có thang điểm “phảy” qua từng lớp học hay cấp học nên rất hiếm khi học sinh phải học lại chương trình với các học sinh khóa dưới vì lý do “học kém”. Việc học hết trung học ở Nhật Bản là để hoàn thành quá trình đào tạo một công dân với đầy đủ các tiêu chuẩn mà không có đánh giá quá cụ thể, mang tính so sánh về năng lực hay hạnh kiểm đối với từng người. Điều này cũng giúp các cá nhân không cảm thấy tự ti so với những người khác và cảm thấy mình được đối xử công bằng và có cơ hội phấn đấu ngang nhau trong xã hội.


Trong khi Nhật Bản không tổ chức kỳ thi tốt nghiệp thì kỳ thi đại học lại được đặc biệt coi trọng. Tuy nhiên, hình thức tổ chức kỳ thi này cũng có nhiều nét đặc trưng. Trước khi tổ chức thi tuyển, các trường đại học đều tổ chức các buổi giới thiệu về trường mình, tổ chức cho học sinh tham quan, tìm hiểu môi trường giảng dậy, nghiên cứu và học tập của trường. Liên quan đến thông tin tuyển sinh cũng như các thông tin liên quan đến ngành học của trường, một số công ty chuyên cung cấp sách về thông tin các trường, mua một cuốn có thể biết được tất cả.


Mỗi trường đều thông báo các hensachi của từng ngành tuyển sinh. Hensachi được tạm hiểu là trình độ của người định thi vào so với trình độ của trường đề ra. Trước khi đi thi, học sinh thường tham gia các kỳ thi thử do các trường tư thục hoặc trường cấp ba tổ chức. Trường chấm điểm và lấy trung bình rồi xếp hạng hensachi. Học sinh có thể dựa vào hensachi này để đưa ra quyết định thi tuyển vào trường nào là phù hợp, nhằm tăng khả năng đỗ.


Hình thức thi đại học ở Nhật Bản phần lớn là thi trắc nghiệm. Thi đại học ở Nhật Bản không quy định lứa tuổi và ai cũng có thể đăng ký dự thi. Các trường sẽ bán bộ hồ sơ dự thi tại các cửa hàng sách. Thí sinh mua về, điền vào, làm thủ tục cần thiết, gửi cho trường, sau đó đóng tiền dự thi. Thông thường, mỗi học sinh thi ít nhất 2 trường, nhiều có thể lên đến 10 trường, tùy theo ý định của từng người.


Về bố trí các kỳ thi, Nhật Bản tổ chức hai đợt thi gồm thi tập trung và thi riêng từng trường. Thi tập trung diễn ra vào giữa tháng 1. Kể từ tháng 2 trở đi, các trường tổ chức thi riêng. Nhìn chung, tuyển sinh Đại học và cao đẳng của Nhật Bản có nhiều nét phức tạp nhưng được sắp xếp và tính toán một cách hợp lý.


Điều đáng lưu tâm hơn cả là thi cử ở Nhật Bản khá đắt đỏ. Một người Việt sinh sống ở Nhật Bản cho biết con của chị thi khoảng 8 khoa, trung bình mỗi trường có 2 khoa, tổng cộng tiền dự thi, tiền tem, chi phí ứng thi khác ngốn hết gần 300.000 yên (tương đương 60 triệu đồng). Với người nào giỏi và tự tin vào khả năng thì chỉ đăng ký thi một trường, sẽ ít tốn kém hơn. Đây cũng là điểm hạn chế của giáo dục Đại học ở Nhật Bản. Các gia đình kinh tế khá giả thì con cái sẽ có điều kiện học hành cao, đỗ đạt hơn, nếu không sẽ có thiệt thòi nhất định.


Hữu Thắng (P/v TTXVN tại Nhật Bản)

Quyết tâm nâng cao hơn nữa chất lượng giáo dục
Quyết tâm nâng cao hơn nữa chất lượng giáo dục

Với bề dày truyền thống nửa thế kỷ, cán bộ, giáo viên và các em học sinh nhà Trường THCS Ngọc Lâm quyết tâm thi đua lập thành tích nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện, đẩy mạnh đổi mới và phương pháp dạy học, đổi mới công tác quản lý và chỉ đạo…

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN