Sandbox - Nguồn lực đột phá cho phát triển

Các chuyên gia cho rằng, tại Việt Nam, cơ chế Sandbox thành công sẽ là nguồn lực đột phá cho phát triển.

Chú thích ảnh
Tỉnh đoàn Đồng Nai phối hợp Hội Liên hiệp thanh niên tỉnh thử nghiệm máy bay hỗ trợ nông nghiệp. Ảnh minh họa: TTXVN phát

Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư với những công nghệ như trí tuệ nhân tạo, Internet vạn vật, dữ liệu lớn, điện toán đám mây... đang tác động trực tiếp đến kinh tế, xã hội tại Việt Nam. Trong khi những khái niệm như tài sản ảo, tiền điện tử, taxi công nghệ... dần trở nên phổ biến, Sandbox cũng được nhắc tới và cơ chế Sandbox đã được nhiều quốc gia thực hiện.

Sandbox là khung thể chế thí điểm, cho phép thử nghiệm các công nghệ mới, mô hình kinh doanh mới trong môi trường thực tiễn nhưng có phạm vi và thời gian xác định dưới sự giám sát của các nhà quản lý và có các phương án dự phòng rủi ro phù hợp để ngăn hậu quả của thất bại mà không ảnh hưởng lớn đến hệ thống tài chính quốc gia. Vì vậy, các chuyên gia cho rằng, tại Việt Nam, cơ chế Sandbox thành công sẽ là nguồn lực đột phá cho phát triển.

Ông Chu Quang Thái, chuyên gia cao cấp về đổi mới sáng tạo, Trung tâm hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo quốc gia (Cục Phát triển thị trường và doanh nghiệp khoa học và công nghệ cho biết, tại Việt Nam, trong điều kiện bối cảnh quốc tế, sự phát triển của thị trường trong nước, các cơ quan chức năng đang nỗ lực xây dựng cơ chế quản lý thử nghiệm để cho phép các startup được thí điểm/thử nghiệm các sản phẩm, dịch vụ trước khi cung cấp sản phẩm dịch vụ chính thức ra thị trường. 

Sandbox có thể hiểu là một môi trường thử nghiệm đặc biệt và được ví như "vườn ươm" cho những ý tưởng được tự do sáng tạo trong khuôn khổ cho phép, từ đó tạo ra sự trải nghiệm và giá trị riêng. Vì vậy, việc thiết lập khung pháp lý Sandbox phải đảm bảo sự cân bằng giữa khuyến khích đổi mới sáng tạo và kiểm soát rủi ro để dự phòng cho sự thất bại. Nói cách khác, cần có cơ chế Sandbox riêng cho mỗi lĩnh vực để thúc đẩy khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo đồng thời đáp ứng nhu cầu và sự phát triển của thị trường.

Tuy nhiên, ông Chu Quang Thái nhận định, chi phí cho việc sửa đổi luật rồi mới áp dụng cao hơn nhiều cái giá phải trả cho Sandbox nếu thất bại, còn thành công thì là nguồn lực đột phá cho phát triển hiện đại. 

Một số chuyên gia cũng đưa ra nhận định, mô hình thử nghiệm Sandbox có ảnh hưởng phức tạp và tiềm ẩn rủi ro phá vỡ quy định hiện hành của Nhà nước, do đó, cơ quan quản lý cần giới hạn phạm vi và thời gian triển khai công nghệ trong Sandbox, áp dụng biện pháp nhằm hạn chế ảnh hưởng của ứng dụng công nghệ trong trường hợp xảy ra lỗi. Đặc biệt, để đảm bảo an toàn an ninh tiền tệ, tài chính, cơ quan quản lý cần đề ra tiêu chí lựa chọn các tổ chức tín dụng, công ty tài chính và ứng dụng công nghệ được phép tham gia Sandbox.

Trong cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 diễn ra mạnh mẽ, cơ chế quản lý thử nghiệm có kiểm soát là giải pháp phản ứng linh hoạt trong bối cảnh bùng nổ công nghệ và đảm bảo lợi ích cho các bên liên quan, trong đó có tăng cường phúc lợi xã hội; là hình mẫu mới về quản lý theo cái gọi là "hệ sinh thái" (ecosytem); theo đó có nhiều bên liên quan và ở đó các bên tham gia "cuộc chơi" cùng tồn tại có tương tác, cùng học hỏi và cùng có lợi… Các nhà khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo không thể tự do sáng tạo khi nỗi sợ hãi bao trùm ở đích đến của vinh quang.

Các nhà khởi nghiệp cho biết, cơ chế Sandbox không phải là một đặc quyền mà là cơ hội cho các cá nhân, tổ chức dám nghĩ, dám làm và dám chịu trách nhiệm, bởi Sandbox là cơ chế để "sản sinh" ra những cái mới chưa có tiền lệ. Các đơn vị quản lý cũng không thể lường trước hay mường tượng hết tác động hai chiều tốt - xấu của cái mới nên Việt Nam cần xây dựng, hoàn thiện hành lang pháp lý cho mô hình Sandbox đặc thù mang tính mở được điều chỉnh kiểm soát bởi quy định về thời gian, quy mô, tác động, quản lý và hiệu quả kinh tế - xã hội trước khi phê duyệt.

Việc đưa ra cơ chế quản lý thử nghiệm có kiểm soát là yêu cầu đặt ra đối với sự phát triển của hệ sinh thái Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo và đột phá trong thay đổi mô hình tăng trưởng. Với Việt Nam, hấp thụ công nghệ cho sự phát triển của đất nước là chủ trương, định hướng nhất quán của Đảng và nhà nước. Việc cho ra đời cơ chế quản lý thử nghiệm có kiểm soát đòi hỏi sự vào cuộc của nhiều bên tham gia, nhiều cơ quan, bộ, ngành; đồng thời, cần nhận thức đột phá, chấp nhận công nghệ mới, chấp nhận đổi mới sáng tạo trên cơ sở liên kết nhiều chiều, nhiều phía, nhất là trên phương diện lập chính sách mới trong thời đại ngày nay. Điều đó cho thấy cộng đồng khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp sáng tạo kỳ vọng vào Hội đồng quốc gia về khoa học, công nghệ và Đổi mới sáng tạo, là cơ quan chỉ đạo đột phá cho cơ chế Sandbox quốc gia.

Theo Tiến sĩ Chu Thị Hoa, Viện Khoa học Pháp lý - Bộ Tư pháp, trong khi chờ các văn bản luật được ban hành, Việt Nam có thể xem xét xây dựng khung pháp lý cho cơ chế Sandbox; trong đó quy định rõ "không gian và thời gian", lĩnh vực áp dụng Sandbox có điều kiện nhất định và phân tích kỹ từng tình huống chính sách cụ thể. Điều quan trọng trong tư duy làm chính sách, pháp luật trong cuộc cách mạng công nghiệp thứ 4 là xử lý được các vấn đề mới, đưa ra những giải pháp vượt ra ngoài tư duy truyền thống để thúc đẩy đổi mới sáng tạo. Do đó, bản thân chính sách, cơ chế phải thoáng, mở và sáng tạo, cần ủng hộ về nguyên tắc việc triển khai các mô hình kinh doanh mới.

Một số chuyên gia cho rằng, việc sớm xây dựng, hoàn thiện hành lang pháp lý cho Sandbox, từ đó, tạo một khuôn khổ, quy chuẩn cho Sandbox là điều cần thiết để tránh nguy cơ phát sinh các vấn đề vượt tầm kiểm soát, khiến cho các cơ quan quản lý lúng túng trong xử lý những vấn đề phát sinh. Các bộ, ngành cần tạo môi trường kinh doanh bình đẳng giữa mô hình kinh doanh mới và kinh tế truyền thống; sửa đổi, hoàn thiện và bổ sung quy định về trách nhiệm của các bên trong mô hình kinh doanh mới; trách nhiệm của các cơ quan quản lý nhà nước đối với hoạt động của mô hình Sandbox.

HL (TTXVN)
Xúc tiến thương mại thích nghi với cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư
Xúc tiến thương mại thích nghi với cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư

Ngày 29/9, tại Hà Nội, Trung tâm Khởi nghiệp và Sáng tạo xã hội, Trường Đại học Kinh tế Quốc dân cùng Bộ Công Thương và Làng Marketing Techfest 2022, Ban cố vấn đào tạo Techfest 2022, Liên minh Số Seaco, ConnectUp đồng hành tổ chức Tọa đàm "Xúc tiến thương mại quốc tế 4.0 và mô hình kết nối giao thương Việt – Trung".

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN