Raziya Masumi (23 tuổi) sống tại thủ đô Kabul cho biết mạng xã hội Twitter là cánh cửa giúp cô đến với thế giới bên ngoài. Trên tài khoản cá nhân, cô luôn chia sẻ một loạt các hashtag như #Chấm dứt tảo hôn#, #bình đẳng giới#, #Taliban chết đi#. Mặc dù số người nhấn nút theo dõi trang mạng của cô gái trẻ chỉ trên dưới 1.000 người nhưng thành phần người hâm mộ lại cực kì đa dạng, đến từ mọi nơi trên thế giới.
Sinh ra và lớn lên trong một gia đình có tư tưởng tiến bộ, Masumi không bị bố mẹ ngăn cấm lên mạng hàng ngày. Cô thường xuyên truy cập Internet qua điện thoại thông minh hay máy tính ở chỗ làm. Cô đang là lập trình viên cho Impassion - công ty đầu tiên tại Afghanistan thiết kế các chiến lược truyền thông kỹ thuật số cho khách hàng. Masumi tin rằng nhờ có Internet, đất nước cô đang thay đổi và phụ nữ sẽ có nhiều sự tự do hơn. “Internet và mạng xã hội cho phụ nữ đất nước chúng tôi có cơ hội lên tiếng về quan điểm, thể hiện bản thân vượt xa bên ngoài nơi họ đang sống”, Masumi chia sẻ.
Phụ nữ Afghanistan có thể thoải mái dùng điện thoại truy cập mạng. |
Tuy nhiên, sự phát triển của Internet tại Afghanistan cũng là con dao hai lưỡi. Afghanistan vẫn là một đất nước trọng nam khinh nữ và đối với những người phụ nữ dũng cảm dám đứng lên bày tỏ quan điểm gặp không ít hiểm nguy. Masumi bức xúc: “Cánh đàn ông thường xuyên mở tài khoản và các trang mạng ảo. Họ lấy ảnh của chúng tôi, cắt ghép vào với những hình ảnh bẩn thỉu và sau đó tống tiền đe dọa”. Chính vì vậy, hình ảnh đại diện, thay vì một bức chân dung hay ảnh selfie, đa số người sử dụng chỉ để ảnh khuôn mặt lộ đôi mắt hoặc là ảnh thiên nhiên.
Phụ nữ Afghanistan thường xuyên phải đối mặt với tình trạng bị lạm dụng, tấn công tình dục. Trong một bản báo cáo của Ủy ban an toàn báo chí chính phủ công bố hồi tháng 4, có đến 59% trong số 100 nữ phóng viên được hỏi cho biết họ bị đồng nghiệp nam quấy rối.
Tháng 3/2015, Afghanistan bàng hoàng trước vụ việc một thiếu nữ bị tra tấn rồi bị giết một cách tàn bạo. Nạn nhân là Farkhunda, 27 tuổi, người bị cáo buộc là đã đốt kinh Koran. Cô đã bị một nhóm đàn ông giận dữ tấn công ở ngay trung tâm Kabul. Họ dùng dùi cui liên tiếp đập vào người cô, thả cô từ trên mái nhà, dùng đá ném, nướng trên lửa và lái ô tô cán qua người cô. Cảnh tượng dã man được chính những kẻ tham gia tra tấn quay lại và tung lên mạng. Ngay lập tức, đoạn băng được lan truyền một cách chóng mặt qua Internet, làm bùng phát cơn giận dữ và gây ra làn sóng biểu tình đòi lại công lý cho cô gái chết oan uổng. Đoạn băng sau cũng được trở thành vật chứng truy tố những kẻ gây tội trước tòa.
Misuma khẳng định: “Cái chết của Farkhunda khiến chúng tôi mạnh mẽ hơn. Chúng tôi nhận ra phải cùng nhau vùng lên, kề vai sát cánh đòi lại công lý. So ngày hôm nay với khoảng chục năm trước, phụ nữ Afghanistan đã khác nhiều”.
Theo con số thống kê của chính phủ, có đến 20 triệu người Afghanistan (2/3 dân số) có điện thoại di động. Con số này thực sự là một bước tiến đáng kể với một đất nước phục hồi chậm sau chiến tranh 15 năm về trước. Khi phiến quân Taliban suy yếu từ năm 2001, phụ nữ Afghanistan mới giành lại các quyền cơ bản như giáo dục, bầu cử và làm việc. Tuy nhiên, tương lai của họ vẫn rất bấp bênh khi vai trò của người phụ nữ trong xã hội vẫn bị coi thường.