Lương thấp, công nhân cao su bỏ việc

Mủ cao su rớt giá, Tập đoàn Cao su Việt Nam cắt giảm 30% đầu tư cho các công ty, kéo theo lương của công nhân và tiền khoán việc cho lao động thời vụ giảm sút mạnh, khiến đời sống của người trồng cây cao su ở Tây Bắc gặp rất nhiều khó khăn. Hàng loạt công nhân cao su bỏ việc, số còn lại cố “cầm cự” mong lương sẽ tăng lên, xứng đáng với công sức bỏ ra.


Bản Pá Bon, xã Nậm Pì, huyện Nậm Nhùn (Lai Châu) có 35 người làm công nhân Công ty CP cao su II Lai Châu. Từ năm 2012 đến tháng 5/2014, công nhân đang có thu nhập trên 4 triệu đồng, đột nhiên giảm xuống còn gần 2 triệu đồng/tháng. Các công nhân là người dân tộc Mảng ở đây cho biết, mức lương như hiện nay không đủ sống, họ phải vất vả đi làm thêm bên ngoài mới đủ trang trải chi tiêu gia đình.

Công việc nặng nhọc, làm trên đồi cao nhưng lương lại bị cắt giảm sâu, nên đời sống của công nhân ngày một khó khăn.

Anh Lò Văn Chiến, dân tộc Mảng, ở bản Pá Bon, làm công nhân Công ty CP cao su II Lai Châu được gần 4 năm. Anh chiến nói: “Ai cũng muốn gắn bó lâu dài với công ty để trồng và chăm sóc cây cao su, nhưng với giá công như vậy thì trước sau gì chúng tôi cũng bỏ việc”.

Anh Chiến cho biết, trước, công làm cỏ đường băng là 700.000 đồng/ha thì nay giảm xuống còn 300.000 đồng/ha, công tỉa cành cây giá cũ là 300.000 đồng/ha, nay giảm 10 lần, chỉ còn 30.000 đồng/ha… Các công nhân trong bản đã lên công ty thắc mắc, lãnh đạo công ty trả lời do khó khăn của ngành cao su nên từ cán bộ cho đến công nhân và người làm theo thời vụ đều giảm như vậy. Lãnh đạo Công ty CP cao su Lai Châu II còn nói sẽ cắt giảm lao động, vì kinh phí do tập đoàn đầu tư giảm. Công nhân có đất góp vào công ty phản đối, nếu bị nghỉ việc thì sẽ lấy lại diện tích đất để sản xuất.

Bà Sìn Thị Hoan, trưởng bản Pá Bon cho rằng, với đồng lương công nhân thấp như vậy thì dân bản không đủ sống, Công ty CP cao su Lai Châu II phải tìm cách cân đối nguồn vốn, làm sao đời sống của công nhân địa phương bớt phần khó khăn. Việc công ty cắt giảm lao động người địa phương là không đúng, vì theo thỏa thuận góp đất giữa người dân và công ty là nhận con em vào làm công nhân. Bây giờ công ty cắt giảm, thì người dân có đất đâu để sản xuất, chờ ăn chia lợi nhuận thì biết đến bao giờ mới có? Gia đình anh Lò Văn Chiến góp đất vào công ty gần 3,4 ha, theo thỏa thuận sau này có sản phẩm sẽ được ăn chia 10%. Tuy nhiên, anh Chiến đang hoang mang vì sau này giá mủ thấp, không ai thu mua mủ… thì sẽ như thế nào?

Trao đổi vấn đề này với lãnh đạo Công ty CP cao su Lai Châu II, ông Nguyễn Hữu Phước, cán bộ Phòng Tổ chức công ty, giải thích: “Giá mủ cao su giảm, Tập đoàn cao su Việt Nam cắt giảm 30% suất đầu tư trên diện tích trồng, vì vậy công ty đã tổ chức lại công tác cán bộ, tăng năng suất lao động. Vì vậy, lương của công nhân cũng phải giảm 30% so với trước kia. Chúng tôi mong, công nhân chia sẻ khó khăn với công ty, mọi chế độ khác vẫn đảm bảo tốt”. Ông Phước cho biết, hiện công ty đã trồng được gần 5.000 ha cây cao su, có 675 lao động trực tiếp. Do lương giảm sâu nên từ tháng 1/2015 đến nay có hơn 100 công nhân trực tiếp bỏ việc, 40 cán bộ gián tiếp xin thôi việc.

Công ty CP cao su Dầu Tiếng Lai Châu cũng rất khó khăn khi bị tập đoàn cắt giảm kinh phí đầu tư 30%, vì thế công ty tính toán để giảm khối lượng công việc, đồng nghĩa với việc đồng lương của công nhân giảm sút. Ông Nguyễn Văn Hòa, Giám đốc Công ty CP cao su Dầu Tiếng Lai Châu cho biết: “Thời gian vừa qua, công ty có hơn 60 công nhân trực tiếp bỏ việc, 23 cán bộ gián tiếp xin thôi việc. Chúng tôi đã tìm mọi cách để đảm bảo đồng lương cho công nhân.

Anh Hoàng Văn Chài, dân tộc Khơ Mú ở xã Mường Kim, huyện Than Uyên (Lai Châu) làm tại Công ty CP cao su Dầu Tiếng Lai Châu, là đội trưởng đội sản xuất, được tính ăn lương dựa trên công của công nhân. Khối lượng của công nhân bị cắt giảm, ít việc nên lương của đội trưởng vì thế mà giảm, nên anh Chài bỏ việc. Trao đổi với chúng tôi, anh Hoàng Văn Chài nói: “Khi công ty vận động người dân chúng tôi vào làm công nhân thì nói lương cao, nhiều chế độ ưu đãi, nhưng bây giờ thì lương quá thấp chỉ dưới 2 triệu đồng/tháng thì làm sao đủ sống. Bỏ việc, tôi ở nhà làm việc khác thu nhập còn cao hơn”.

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) tỉnh Lai Châu, việc giá nông sản nói riêng và các mặt hàng nói chung tăng giảm là đương nhiên. Khi giá tăng thì lương của công nhân tăng, giá mặt hàng giảm thì lương cũng giảm là việc dễ hiểu. Lĩnh vực trồng cây cao su cũng không ngoại lệ trong quy luật chung đó và công nhân cũng phải chấp nhận rủi ro cùng doanh nghiệp. Giải pháp đưa ra từ các công ty cao su trên địa bàn là không tuyển thêm công nhân, không tăng diện tích trồng mới. Ông Hà Văn Um, Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Lai Châu cho rằng: Các công ty cao su phải ổn định lao động, trước kia đất đồi của người dân mỗi tháng sao cho thu nhập từ 2 - 3 triệu đồng/tháng, nhưng góp đất vào công ty và làm công nhân, có lương thì đời sống cũng được cải thiện phần nào. Nếu giá mủ giảm mà ta lại chặt bỏ cây cao su, cây khác cũng làm như vậy, thì sao bảo đảm lâu dài. Người dân phải kiên trì, không nên hoang mang…

Các công ty cao su ở các tỉnh khác cũng không ngoại lệ, tập đoàn cắt giảm kinh phí đầu tư nên buộc phải giảm khối lượng công việc, giảm lương của công nhân, dẫn đến tình trạng công nhân bỏ việc, người ở lại thì gặp khó khăn. Tại tỉnh Điện Biên, Công ty CP cao su Điện Biên cũng bị tập đoàn cắt giảm 30% kinh phí đầu tư, giải pháp đưa ra là giảm tiền lương của công nhân. Ông Phan Văn Lợi, Giám đốc Công ty CP cao su Điện Biên cho biết, hiện chỉ có số ít công nhân của công ty nghỉ việc do lương thấp, với tình hình thế này không biết thời gian tới sẽ như thế nào. “Lương giảm so với trước 30%, việc công nhân nghỉ việc là điều không tránh khỏi. Biết thế mà chúng tôi không thể nào làm khác được”, ông Lợi chia sẻ.
Bài và ảnh: Việt Hoàng
Trồng cao su - Từ chính sách  đến thực hiện
Trồng cao su - Từ chính sách đến thực hiện

Trong bối cảnh giá cao su đang xuống thấp như hiện nay, Tập đoàn công nghiệp cao su Việt Nam cần phải tìm chiến lược tổng thể để phát triển bền vững ngành cao su, tránh những thăng trầm về giá, ảnh hưởng lớn đến sản xuất cũng như trồng trọt trong nước. Phóng viên báo Tin Tức đã ghi lại một số ý kiến:

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN