Trồng cao su - Từ chính sách đến thực hiện

Trong bối cảnh giá cao su đang xuống thấp như hiện nay, Tập đoàn công nghiệp cao su Việt Nam cần phải tìm chiến lược tổng thể để phát triển bền vững ngành cao su, tránh những thăng trầm về giá, ảnh hưởng lớn đến sản xuất cũng như trồng trọt trong nước. Phóng viên báo Tin Tức đã ghi lại một số ý kiến:


Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Văn Ninh: Chính sách phải thực tiễn với người dân

Ngành cao su cần tận dụng lợi thế về đất đai và tìm ra sản phẩm thế mạnh để tập trung phát triển theo xu hướng tập trung vào chất lượng của ngành nông nghiệp cả nước. Tập đoàn VRG cần nâng cao năng suất, chất lượng bằng cách đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ, phát triển sản phẩm phải tính đến vấn đề thị trường và tình hình cung - cầu trên thế giới, liên kết với các ngành nghề khác để phát huy lợi thế. Ngoài ra, các chính sách của tập đoàn cần dựa trên thực tiễn, nhất là chính sách cho bà con vùng sâu xa, trồng cây cao su để thoát nghèo bền vững. Trước mắt cần nghiên cứu triển khai thí điểm với quy mô nhất định, không nên vội mở rộng, nhưng cũng phải gắn với thị trường tiêu thụ.

Việc phát triển ồ ạt cây cao su trên địa bàn Tây Bắc đang tiềm ẩn nỗi lo không có nơi tiêu thụ.

Tập đoàn VRG phải xác định xong giá trị doanh nghiệp trong quý III/2015 và hoàn thành cổ phần hóa 5 công ty theo kế hoạch trong năm nay. Đơn vị còn khó khăn, vướng mắc chưa thực hiện được phải báo cáo kịp thời với Chính phủ để có hướng giải quyết kịp thời.

Ông Lò Văn Muôn, Đại biểu Quốc hội tỉnh Điện Biên: Cao su có thực là cây xóa đói giảm nghèo?

Do giá mủ cao su xuống thấp nên những lô cao su ở Điện Biên đã đến kỳ thu hoạch đang tạm dừng lại chưa khai thác, tập trung chăm sóc để cây sinh trưởng và phát triển bình thường. Việc phát triển thêm diện tích mới trong điều kiện hiện nay Điện Biên đã thận trọng hơn, không phát triển ồ ạt. Cần đánh giá cây cao su có đúng thực sự là cây xóa đói giảm nghèo không? Ở những địa hình miền núi dốc, cao không phải lúc nào cũng trồng được cao su. Bởi hạn chế của cây cao su là không chịu được sương muối, giá rét, thân cây giòn dễ gẫy. Đã có nhiều nơi trong vùng Tây Bắc khi xuất hiện sương muối dẫn đến cây trồng chết hàng loạt, trong đó cao su cũng không ngoại lệ. Vậy các địa phương đã lường hết được những hậu quả này chưa?

Ông Lê Như Tuấn, Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Thanh Hóa: Người dân không mặn mà với cao su

Trước thực trạng giá mủ cao su rớt giá chỉ còn 23.000 - 25.000 đồng/kg mủ quy khô, bằng một nửa giá so với ba năm trước, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Thanh Hóa đã đề nghị UBND tỉnh tạm dừng trồng mới cây cao su năm 2015. Theo kế hoạch năm 2015 tỉnh Thanh Hóa sẽ trồng mới 800 ha cây cao su; trong đó, cao su tiểu điền 500 ha, cao su đại điền 300 ha. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện nay, chỉ có 1 ha cao su được trồng mới tại huyện Thọ Xuân.

Nguyên nhân người dân không trồng mới cây cao su là giá mủ trên thị trường thế giới và trong nước ở mức thấp. Hơn nữa, việc tiêu thụ sản phẩm mủ cao su khó khăn, người trồng cao su không có lãi. Việc trồng mới cao su cần nguồn vốn lớn và phải mất 7 -10 năm mới cho thu hoạch, nên người dân không còn mặn mà với cây cao su. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Thanh Hóa đề nghị UBND tỉnh tạm dừng trồng mới mà tập trung chỉ đạo duy trì, chăm sóc diện tích cao su hiện có. UBND tỉnh yêu cầu các sở, ngành, huyện có liên quan rà soát, đánh giá cụ thể kết quả trồng cao su trên địa bàn để báo cáo UBND tỉnh.

Ông Mùi Văn Dính, Bí thư chi bộ bản Nà An, xã Xuân Nha, huyện Vân Hồ (Sơn La): Tái nghèo từ khi trồng cao su

Trước đây kinh tế của người dân trong bản Nà An, xã Xuân Nha, huyện Vân Hồ, tỉnh Sơn La tương đối ổn định, quỹ đất của người dân ngoài việc phát triển cây ngô, cây sắn làm cây trồng chủ lực thì người dân còn trồng cỏ voi để lấy thức ăn chăn nuôi các loại gia súc.

Từ năm 2011, khi triển khai trồng cây cao su, cuộc sống của người dân bắt đầu gặp nhiều khó khăn, những năm đầu tiên khi cây cao su chưa khép tán, người dân có thể trồng xen kẽ các loại cây trồng ngắn ngày, nhưng từ khi cây cao su khép tán, người dân không có nguồn thu nhập phụ trong khi việc làm trong công ty cao su bị hạn chế, khiến cuộc sống của người dân rất khó khăn. Cả bản Nà An có 102 hộ với 450 nhân khẩu, các hộ dân trong bản đã tham gia góp hơn 500 ha đất nông nghiệp để trồng cao su. Hai năm trở lại đây, việc làm của người dân làm việc trong công ty cao su ngày càng ít, trong bản xuất hiện nhiều hộ nghèo và hiện nay đã lên tới 46 hộ, trong khi trước kia bản chỉ có 30 hộ nghèo.

Ông Nguyễn Đức Cương, Giám đốc Tổ chức phát triển quỹ đất huyện Điện Biên (Điện Biên): Nhà máy sơ chế mủ nằm… trên giấy

Theo dự kiến, nhà máy chế biến mủ cao su tại bản Huổi Chan 1, xã Mường Pồn, huyện Điện Biên sẽ vận hành từ năm 2016, công suất giai đoạn 1 là 3.000 tấn/năm. Nhưng đến thời điểm này, nhà máy chế biến mủ vẫn chỉ nằm trên giấy. Nguyên nhân là do từ 1/7/2014, Điện Biên vẫn tính giá đất theo Luật Đất đai năm 2003 nên việc giải phóng mặt bằng mới có giá 4 tỷ đồng. Còn từ thời điểm đó đến nay, chúng ta bắt đầu thực hiện theo Luật Đất đai 2013 giá đất đã có nhiều thay đổi.

Ngày 19/10/2015 huyện Điện Biên mới nhận được Quyết định số 1205/QĐ-UBND của UBND tỉnh Điện Biên về việc “Phê duyệt giá đất cụ thể để tính bồi thường khi Nhà nước thu hồi đất thực hiện dự án đầu tư xây dựng nhà máy sơ chế mủ cao su tại bản Huổi Chan 1, xã Mường Pồn, huyện Điện Biên”. Bởi vậy, con số 13,7 tỷ đồng là do Tổ chức phát triển quỹ đất huyện Điện Biên khái toán. Tuy nhiên, mức giá đền bù giải phóng mặt bằng để xây dựng nhà máy sẽ bằng hoặc cao hơn con số 13,7 tỷ đồng nêu trên.

Ông Lê Tiến Tình, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần cao su Lai Châu: 260 công nhân người dân tộc nghỉ việc

Trung tuần tháng 6 năm 2016, tỉnh Lai Châu và Tập đoàn Công nghiệp cao su Việt Nam sẽ phối hợp tổ chức lễ mở miệng, khai thác hơn 200 ha cây cao su ở khu vực vùng thấp huyện biên giới Sìn Hồ.

Công ty cổ phần Cao su Lai Châu đang tích cực chuẩn bị cho việc khai thác này từ hai năm qua, đào tạo được 400 công nhân cạo mủ. Hiện nay, Công ty vẫn đang tiếp tục đào tạo. Khi bước vào chính thức cạo mủ, năm 2016, Công ty sẽ tiến hành tập huấn lại một lần nữa để đảm bảo tốt cho tay nghề đưa vào cạo mủ... Việc xây dựng nhà máy chế biến cao su tại vùng thấp Sìn Hồ, đến nay, Công ty đang tiến hành ở bước khảo sát, lập dự án xây dựng nhà máy. Năm 2016 sẽ triển khai xây dựng.

Hiện nay, Lai Châu có diện tích cao su lớn nhất so với các tỉnh miền núi phía Bắc với khoảng 13.000 ha. Riêng Công ty cổ phần Cao su Lai Châu quản lý, chăm sóc gần 50% diện tích cao su toàn tỉnh Lai Châu.

Song, từ đầu năm đến nay có gần 260 công nhân của công ty, chủ yếu là người dân địa phương, bà con dân tộc thiểu số nghỉ việc; trong đó 170 công nhân viết đơn xin nghỉ việc, số còn lại công ty buộc thôi việc do công nhân không tuân thủ quy chế lao động. Nguyên nhân một phần do Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam cắt giảm suất đầu tư ở các vùng miền. Hơn nữa ở các vườn cao su, những năm đầu khối lượng công việc nhiều, còn gần đây khối lượng công việc giảm, nên thu nhập của công nhân cũng giảm. Bên cạnh đó, nhận thức của công nhân chưa đúng, dẫn đến bỏ việc "dây chuyền".
Viết Tôn - Xuân Tư (thực hiện)
Lương thấp, công nhân cao su bỏ việc
Lương thấp, công nhân cao su bỏ việc

Mủ cao su rớt giá, Tập đoàn Cao su Việt Nam cắt giảm 30% đầu tư cho các công ty, kéo theo lương của công nhân và tiền khoán việc cho lao động thời vụ giảm sút mạnh, khiến đời sống của người trồng cây cao su ở Tây Bắc gặp rất nhiều khó khăn. Hàng loạt công nhân cao su bỏ việc, số còn lại cố “cầm cự” mong lương sẽ tăng lên, xứng đáng với công sức bỏ ra.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN