Ngày 19/9, tại kỳ họp lần thứ 11 (Kỳ họp chuyên đề), HĐND TP Hồ Chí Minh khoá X, nhiệm kỳ 2021-2026, các đại biểu (ĐB) HĐND TP Hồ Chí Minh đã thảo luận, góp ý kiến nhiều nội dung liên quan đến thể chế hóa các cơ chế, chính sách tại Nghị quyết 98/2023/QH15 về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP Hồ Chí Minh (Nghị quyết 98), cũng như các vấn đề kinh tế - xã hội của thành phố.
Đáng chú ý, có nội dung thảo luận liên quan đến việc đảm bảo chi thu nhập tăng thêm cho cán bộ, công chức, viên chức đang làm việc tại TP Hồ Chí Minh.
Thảo luận tại kỳ họp, nhiều đại biểu bày tỏ băn khoăn về việc UBND TP Hồ Chí Minh sẽ hạ mức chi thu nhập tăng thêm 5 tháng cuối năm 2023 xuống còn 0,8 lần (mức của 7 tháng đầu năm là 1,8 lần). Cụ thể, trong 5 tháng cuối năm 2023, hệ số chi thu nhập tăng thêm tối đa là 0,8 lần so với tiền lương ngạch bậc, chức vụ đối với các đối tượng được chi thu nhập tăng thêm theo hệ số căn cứ vào mức lương theo ngạch, bậc, chức vụ. Đối với các đối tượng được chi thu nhập tăng thêm theo mức tiền cụ thể, mức chi tối đa 3 triệu đồng/người/tháng.
Đại biểu Phạm Hồng Sơn chia sẻ, nếu áp dụng mức tăng thêm 0,8 lần, thì tối đa cán bộ chỉ nhận được 2,6 triệu đồng, chưa bằng mức 3 triệu đồng đối với người được chi thu nhập tăng thêm theo mức tiền cụ thể.
"Các cán bộ có hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, với mức tăng thêm đó thì vẫn còn thiệt thòi, nhất là các cán bộ ở cơ sở. Do đó, tôi đề nghị nếu số cán bộ hưởng mức tăng 0,8 lần mà số tiền thấp hơn 3 triệu đồng thì nên được hưởng luôn 3 triệu đồng”, đại biểu Phạm Hồng Sơn nói.
Tương tự, đại biểu Huỳnh Khắc Điệp cho biết, vừa qua, việc xây dựng chính sách chi thu nhập tăng thêm đã tạo động lực đối với đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức và người lao động đang công tác trong các cơ quan, đơn vị trên địa bàn thành phố; khơi gợi tinh thần lao động sáng tạo, nâng cao hiệu quả làm việc, củng cố và nâng cao chất lượng bộ máy nhà nước trên các lĩnh vực, giảm thiểu tình trạng nghỉ việc, “chảy máu chất xám” và thiếu hụt nhân lực trong thời gian vừa qua. Tuy nhiên, những tháng cuối năm với mức chi thu nhập tăng thêm tối đa 0,8 lần thì dù hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, cán bộ, công chức có lương cơ sở thấp vẫn chưa bằng mức chi cố định (3 triệu đồng). Như vậy, với quy định như tờ trình của UBND TP Hồ Chí Minh, thì sẽ không tạo được động lực cho cán bộ phấn đấu. Do đó, đại biểu cũng đề nghị quy định mức chi thu nhập cao hơn, nhưng có quy định chặt chẽ về các tiêu chí để được hưởng mức tối đa.
Hiện nay, những cán bộ, công chức, viên chức hoàn thành xuất sắc hưởng 100%, hoàn thành tốt là 80%. Nếu đánh giá chặt chẽ như tờ trình thì hoàn thành xuất sắc ít thì tổng số tiền chi sẽ giảm nhưng cần động viên cán bộ phấn đấu để dược hoàn thành xuất sắc. Do đó, đa số các đại biểu HĐND TP Hồ Chí Minh đã đề nghị UBND TP Hồ Chí Minh cần xem xét điều chỉnh các quy định mức chi thu nhập cao hơn nhưng có quy định chặt chẽ việc đánh giá cán bộ thực chất, theo đó cán bộ hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ (hưởng tối đa) phải có sản phẩm cụ thể, nổi trội, được tập thể ghi nhận; hạn chế tình trạng hiện nay đa số cán bộ hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ.
Lý giải về việc hạ chi thu nhập tăng thêm 5 tháng cuối năm, ông Huỳnh Thanh Nhân, Giám đốc Sở Nội vụ TP Hồ Chí Minh cho biết, Nghị quyết 98 mở rộng cho các đối tượng đặc thù được hưởng thu nhập tăng thêm. Dịp này, TP Hồ Chí Minh mở rộng 11 cơ quan Trung ương có đóng góp và gắn với thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của TP Hồ Chí Minh. Mong cán bộ TP Hồ Chí Minh chia sẻ với các cơ quan trung ương đóng trên địa bàn đã đóng góp cho sự phát triển của Thành phố trong nhiều năm qua.
"5 tháng cuối năm 2023, việc chi tăng thêm cho các cán bộ có hạ xuống. Tuy nhiên, từ năm 2024 thành phố sẽ cân đối, tính toán, phấn đấu đảm bảo mức tăng 1,8 lần trong các năm tiếp theo. Mặt khác, quy định này là cơ sở để các đơn vị có nguồn thu tự cân đối chi trong nguồn ngân sách hàng năm của mình", ông Huỳnh Thanh Nhân nói.
Tương tự, bà Trần Mai Phương, Phó Giám đốc Sở Tài chính TP Hồ Chí Minh cũng chia sẻ về tâm tư này của các ĐB, việc được hưởng thu nhập tăng thêm 1,8 lần trong 7 tháng đầu năm là nguồn động viên rất lớn cho cán bộ, công chức, viên chức, giúp phấn đấu hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Tuy nhiên, Nghị quyết 98 đã trói buộc mức thu nhập tăng thêm không được vượt quá 0,8 lần quỹ lương cơ bản.
Bà Trần Mai Phương cũng khẳng định, đối với người hoạt động không chuyên trách, tính trung bình cả năm 2023, thì mức thu nhập tăng thêm trung bình là 1,38 lần, tương ứng với thu nhập tăng thêm năm 2022. Tính chung mức tăng thu nhập cho cán bộ không chuyên trách năm 2023 không thấp hơn năm 2022.
Theo bà Trần Mai Phương, Nghị quyết 98 cho phép TP Hồ Chí Minh quy định mức chi thu nhập tăng thêm tối đa là 1,8 lần mức lương ngạch, bậc, chức vụ nhưng không vượt quá 0,8 lần quỹ lương cơ bản. Trên cơ sở đối tượng mà Sở Nội vụ rà soát, trình UBND Thành phố thì Sở Tài chính đã cân đối nguồn tài chính ngân sách của TP Hồ Chí Minh, nguồn cải cách tiền lương để cân đối hệ số chi thu nhập tăng thêm năm 2023 và các năm tiếp theo.
"Ngoài ra, từ 1/7, mức lương cơ bản của cán bộ, công chức, viên chức (CBCCVC) lên 1,8 triệu đồng, với mức lương cơ sở mới này, Sở đã rà soát, cân đối, xác định mức chi thu nhập tăng thêm cho năm tháng cuối năm 2023 là 0,8 lần. Từ năm 2024 trở đi, Sở này sẽ tiếp tục căn cứ dự toán ngân sách hàng năm và nguồn cải cách tiền lương để tham mưu UBND TP Hồ Chí Minh trình HĐND TP Hồ Chí Minh hệ số lương phù hợp nhu cầu thực tế", bà Trần Mai Phương cho biết thêm.
Chiều 19/9, các đại biểu HĐND TP Hồ Chí Minh cũng đã biểu quyết thông qua từ trình chi thu nhập tăng thêm tối đa là 1,8 lần mức lương ngạch, bậc, chức vụ và chi thu nhập tăng thêm không vượt quá 0,8 lần quỹ lương cơ bản của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động thuộc phạm vi quản lý của thành phố. Thời gian áp dụng từ năm 2024 đến hết thời gian thí điểm của Nghị quyết 98/2023/QH15, UBND TPHCM trình HĐND Thành phố quyết định mức chi thu nhập tăng thêm theo hệ số và theo mức tiền cụ thể trong dự toán ngân sách hàng năm. Kinh phí thực hiện chi thu nhập tăng thêm theo Nghị quyết 98/2023/QH15 từ nguồn thực hiện cải cách tiền lương còn dư của ngân sách thành phố.
Cụ thể, trong 5 tháng cuối năm 2023, nguồn kinh phí thực hiện từ nguồn cải cách tiền lương được cân đối trong dự toán năm 2023. Nghị quyết này áp dụng cho cán bộ, công chức, viên chức thuộc khu vực quản lý nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, đơn vị sự nghiệp công lập do thành phố quản lý; người hoạt động không chuyên trách cấp xã, phường, thị trấn trên địa bàn thành phố. Cùng với đó là người làm việc theo chế độ hợp đồng lao động do cơ quan, tổ chức, đơn vị trực tiếp ký hợp đồng lao động thực hiện công tác hỗ trợ, phục vụ theo quy định của pháp luật thuộc khu vực quản lý nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, đơn vị sự nghiệp công lập, một số hội có tính chất đặc thù do thành phố quản lý và một số cơ quan trung ương trên địa bàn thành phố.
Ngoài ra, chính sách này cũng áp dụng cho người được tuyển dụng vào làm việc theo chỉ tiêu biên chế được giao trong các hội có tính chất đặc thù trên địa bàn thành phố đã được cấp có thẩm quyền giao số lượng người làm việc và kinh phí hoạt động theo quy định pháp luật; công chức đang làm việc tại các cơ quan Trung ương trên địa bàn TP Hồ Chí Minh.