Quá tải công sở tại TP Hồ Chí Minh - Bài 2: Hàng loạt cán bộ, công chức, viên chức xin nghỉ việc

Theo thống kê của UBND TP Hồ Chí Minh, trong hơn 6.000 cán bộ, công chức, viên chức đồng loạt xin nghỉ việc trong giai đoạn bình thường mới đến nay thì Sở Xây dựng TP Hồ Chí Minh đứng đầu trong khối sở, ngành với 23 người xin nghỉ việc; thành phố Thủ Đức đứng đầu khối quận, huyện với 40 người xin nghỉ việc...

Chú thích ảnh
Tại phường Phước Long B (thành phố Thủ Đức), cán bộ, công chức phải làm việc xuyên trưa để giải quyết các thủ tục hành chính cho người dân. 

Quá tải nên sẽ có sai sót

Theo đánh giá của UBND TP Hồ Chí Minh, có ba nguyên nhân chính tác động đến việc cán bộ, công chức, viên chức nghỉ việc trong giai đoạn bình thường mới gồm: chế độ tiền lương và chính sách đãi ngộ; cơ hội thăng tiến và áp lực công việc.

Cụ thể, đối với chế độ tiền lương, các chính sách đãi ngộ tiền lương hiện nay vẫn chưa thực sự thỏa đáng, chưa đáp ứng được điều kiện sống cũng như chưa đủ sức để tạo động lực cho cán bộ, công chức, viên chức an tâm làm việc, cống hiến. Nhất là trong bối cảnh các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp ngoài khu vực công đang đưa ra các chế độ đãi ngộ tiền lương rất hấp dẫn nên có sự cạnh tranh, thu hút nguồn nhân lực trình độ cao từ khu vực công.

Đối với cơ hội thăng tiến, việc đề bạt, bổ nhiệm cán bộ lãnh đạo, quản lý hiện nay vẫn còn một số hạn chế. Đó là một số cơ quan, đơn vị còn có tư tưởng về bệnh "kinh nghiệm", việc tuyển chọn lãnh đạo, quản lý thiếu tính cạnh tranh, chưa tạo được động lực để cán bộ, công chức, viên chức trẻ rèn luyện, phấn đấu; cơ chế bổ nhiệm, giới thiệu nhân sự, tiêu chí đánh giá cán bộ vẫn còn những hạn chế…

Đối với lý do về áp lực công việc, nhiều người bị quá tải công việc, đặc biệt là đối với cán bộ, công chức, viên chức công tác trong lĩnh vực y tế, giáo dục và ở phường, xã, thị trấn trong đợt cao điểm phòng, chống dịch COVID-19 vừa qua. Khối lượng công việc tăng cao đã gây ra những ảnh hưởng nhất định về mặt tâm lý và xã hội đối với nhóm đối tượng này nói riêng và nhân sự khu vực công nói chung.

Chú thích ảnh
Mỗi cán bộ công chức ở phường, xã tại TP Hồ Chí Minh phục vụ người dân gấp 3,2 lần so với các cán bộ công chức khác trên cả nước. 

Đại diện Phòng Nội vụ quận Bình Thạnh cho biết, hiện nay, cấp quận thực hiện 202 loại thủ tục hành chính trong 39 lĩnh vực, cấp phường thực hiện 132 loại thủ tục hành chính trong 31 lĩnh vực. Mỗi ngày, số lượng hồ sơ, công việc cần giải quyết cho dân trong một số lĩnh vực rất lớn như chứng thực, hộ tịch, xây dựng, kết hôn, đăng ký kinh doanh... Thực tế, đây toàn là những nhu cầu thiết thực của người dân nên buộc cán bộ phải bảo đảm đúng tiến độ, đúng thời gian để giải quyết cho người dân và vì thế áp lực lên cán bộ, công chức rất lớn. 

Cũng xuất phát từ áp lực công việc quá cao đã ảnh hưởng không nhỏ đến tinh thần và thể chất của các cán bộ, công chức, nhất là phải làm việc ngoài giờ, không được nghỉ ngơi đủ, áp lực lớn, không có thời gian chăm sóc gia đình... Vì vậy, từ năm 2019 đến nay, quận Bình Thạnh có 27 cán bộ, lãnh đạo và công chức phường xin nghỉ việc, trong đó có 3 lãnh đạo phường, 12 cán bộ đoàn thể, 12 công chức...

Theo Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thiện Nhân, nguyên Bí thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh, TP Hồ Chí Minh là địa phương mà công chức phục vụ số lượng người dân lớn nhất cả nước. Trung bình một biên chế của Thành phố phải phục vụ người dân gấp 3,2 lần so với các tỉnh khác trong cả nước. "Tất nhiên, một khi cán bộ công chức có rất nhiều áp lực thì chắn chắn sẽ có sai sót. Có lần tôi xuống huyện Bình Chánh, 18 giờ 30 phút vẫn thấy anh em cán bộ công chức của xã "sáng đèn" làm việc. Cứ như vậy thì chồng con ở nhà sao chịu nổi nên cán bộ của chúng ta buộc phải xin nghỉ việc. Tình trạng này nếu kéo dài thì không ổn cho hệ thống phường, xã của TP Hồ Chí Minh", ông Nguyễn Thiện Nhân nhận định.

Là địa bàn có đông dân tại thành phố Thủ Đức, ông Trần Văn Mau, Chủ tịch UBND phường Phước Long B cho biết, theo quy định, UBND phường chỉ mở cửa giao dịch đến 11 giờ 30 phút nhưng thực tế thì khi nào hết dân, bộ phận nhận hồ sơ mới được nghỉ. Mặt khác, trụ sở UBND phường lại nằm trên mặt đường lớn nên rất nhiều người tiện đường đến làm hồ sơ bất kể giờ giấc, kể cả giữa trưa. "Khi người dân còn nhu cầu thì cán bộ không thể nghỉ làm. Vì vậy, cán bộ công chức phường cũng phải làm việc xuyên trưa để phục vụ tốt cho người dân. Để giảm tải công việc cho cán bộ, phường cũng nhiều lần kiến nghị tăng biên chế, tuy nhiên điều kiện lương bổng, thu nhập không cao nên không thu hút được cán bộ, công chức ở lại lâu dài", ông Trần Văn Mau cho biết. 

Cần xem xét lại biên chế cán bộ

Chú thích ảnh
TP Hồ Chí Minh cũng cần ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin trong giải quyết các công việc, thủ tục hành chính nhằm từng bước cắt giảm được nhân lực phục vụ trực tiếp.

PGS.TS Nguyễn Thị Cành, nguyên Giảng viên cao cấp của Trường Đại học Kinh tế - Luật (Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh) cho biết, tỉ lệ dân số/công chức, viên chức của TP Hồ Chí Minh lớn hơn nhiều địa phương khác, vì vậy biên chế cho quận, phường của TP Hồ Chí Minh mà cứ định biên như quận, phường khác trên cả nước thì không hợp lý.

"Cần xem lại để lựa chọn chỉ số biên chế theo dân thay vì theo đơn vị hành chính cào bằng như đang thực hiện. Tuy nhiên, không chỉ là chuyện giảm thấp tỉ lệ dân số/công chức, viên chức mà cần xem xét mức độ phức tạp của công việc để bố trí người cho hợp lý. Ở đây có những dịch vụ công phục vụ toàn thể nhưng có dịch vụ lại phục vụ từng người dân, vì vậy cần tách dịch vụ nào khi dân số cao chiếm nhiều thời gian và hệ số này ở mức bao nhiêu phần trăm để tổ chức lại bộ máy, người cho hợp lý. Trên cơ sở đó, TP Hồ Chí Minh giải trình với Trung ương để có cơ chế tự chủ biên chế phù hợp", PGS.TS Nguyễn Thị Cành đề nghị.

Còn theo bà Nguyễn Thị Hồng Thắm, Phó Giám đốc Sở Nội vụ TP Hồ Chí Minh, số cán bộ, công chức và người hoạt động không chuyên trách phường, xã tại TP Hồ Chí Minh được phân bổ theo Nghị định số 34 trên cơ sở phân loại đơn vị hành chính. Tuy nhiên, quá trình áp dụng chưa phù hợp với các địa bàn đông dân và có địa hình rộng, tính chất phức tạp, quá trình đô thị hóa nhanh.

"Vừa qua, TP Hồ Chí Minh thực tế phải giảm biên chế tới hai lần. Bởi theo Nghị quyết 131/2020 của Quốc hội về thực hiện chính quyền đô thị, Thành phố không tổ chức HĐND phường nên phải giảm 249 biên chế là Phó Chủ tịch HĐND phường. Do đó, Nghị định 34 quy định tổng số cán bộ, công chức tối đa không quá 37 người mỗi phường (loại 1), nhưng thực tế TP Hồ Chí Minh chỉ có thể giao biên chế tối đa 36 người mỗi phường", bà Nguyễn Thị Hồng Thắm cho biết.

Theo bà Nguyễn Thị Hồng Thắm, TP Hồ Chí Minh nhiều lần kiến nghị Bộ Nội vụ cho chính sách riêng nhằm tăng người hoạt động không chuyên trách cho địa bàn cơ sở, tuy nhiên các đề xuất của Thành phố không được chấp thuận. Lý do, dân số chỉ là một trong những tiêu chí phân loại phường, xã nên không đủ cơ sở để tăng số lượng cán bộ không chuyên trách. Vì vậy, sắp tới, trong Nghị quyết thay thế Nghị quyết 54 về cơ chế đặc thù cho TP Hồ Chí Minh, TP Hồ Chí Minh sẽ tiếp tục đề xuất để có phương án tổ chức bộ máy cán bộ phù hợp từng địa phương để tránh tình trạng quá tải công việc cho các cán bộ cơ sở như hiện nay.

Ông Phan Văn Mãi, Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh cho biết, để hạn chế tình trạng cán bộ xin nghỉ việc hàng loạt, TP Hồ Chí Minh cũng đã đề xuất nhiều giải pháp như nâng cao thu nhập. Theo đó, bên cạnh tiếp tục thực hiện chính sách chi thu nhập tăng thêm, TP Hồ Chí Minh đang xây dựng nghị quyết thay thế Nghị quyết 54/2017 của Quốc hội với nhiều nội dung mới để thực hiện thí điểm cho giai đoạn tiếp theo nhằm duy trì cho cán bộ, công chức, viên chức được hưởng thu nhập tăng thêm, tạo động lực cho họ làm việc và cống hiến.

Về tạo cơ hội thăng tiến, TP Hồ Chí Minh sẽ đổi mới cách tuyển chọn lãnh đạo, quản lý. Để góp phần giảm căng thẳng, áp lực do quá tải công việc đối với cán bộ, công chức, viên chức, TP Hồ Chí Minh cũng đã có kiến nghị Bộ Nội vụ đề xuất cấp có thẩm quyền tăng biên chế cho Thành phố để phù hợp với thực tiễn khối lượng công việc và đặc thù của Thành phố theo Nghị quyết 54 của Chính phủ.

Bài 3:  Ngăn chặn tình trạng ‘tham nhũng vặt’

Bài, ảnh: Hoàng Tuyết/Báo Tin tức
Quá tải công sở tại TP Hồ Chí Minh - Bài cuối: Giải pháp tránh hệ luỵ
Quá tải công sở tại TP Hồ Chí Minh - Bài cuối: Giải pháp tránh hệ luỵ

Theo các chuyên gia về lĩnh vực hành chính công, việc tinh giản biên chế ở cấp phường, xã đã khiến bộ máy hành chính tại TP Hồ Chí Minh càng khó khăn hơn. Bởi, khi nơi này quá tải, không giải quyết hết việc thì đầu việc phức tạp sẽ "tự động" bị dồn lên cấp cao hơn. Do đó, để giảm áp lực công việc cho cán bộ cấp cơ sở, các địa phương cần đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số trong giải quyết các thủ tục hành chính.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN