Xem xét thành lập các phường, thành phố thuộc hai tỉnh Bình Dương và Tiền Giang

Ngày 1/3 tại thành phố Bắc Giang, Ủy ban Pháp luật của Quốc hội tổ chức Phiên họp toàn thể lần thứ 20. Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng chủ trì Phiên họp.

Chú thích ảnh
Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng phát biểu khai mạc phiên họp.

Cùng dự có Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Trọng Thừa; Chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh Bình Dương Nguyễn Văn Lộc; Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang Nguyễn Văn Vĩnh; đại diện lãnh đạo Bộ Xây dựng, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Văn phòng Chính phủ và các cơ quan liên quan.

Khai mạc Phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng cho biết, một trong những nhiệm vụ trọng tâm năm 2024 là thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023 - 2025. Theo đó, dự kiến sẽ có khoảng 50 đơn vị cấp huyện và trên 1.200 đơn vị cấp xã tiến hành sắp xếp trong giai đoạn này. Việc sắp xếp phải hoàn thành trong năm 2024 để các địa phương kịp chuẩn bị tổ chức Đại hội Đảng bộ các cấp nhiệm kỳ 2025 - 2030, tiến tới Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIV.

Tại Phiên họp này, Ủy ban Pháp luật thẩm tra Tờ trình của Chính phủ về việc thành lập phường An Điền, An Tây thuộc thị xã Bến Cát, thành lập thành phố Bến Cát thuộc tỉnh Bình Dương và Tờ trình về việc thành lập, sắp xếp các phường thuộc thị xã Gò Công, thành lập thành phố Gò Công tỉnh Tiền Giang.

Trình bày Tờ trình của Chính phủ, Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Trọng Thừa nêu rõ, dự kiến thành lập 2 phường An Điền, An Tây thuộc thị xã Bến Cát trên cơ sở nguyên trạng diện tích tự nhiên và quy mô dân số của hai địa phương này; đồng thời, đề nghị thành lập thành phố Bến Cát thuộc tỉnh Bình Dương trên cơ sở nguyên trạng diện tích tự nhiên và quy mô dân số của thị xã. 

Sau khi thành lập 2 phường An Điền, An Tây thuộc thị xã Bến Cát và thành phố Bến Cát thuộc tỉnh Bình Dương, thì địa phương này không thay đổi về diện tích tự nhiên, quy mô dân số và số đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã trực thuộc (chỉ giảm 1 thị xã, 2 xã và tăng 1 thành phố, 2 phường); tỷ lệ đô thị hóa là 84,95%. Thành phố Bến Cát có 234,35 km diện tích tự nhiên và quy mô dân số là 364.578 người, có 8 đơn vị hành chính cấp xã (1 xã và 7 phường); tỷ lệ đô thị hóa là 94,65%.

Phương án thành lập, sắp xếp các phường thuộc thị xã Gò Công và thành lập thành phố Gò Công, tỉnh Tiền Giang, dự kiến thành lập 4 phường gồm: Long Chánh, Long Hưng, Long Thuận, Long Hòa trên cơ sở nguyên trạng diện tích tự nhiên và dân số của 4 xã Long Chánh, Long Hưng, Long Thuận, Long Hòa; sắp xếp 4 phường thành 2 phường (nhập Phường 4 vào Phường 1, nhập Phường 3 vào Phường 2); thành lập thành phố Gò Công thuộc tỉnh Tiền Giang trên cơ sở nguyên trạng diện tích tự nhiên và quy mô dân số của thị xã Gò Công.

Sau khi thành lập, sắp xếp các phường thuộc thị xã Gò Công và thành phố Gò Công, tỉnh Tiền Giang không thay đổi về diện tích tự nhiên, quy mô dân số và số đơn vị hành chính cấp huyện trực thuộc (có tăng 1 thành phố và giảm 1 thị xã); đồng thời, giảm 2 đơn vị hành chính cấp xã; tỷ lệ đô thị hóa là 18,40%. Thành phố Gò Công sau khi thành lập có diện tích tự nhiên là 101,69 km, quy mô dân số 151.937 người; có 10 đơn vị hành chính cấp xã trực thuộc, gồm 7 phường và 3 xã (giảm 2 đơn vị hành chính cấp xã so với thị xã Gò Công hiện nay); tỷ lệ đô thị hóa là 60,76%.

Các ý kiến đều nhất trí với Tờ trình của Chính phủ và cho rằng, việc thành lập 2 phường và thành phố Bến Cát, tỉnh Bình Dương; thành lập, sắp xếp các phường thuộc thị xã Gò Công và thành lập thành phố Gò Công thuộc tỉnh Tiền Giang phù hợp với các quy hoạch, đáp ứng yêu cầu tổ chức quản lý hành chính Nhà nước trên địa bàn đã được đô thị hóa, tạo điều kiện phát huy tiềm năng, thế mạnh của địa phương. Một số ý kiến đề nghị, tỉnh Bình Dương, Tiền Giang cần khẩn trương hoàn thành đề án sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã; quan tâm đầu tư, bố trí nguồn lực đảm bảo chất lượng đô thị.

Chú thích ảnh
Quang cảnh phiên họp.

Kết luận Phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng nhấn mạnh, các ý kiến của Ủy ban Pháp luật đồng tình cao với Tờ trình của Chính phủ về việc thành lập phường An Điền, An Tây thuộc thị xã Bến Cát, thành lập thành phố Bến Cát thuộc tỉnh Bình Dương và Tờ trình về việc thành lập, sắp xếp các phường thuộc thị xã Gò Công, thành lập thành phố Gò Công tỉnh Tiền Giang.

Đánh giá cao nỗ lực, cố gắng của Chính phủ, địa phương trong việc xây dựng hai đề án công phu, kỹ lưỡng, bám sát các nghị quyết của Quốc hội về phát triển đô thị và sắp xếp đơn vị hành chính các cấp, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật đề nghị, trên cơ sở báo cáo ý kiến nghiên cứu ban đầu của Thường trực Ủy ban Pháp luật, các ý kiến tại Phiên họp, Bộ Nội vụ sớm có báo cáo giải trình đối với hai Đề án này trước ngày 7/3.

Tỉnh Bình Dương và Tiền Giang tiếp tục nỗ lực cố gắng trong việc phấn đấu đáp ứng các tiêu chuẩn, điều kiện của chính quyền đô thị. Ngoài ra, các địa phương cần tăng cường đầu tư, xây dựng phương án giải quyết các vấn đề đặt ra đối với đơn vị hành chính đô thị sau khi thành lập. Khi các điều kiện, trình tự, thủ tục đáp ứng đủ quy định của pháp luật, Ủy ban Pháp luật sẽ phấn đấu trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét trước ngày 12/3; hy vọng nghị quyết sẽ được thông qua trước dịp kỷ niệm giải phóng miền Nam 30/4.

100% thành viên Ủy ban Pháp luật của Quốc hội biểu quyết nhất trí về việc trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét quyết định thành lập phường An Điền, An Tây thuộc thị xã Bến Cát, thành lập thành phố Bến Cát thuộc tỉnh Bình Dương và thành lập, sắp xếp các phường thuộc thị xã Gò Công, thành lập thành phố Gò Công tỉnh Tiền Giang.

Đồng Thúy (TTXVN)
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ thăm Lữ đoàn tàu ngầm 189
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ thăm Lữ đoàn tàu ngầm 189

Ngày 1/3/2024, tại Quân cảng Cam Ranh (Khánh Hoà), Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đến thăm, động viên và kiểm tra công tác huấn luyện sẵn sàng chiến đấu tại Lữ đoàn tàu ngầm 189 (Quân chủng Hải quân). 

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN