Cơn sốt Pokemon “càn quét” Mỹ

Xuất hiện lần đầu tiên tại Mỹ, Australia và New Zealand vào ngày 6/7, ứng dụng trò chơi trực tuyến Pokemon GO đã tạo nên một cơn sốt chỉ trong một đêm.

Pokemon GO đã phá vỡ mọi kỷ lục khi có đến 10 triệu lượt tải xuống chỉ trong tuần đầu tiên, với lượng người chơi trung bình hàng ngày vượt xa con số của các trang mạng xã hội. Pokemon GO đứng đầu bảng xếp hạng các trò chơi có doanh thu nhiều nhất trong cửa hàng ứng dụng của Google và Apple. Giá trị của Nintendo - công ty sản xuất trò chơi điện tử Nhật Bản mua bản quyền trò chơi Pokemon GO - đã tăng thêm 12 tỷ USD so với thời điểm cách đó một tuần. 

Hình ảnh ứng dụng game Pokemon GO tương tác với cảnh vật thực.

Pokemon GO là một trò chơi đột phá, cho phép người chơi tương tác và trải nghiệm trong đời thực. Sau khi dùng điện thoại thông minh tải và kích hoạt ứng dụng, nhân vật người chơi sẽ xuất hiện trên bản đồ tương tác giống Google Map. Nhiệm vụ của người chơi là phải tự mình đi đến những địa điểm mà Pokemon có thể xuất hiện (Pokestop), từ đường phố, giữa hồ nước, trước cổng nhà, cầu thang, hay thậm chí là... trong nhà vệ sinh để “thu phục” chúng. Những Pokestop là nơi người chơi có thể thu thập thêm nhiều vật phẩm, trứng Pokemon và kinh nghiệm để tăng cấp. 

Tuy nhiên, cơn sốt Pokemon GO cũng gây nhiều rắc rối cho người chơi. Theo Washington Post, việc nhà sáng chế trò đặt Pokestop là những địa điểm nhạy cảm như nghĩa trang, đài tưởng niệm, trại tị nạn, bảo tàng, căn cứ quân sự bí mật… đã tạo ra những hình ảnh không đẹp mắt khi có quá nhiều người đổ xô đến những địa điểm đó để bắt Pokemon. Ở Nghĩa trang Quốc gia Arlington (Mỹ), ban quản lí đã buộc phải cấm khách tham quan chơi Pokemon GO tại nơi an nghỉ của hàng nghìn binh sĩ Mỹ. 

Bên cạnh đó, nhiều đối tượng xấu đã lợi dụng “cơn nghiện” trò chơi của nhiều người để thực hiện các hành vi phạm pháp. Ngày 10/7, cảnh sát bang Missouri xác nhận 4 đối tượng từ 16 đến 18 tuổi ở St. Louis đã lừa nạn nhân đến các Pokestop để cướp tài sản. Nhóm này đã thực hiện được cả chục vụ cướp trong khu vực kể từ khi trò chơi ra mắt.

Việc đi loanh quanh khắp phố phường, chăm chăm nhìn vào chiếc điện thoại khiến nhiều người chơi gặp không ít rắc rối. Tại San Diego (Mỹ), hai thanh niên đã rơi từ mỏm đá cao 27 m xuống dưới do mải mê đi bắt Pokemon. Một thanh niên 18 tuổi tên Lane Smith ở bang Texas trong lúc mải mê tìm Pokemon tại công viên giải trí Parker thì giẫm phải rắn độc và bị cắn, may mắn không nguy hiểm đến tính mạng. Mới đây nhất, tại Công viên trung tâm thành phố New York, vào lúc 11 giờ đêm ngày 14/7, hàng trăm người đã kéo về đây gây tắc nghẽn giao thông chỉ vì sự xuất hiện “quái vật Vaporeo”. Thậm chí trò chơi này đã khiến một người đàn ông ở New Zealand quyết định nghỉ việc. Tom Currie làm người pha chế đồ uống cho một cửa hàng ven đường Hibiscus Coast gần Auckland. Quá đắm chìm việc tìm kiếm sinh vật ảo trên điện thoại, Tom quyết định nộp đơn nghỉ việc để “toàn tâm toàn ý” truy tìm Pokemon. 

Không chỉ dừng lại ở đó, Pokemon GO còn mang lại nguy cơ về vấn đề bảo mật vì người chơi muốn tải và kích hoạt trò chơi phải cung cấp toàn bộ thông tin tài khoản Google cho nhà sản xuất. Thậm chí, cựu nhân viên tình báo Nga Alexander Mikhailov còn cảnh báo Pokemon Go có thể đặt ra mối đe dọa an ninh quốc gia nghiêm trọng. Trò chơi này có thể bị các cơ quan mật vụ đối thủ biến thành phương tiện kỹ thuật thu thập thông tin tình báo và gián điệp. Ông Mikhailov nói: "Hãy tưởng tượng rằng Pokemon xuất hiện tại một căn cứ quân sự bí mật. Một binh sĩ có thể lấy máy điện thoại chụp ảnh bắt Pokemon, hoàn toàn tự nguyện mà không hề có bất kỳ sự ép buộc nào. Đây sẽ là một cơ hội lý tưởng để thu thập dữ liệu cho các cơ quan an ninh".
Hồng Hạnh
Biên tập viên phá hỏng truyền hình trực tiếp vì Pokemon GO
Biên tập viên phá hỏng truyền hình trực tiếp vì Pokemon GO

Biên tập viên truyền hình Allison Kropf vô tình bước vào chương trình dự báo thời tiết trực tiếp, trong lúc đồng nghiệp của cô Bobby Deskins đang tác nghiệp.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN