Những thách thức
Sau hơn 30 năm đổi mới, vùng đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) đã đạt được những thành tựu quan trọng, đóng góp to lớn cho nền nông nghiệp nước nhà. Đến nay, vùng nông nghiệp chủ lực ĐBSCL đang đón nhận những cơ hội mới từ việc hội nhập kinh tế quốc tế, thực thi các cam kết cộng đồng kinh tế ASEAN, sắp tới là TPP và các hiệp định song phương… Cùng với việc hội nhập đã mang đến những thách thức mà không ít chuyên gia kinh tế, nông nghiệp khẳng định rằng lĩnh vực sản xuất nông nghiệp của vùng còn nhiều việc phải làm trước hội nhập kinh tế quốc tế. Nguyên nhân là thiếu liên kết một cách hiệu quả giữa các tỉnh, thiếu kế hoạch liên vùng để hỗ trợ nhau cùng phát triển… Tiếp nữa là những bất cập chưa thể giải quyết nhằm tối ưu hóa chuỗi sản xuất, tạo dựng thương hiệu sản phẩm hàng hóa có uy tín, giải quyết những “điểm nghẽn” về cơ sở hạ tầng đã cho thấy sức cạnh tranh về hàng hóa không cao và chưa đủ sức đáp ứng yêu cầu hội nhập.
Những năm qua, nông dân vùng ĐBSCL ngày càng tiếp cận và ứng dụng nhanh hơn những tiến bộ khoa học kỹ thuật, công nghệ. Mô hình “cánh đồng lớn” đã đạt được những thành công bước đầu trong liên kết sản xuất, tiêu thụ lúa gạo và đang nhân rộng, áp dụng ở nhiều ngành hàng khác như: Mía đường, chăn nuôi, thủy sản. Từ đó từng bước xóa bỏ cách tổ chức sản xuất nhỏ lẻ, manh mún bằng việc tổ chức lại sản xuất theo Quyết định số 62/2013/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về chính sách khuyến khích phát triển hợp tác, liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ nông sản, xây dựng “cánh đồng lớn” nhưng vẫn còn bất cập và chưa đạt kết quả như mong muốn.
Theo Tiến sĩ Lê Văn Bảnh, Cục trưởng Cục Chế biến nông lâm thủy sản và nghề muối, trong quá trình hội nhập, việc liên kết giữa doanh nghiệp và nông dân là rất cần thiết nhằm bảo đảm yêu cầu về chất lượng, truy xuất nguồn gốc sản phẩm... Tuy nhiên, việc liên kết giữa nông dân và doanh nghiệp trong sản xuất còn chậm; mức độ liên kết còn lỏng lẻo, số doanh nghiệp đứng ra liên kết, tiêu thụ nông sản cho nông dân một cách khép kín, từ đầu vào cho đến bao tiêu đầu ra còn rất hạn chế.
Việc thiếu liên kết này diễn ra ở nhiều mặt hàng nông sản chiến lược của ĐBSCL như lúa gạo, mía đường… Đáng lưu ý, từ năm 2011, chương trình cánh đồng lớn được triển khai xây dựng trên cả nước, nhưng đến nay chỉ có khoảng 500.000 ha được thực hiện liên kết, chiếm khoảng 7% diện tích gieo trồng. Trong số đó, mới có khoảng 40 - 50% diện tích được thực hiện theo đúng hợp đồng đã ký kết.
Tại tỉnh Vĩnh Long, từ năm 2011 tỉnh đã xây dựng và triển khai thực hiện dự án “Xây dựng cánh đồng mẫu lớn giai đoạn 2011 - 2015”. Qua 4 năm tổ chức thực hiện, đến cuối năm 2015, dự án đã xây dựng được cánh đồng mẫu lớn có diện tích hơn 13.500 ha. Nhìn chung, năng suất lúa trong vùng dự án tăng khoảng 0,5 tấn/ha, lợi nhuận tăng từ 2 - 2,5 triệu đồng/ha/vụ so với ngoài vùng. Đồng thời để đảm bảo, nâng cao hoạt động liên kết sản xuất - tiêu thụ tại cánh đồng mẫu lớn, tỉnh còn vận động thành lập các tổ hợp tác sản xuất và hợp tác xã với quy mô 171 tổ hợp tác sản xuất, 2 hợp tác xã (HTX). Ngoài ra, tỉnh còn cấp giấy chứng nhận VietGAP cho 4 mô hình sản xuất lúa với tổng diện tích hơn 136 ha, số hộ dân tham gia 207 hộ. Bằng những hành động cụ thể thiết thực này, có thể nói chính quyền, ngành chức năng của tỉnh đã cố gắng tạo mọi điều kiện cho các hộ dân tiếp cận, ứng dụng sản xuất lúa theo quy trình thực hành nông nghiệp tốt nhằm bảo vệ môi trường, liên kết doanh nghiệp tạo thương hiệu sản phẩm hàng hóa để giúp nông dân nâng cao hiệu quả kinh tế.
Tuy nhiên, trên thực tế việc triển khai nói trên cho đến nay vẫn chưa đạt mục tiêu như mong muốn. Theo đại diện lãnh đạo ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh Vĩnh Long, những nỗ lực xây dựng cánh đồng mẫu lớn những năm qua chỉ giải quyết được vấn đề tập huấn về kỹ thuật sản xuất, sự đồng nhất về giống lúa, sản xuất đúng lịch thời vụ… Nhưng chưa giải quyết được các vấn đề quan trọng của quá trình liên kết sản xuất là tập trung đầu mối để mua các vật tư đầu vào cho sản xuất với giá cạnh tranh và ký hợp đồng tiêu thụ đầu ra ổn định.
Dù diện tích cánh đồng mẫu lớn có phát triển mạnh nhưng hoạt động của các tổ hợp tác, HTX còn hạn chế về vốn và yếu kém về năng lực quản lý, điều hành dẫn đến việc cung ứng liên kết cung ứng vật tư nông nghiệp đầu vào chưa chặt chẽ, hiệu quả. Việc ký kết bao tiêu sản phẩm chưa bền vững, đặc biệt là trong việc thống nhất về giá bán và phương thức giao nhận còn khó khăn. Một số trường hợp doanh nghiệp thu mua và người nông dân chưa thể thỏa thuận được giá lúa khi thu hoạch, mặc dù hai bên đã ký kết hợp đồng mua bán trước đó.
Nâng cao chất lượng HTX
Trong bối cảnh hiện tại, nhiệm vụ tổ chức lại sản xuất nhằm tạo ra hàng hóa nông sản chất lượng cao đang chịu sức ép cạnh tranh ngày càng khốc liệt là vô cùng cấp. Do đó, việc tạo lập chuỗi liên kết sản xuất - tiêu thụ chặt chẽ, bền vững là rất cần thiết. Nhưng để làm được điều đó, việc làm thế nào để các tổ hợp tác sản xuất, HTX thực sự hoạt động có hiệu quả cần được giải quyết ngay lúc này. Vì đây là một giải pháp tối ưu để góp phần giải quyết bài toán liên kết trong bối cảnh sản xuất nhỏ lẻ, manh mún hiện nay.
Cũng cần phải nói thêm, để hỗ trợ, nâng cao năng lực sản xuất kinh doanh của các tổ hợp tác, HTX, từ năm 2015 Chính phủ đã ban hành Nghị định 55/2015/NĐ-CP về chính sách tín dụng phát triển nông nghiệp, nông thôn. Sau khi có Nghị định 55, sự ra đời các chính sách cho vay của ngân hàng Nhà nước đã được mở rộng, nới lỏng hơn. Tuy nhiên, cũng chính từ những hạn chế trong hoạt động kinh doanh của tổ hợp tác, HTX, đặc biệt là HTX nông nghiệp như đã đề cập đã làm giảm khả năng tiếp cận nguồn vốn tín dụng ngân hàng. Mặc dù, cũng như các doanh nghiệp, các tổ chức này rất cần nguồn vốn hỗ trợ từ ngân hàng để phục vụ sản xuất kinh doanh.
Tại tỉnh Vĩnh Long có 4 HTX nông nghiệp tiếp cận vốn vay ngân hàng nhưng chỉ ở mức độ hạn chế. Doanh số cho vay năm 2015 đạt 4,4 tỷ đồng, dư nợ đến cuối năm đạt 5,6 tỷ đồng. Sang năm 2016, dư nợ giảm mạnh do các khoản nợ đến hạn trong khi cho vay mới thấp, đến cuối quý I/2016 dư nợ còn 2 tỷ đồng, giảm 64% so với cuối năm 2015. Số liệu trên đã cho thấy từ những vấn đề yếu kém về năng lực quản lý điều hành, vốn đối ứng, tài sản chung… của tổ hợp tác, HTX đã khiến không ít ngân hàng còn tâm lý chưa an tâm khi cho vay.
Mô hình sản xuất muối sạch cho hiệu quả kinh tế cao ở Hợp tác xã Trường Sơn, xã Vĩnh Thịnh, huyện Hòa Bình, tỉnh Bạc Liêu. |
Như vậy để củng cố các HTX nông nghiệp đang hoạt động và thúc đẩy phát triển theo mô hình HTX kiểu mới phục vụ cho yêu cầu tổ chức liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị, các chuyên gia về lĩnh vực ngân hàng kiến nghị cần phải mở rộng cơ chế bảo hiểm cho nông nghiệp. Bởi tham gia bảo hiểm nông nghiệp là một trong những phương thức giảm thiểu rủi ro tín dụng hiệu quả cho cả người vay và ngân hàng.
Tuy nhiên, bảo hiểm nông nghiệp trong thời gian qua khó phát triển do người dân không muốn tham gia bảo hiểm khi rủi ro ít và ngược lại khi rủi ro nhiều thì doanh nghiệp không dám bán bảo hiểm. Do đó, để bảo hiểm nông nghiệp phát triển phải đảm bảo một trong những nguyên tắc cơ bản là “nguyên tắc số đông”. Vì vậy, bước đầu cần có sự tham gia của nhà nước, có chính sách hỗ trợ để chia sẻ trách nhiệm, rủi ro giữa doanh nghiệp bảo hiểm - người dân - nhà nước nhằm tạo nền tảng, cơ sở tạo lập cho thị trường bảo hiểm.
Cụ thể là, nhà nước cần tăng cường các biệp pháp giảm thiểu rủi ro trong nông nghiệp như: Đầu tư cơ sở hạ tầng thủy lợi, hoàn chỉnh hệ thống cống, đập, các chương trình giảm nhẹ thiên tai… Hỗ trợ trong việc tạo lập thị trường bảo hiểm, theo đó về cầu bảo hiểm thì Chính phủ nên xem xét thực hiện bảo hiểm nông nghiệp bắt buộc theo lộ trình, trước tiên là đối với loại cây trồng, vật nuôi ít bị ảnh hưởng của thiên tai dịch bệnh. Về cung sản phẩm bảo hiểm, bước đầu Chính phủ có chính sách ưu đãi, khuyến khích các doanh nghiệp bảo hiểm khi tham gia bảo hiểm nông nghiệp.
Bên cạnh đó, các địa phương cần chủ động có những giải pháp để hỗ trợ, giúp đỡ quá trình hoạt động của các tổ hợp tác, HTX để tăng cường năng lực, quản lý điều hành. Đặc biệt, các địa phương phải tập trung nhanh chóng triển khai thực hiện Quyết định số 445/QĐ-TTg của Chính phủ về việc phê duyệt đề án “Thí điểm hoàn thiện, nhân rộng mô hình HTX kiểu mới tại vùng ĐBSCL giai đoạn 2016 - 2020”. Theo đó, đề án sẽ rà soát, lựa chọn 300 HTX hoạt động trong 3 lĩnh vực: Lúa gạo, trái cây, thủy sản ở 13 tỉnh thành ĐBSCL tham gia xây dựng mô hình thí điểm theo tiêu chí lựa chọn của Bộ NN&PTNT.
Theo đề án này, các HTX lựa chọn sẽ được hỗ trợ tập trung giải quyết những vấn đề cốt lõi như hỗ trợ đào tạo nâng cao năng lực quản trị, kinh doanh cho cán bộ quản lý HTX nông nghiệp. Tăng cường các giải pháp về vốn cho sản xuất kinh doanh của các HTX. Hỗ trợ bồi dưỡng nâng cao năng lực cán bộ khoa học kĩ thuật của HTX. Phát triển, mở rộng liên kết sản xuất và đẩy mạnh mở rộng thị trường tiêu thụ nông sản. Hỗ trợ kết cấu hạ tầng phục vụ phát triển sản xuất nông nghiệp cho các HTX.
Để thực hiện đề án, nhà nước sẽ hỗ trợ cho việc thí điểm hoàn thiện mô hình HTX, liên hiệp HTX sẽ được áp dụng theo quy định tại Nghị định 193/2013/NĐ-CP ngày 21/11/2013 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều luật HTX. Kinh phí hỗ trợ theo Quyết định số 2261/QĐ-TTg ngày 15/12/2014 của Thủ tướng Chính phủ về Chương trình hỗ trợ phát triển HTX giai đoạn 2015 - 2020. Tuy nhiên, các địa phương vùng ĐBSCL cũng kiến nghị trung ương cần có hướng dẫn cụ thể và bố trí nguồn vốn để thực hiện Quyết định 2261, đồng thời đề nghị trung ương sớm ban hành hướng dẫn chính sách tiếp cận vốn và quỹ hỗ trợ phát triển HTX theo quy định tại Nghị định 193/NĐ-CP, đặc biệt là nội dung bảo lãnh tín dụng để tạo điều kiện cho các HTX nông nghiệp tiếp cận vay vốn.
Ông Nguyễn Trọng Nghiệp, Giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh Vĩnh Long: Cần giải pháp về cho vay tín dụng nông nghiệp Đây là giải pháp trung tâm trong các giải pháp phát triển tín dụng ngân hàng. Hiện nay, với chủ trương nâng cao chất lượng và hiệu quả tín dụng đối với lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn nói chung, các ngân hàng thương mại tham gia cho vay cần phải đa dạng hóa các phương thức cho vay, thay đổi cách thức truyền tải vốn từ khâu riêng lẻ sang chuỗi sản xuất nhằm giảm được rủi ro, tiết kiệm chi phí liên quan đến cho vay và kiểm soát chặt chẽ được dòng tiền cho vay hiệu quả hơn. Cần đa dạng hóa phương thức cho vay, tăng cường cho vay theo hạn mức để giảm các thủ tục hồ sơ, thời gian và chi phí cho các bên trong quan hệ vay vốn. Mở rộng phương thức cho vay hạn mức đối với các trang trại, HTX và các hộ sản xuất kinh doanh có nhu cầu vốn thường xuyên lớn. Ngân hàng Nhà nước Việt Nam sớm sửa đổi quy chế cho vay của tổ chức tín dụng đối với khách hàng ban hành theo Quyết định 1627/2001/QĐ-NHNN ngày 31/12/2001. Quy chế này đã ban hành từ năm 2001, tuy đã qua nhiều lần sửa đổi nhưng không còn đáp ứng được với tình hình hoạt động của ngân hàng hiện nay. Hướng sửa đổi cần quy định những nguyên tắc cơ bản về phương thức cho vay, hình thức đầu tư, lãi suất cho vay, phương thức đảm bảo tài sản… Từ đó làm cơ sở cho các ngân hàng thương mại xây dựng các quy trình cho vay cụ thể áp dụng đối với hoạt động của ngân hàng thương mại, trong đó có cho vay lĩnh vực HTX. Đồng thời chỉ đạo các ngân hàng thương mại, nhất là các ngân hàng thương mại cổ phần tư nhân phải thực hiện cho vay theo đúng tinh thần Nghị định 55/2015/NĐ-CP của Chính phủ. Trong đó, có nội dung xem xét giải quyết cho vay không đảm bảo tài sản đối với hộ gia đình và HTX.
Ông Nguyễn Văn Đồng, Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Hậu Giang Có chính sách hỗ trợ các doanh nghiệp Nhà nước cần tạo quỹ đất qua quy hoạch khu vực, vùng sản xuất cho doanh nghiệp nhằm giúp doanh nghiệp có đất làm kho, lò sấy, nhà máy… được liền thửa, giúp cho việc đầu tư được tập trung, ổn định các dây chuyền sản xuất hiện đại. Bên cạnh đó, có cơ chế cho doanh nghiệp được vay tiền mua lúa thế chấp bằng chính lô lúa đó, từ đó giúp doanh nghiệp mở rộng được vùng nguyên liệu chất lượng cao, giảm việc mua lúa dự trữ từ các thương lái mà chất lượng không đảm bảo. Ngoài ra, cần có cơ chế điều tiết về thuế, thưởng, phạt đối với thương lái, giữa các thương lái như là một bộ phận của doanh nghiệp, cho các doanh nghiệp chia sẻ lợi nhuận hợp lý. Do hiện nay thương lái lợi nhuận rất nhiều, trung bình lãi trên 30%. Cách làm này còn để giảm việc gian dối khi giao lúa cho doanh nghiệp để tăng lợi nhuận và dẫn đến chất lượng lúa luôn thấp trên thị trường thế giới. Giáo sư Võ Tòng Xuân: Nỗ lực xây dựng liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị Trong nông nghiệp, lãnh đạo từng địa phương cần gắn doanh nghiệp với HTX nông nghiệp sản xuất theo quy trình nông nghiệp kỹ thuật cao, cung cấp cho doanh nghiệp chế biến sản phẩm có thương hiệu mạnh. Theo đó, giải pháp thuận lợi nhất là lãnh đạo mỗi bộ, ngành, địa phương liên quan vận dụng Nghị quyết 35/2016/NQ-CP về hỗ trợ doanh nghiệp đến năm 2020 phát huy những cơ hội tăng trưởng và vượt qua những thách thức, rào cản như hạn chế về công nghệ và khả năng cạnh tranh; khó khăn và chưa thực sự bình đẳng trong tiếp cận các nguồn lực (vốn, công nghệ, lao động), đặc biệt là doanh nghiệp vừa và nhỏ; bất cập về trình độ quản lý và chất lượng nguồn lao động; tính gắn kết của doanh nghiệp Việt Nam chưa cao. Anh Đức |