“Du lịch tình dục” Thái Lan sắp bị xóa sổ

Ngành công nghiệp tình dục nổi tiếng của “xứ Chùa vàng” đang đứng trước nguy cơ bị xóa sổ khi Bộ trưởng Du lịch nước này Kobkarn Wattanavrangkul vừa lên tiếng cam kết dẹp bỏ các cơ sở cung cấp dịch vụ tình dục trên cả nước.

Gái "bán hoa" đứng bên ngoài một quán bar ở khu vực "đèn đỏ", thủ đô Bangkok, Thái Lan, ngày 12/7.

Tuyên bố của Bộ trưởng Du lịch Wattanavrangkul được đưa ra sau khi lực lượng cảnh sát Thái Lan tiến hành một loạt cuộc đột kích nhằm vào các “nhà thổ” ở Bangkok hồi tháng trước. 

“Du khách không đến Thái Lan vì điều đó. Họ tới đây vì nền văn hóa đẹp của chúng tôi. Chúng tôi muốn Thái Lan tập trung vào chất lượng ngành du lịch. Chúng tôi muốn xóa sổ ngành công nghiệp tình dục”, bà Kobarn Wattanavrangkul nói với Reuters.

Tuy là đất nước có phần đông dân theo đạo Phật và có tư tưởng bảo thủ sâu sắc, Thái Lan lại là “thiên đường du lịch tình dục”, chủ yếu phục vụ đàn ông Thái. Đông đảo du khách nước ngoài cũng thường tìm tới những “nhà thổ” và các quán massage khi đặt chân tới “xứ Chùa vàng”. Mại dâm là bất hợp pháp tại Thái Lan nhưng luật pháp nước này gần như phớt lờ nó.

Các chuyên gia cho biết sẽ rất khó khăn để chấm dứt ngành công nghiệp tình dục của Thái Lan bởi ngành này quá bám rễ và mang lại nguồn hối lộ không nhỏ cho một số lượng quan chức và cảnh sát nước này. Những người cố gắng thúc đẩy phúc lợi cho những người làm việc trong ngành công nghiệp tình dục thì cho rằng mục tiêu của bà Kobkarn là phi thực tế.

Trong khi đó, ông Panomporn Utaisri, Giám đốc NightLight, một tổ chức phi lợi nhuận giúp phụ nữ làm trong ngành công nghiệp tình dục có cơ hội tìm được công việc khác, cho rằng chính quyền Thái Lan phủ nhận sự gia tăng của tệ nạn mại dâm và sự đóng góp của nó vào ngành kinh tế và du lịch. Ông Panomporn nói: “Không thể bác bỏ rằng ngành công nghiệp tình dục tạo ra nguồn thu nhập lớn”. Trên thực tế, không có thống kê nào về giá trị của ngành công nghiệp tình dục Thái Lan, cũng như lượng tiền mà du khách tình dục đóng góp cho tổng doanh thu du lịch nước này.

Những người làm trong ngành tình dục lo ngại rằng việc cắt giảm các dịch vụ thương mại tình dục sẽ làm tổn thương nền kinh tế đang sút kém của Thái Lan, vốn đang nỗ lực phục hồi sau những biến động chính trị đẩy nước này tới bờ vực suy thoái kinh tế năm 2014.

Theo báo cáo của chương trình của Liên hợp quốc về HIV/AIDS năm 2014, có khoảng 123.530 người đang làm việc trong ngành công nghiệp tình dục ở Thái Lan, so với 37.000 người trong ngành này ở nước láng giềng Campuchia.

Tháng trước, cảnh sát tiến hành chiến dịch truy quét hàng chục nhà thổ ở các thành phố lớn. Cảnh sát cho biết họ đang xem xét để khởi tố các địa điểm thuê lao động vị thành niên và nhập cư bất hợp pháp, nhưng tới nay mới chỉ có một trong những địa điểm này phải đóng cửa. Một phát ngôn viên cảnh sát Thái Lan nói không có sự liên quan giữa mục tiêu của Bộ trưởng Du lịch và các cuộc truy quét.

“Sự xuất hiện của cảnh sát đã làm giảm số lượng khách hàng đến thư giãn hay uống vài ly ở các quán bar. Xóa bỏ ngành này chắc chắn sẽ khiến Thái Lan mất khách du lịch và thu nhập”, Ông Surang Janyam, Giám đốc công ty Service Workers in Group (SWING), cung cấp miễn phí dịch vụ y tế và đào tạo nghề cho gái mại dâm, dự đoán.

Nhiều người làm trong ngành công nghiệp tình dục đến từ khu vực đông bắc nghèo khổ và xem nghề “bán thân” là cách thoát khỏi đói nghèo. Trả lời Reuters, một cô gái giấu tên đến từ tỉnh Maha Sarakham, tỉnh đông bắc Thái Lan, kể rằng cô bước vào nghề khi 19 tuổi và kiếm được 5.000 baht (khoảng 143,14 USD)/đêm, gấp gần 20 lần lương tối thiểu 300 baht (8,59 USD)/ngày. “Chẳng ai muốn làm trong ngành này, nhưng nó kiếm tiền nhanh và dễ dàng”, cô gái chia sẻ.

Night Light và Swing cho biết họ sẽ hoan nghênh việc xóa bỏ ngành công nghiệp tình dục nếu chính phủ có kế hoạch đảm bảo rằng những người làm trong ngành này có thể tự lo cho bản thân mà không “ngựa quen đường cũ”. “Nếu chính phủ muốn xóa sổ ngành này, trước tiên họ phải sẵn sàng hỗ trợ gái mại dâm tìm được công việc”, ông Surang bày tỏ.

Hạnh Nhân (Theo Reuters)
Cơn sốt Pokemon “càn quét” Mỹ
Cơn sốt Pokemon “càn quét” Mỹ

Xuất hiện lần đầu tiên tại Mỹ, Australia và New Zealand vào ngày 6/7, ứng dụng trò chơi trực tuyến Pokemon GO đã tạo nên một cơn sốt chỉ trong một đêm.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN