Ông Lê Văn Minh, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Lâm Đồng:
“Trẻ hóa” ở vùng chuyên canh cà phê
Trên địa bàn Lâm Đồng có 155.239 ha cà phê; trong đó, có trên 60.000 ha cà phê già cỗi từ 20 năm tuổi trở lên. Từ năm 2013 đến nay, các nông hộ sản xuất kinh doanh cà phê tỉnh Lâm Đồng đã triển khai hai phương thức làm “trẻ hóa” lại vườn cà phê khác nhiều địa phương khác bằng cách trồng tái canh hoặc ghép cải tạo.
Đối với vườn cà phê già cỗi hết chu kỳ kinh doanh, các nông hộ áp dụng biện pháp trồng tái canh theo kiểu cuốn chiếu, cày bỏ toàn bộ lô cà phê già cỗi sau khi thu hoạch lần cuối, tiến hành phơi đất, đào hố, xử lý nấm, tuyến trùng, bón phân và trồng ngay trong đầu mùa mưa (không cần luân canh mà thực hiện xen canh với cây trồng khác trong năm đầu tiên đã tiết kiệm được thời gian đến 2 năm chờ luân canh đất theo quy trình tái canh của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn). Nhiều vườn cây cà phê đã bắt đầu bước sang năm thứ 3, thứ 4, cây sinh trưởng phát triển tốt, cho thu hoạch ổn định.
Sau hơn 4 năm triển khai thực hiện kế hoạch tái canh, ghép cải tạo cà phê trên địa bàn, tỉnh đã làm trẻ hoá lại trên 43.625 ha cà phê già cỗi hết chu kỳ kinh doanh, năng suất kém trước đây, góp phần đưa năng suất cà phê của tỉnh từ 26 tạ cà phê nhân/ha năm 2012 tăng lên 29,6 tạ cà phê nhân/ha năm 2016, đạt sản lượng 365.923 tấn năm 2012 tăng lên 429.353 tấn cà phê nhân năm 2016, với mức tăng bình quân sản lượng 3,56%/năm.
Nhiều mô hình chuyển đổi giống cà phê đạt hiệu quả cao, năng suất vượt trội đạt từ 7 - 8 tấn cà phê nhân/ha. Riêng huyện Di Linh, Bảo Lâm có trên 10.000 ha được “trẻ hóa” ở vùng chuyên canh cho năng suất từ 4 tấn cà phê nhân/ha trở lên. Các nông hộ tham gia kế hoạch tái canh cà phê được tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật và tuyên truyền về các chính sách hỗ trợ, lợi ích của công tác tái canh cà phê.
Nhiều vườn cà phê già cỗi được người nông dân trồng tái canh bằng các giống cà phê mới chất lượng tại xã Ea Na, huyện Krông Ana, Đắk Lắk. |
Ông Lê Trọng Yên, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Đắk Nông:Gỡ các “nút thắt” về quy hoạch
Để đẩy mạnh chương trình tái canh cà phê, trong những năm tiếp theo, cùng với việc đẩy mạnh công tác tuyên truyền, tỉnh Đắk Nông đang tập trung gỡ các “nút thắt” về quy hoạch, chất lượng cây giống, nguồn vốn. Theo đó, ngành nông nghiệp đang cùng các ngành, địa phương tổ chức rà soát, điều chỉnh quy hoạch chi tiết phát triển cà phê bền vững. Tập trung nghiên cứu để sớm sửa đổi quy trình tái canh cà phê cho phù hợp với quy mô nông hộ và điều kiện thực tế của từng địa phương; ban hành quy trình tái canh cà phê theo phương pháp ghép cải tạo.
Mặc dù vậy, hiện Đắk Nông còn tồn tại nhiều diện tích cà phê cần được tái canh đều nằm ở xa, ngoài vùng quy hoạch, hoặc chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nên khó khăn cho việc thẩm định, giải ngân nguồn vốn. Hơn nữa, người dân cũng chưa mặn mà với nguồn vốn tái canh từ ngân hàng, bởi lãi suất cho vay tái canh chưa có nhiều ưu đãi, trong khi đó thủ tục vay vốn lại rất rườm rà. Nhiều hộ dân muốn nhận tiền vay tái canh một lần (mức 150 triệu đồng/ha trồng tái canh; mức 80 triệu đồng/ha ghép cải tạo) trong khi đó theo quy định bắt buộc phải giải ngân theo lộ trình hàng năm...
Ông Cà Đức Hom, Chủ tịch xã Phi Tô, huyện Lâm Hà (Lâm Đồng):
Nhờ vốn vay, nhiều hộ dân phấn khởi tái canh cà phê
Phi Tô là địa phương có đông đồng bào dân tộc thiểu số. Những năm qua đồng bào ở đây được Nhà nước hỗ trợ mua giống mới cà phê từ cây giống đến chồi ghép, được hướng dẫn kỹ thuật trồng tái canh đến ghép chồi nên ai ai cũng hồ hởi thực hiện làm trẻ hóa lại vườn cây của gia đình mình để làm giàu chính đáng.
Chỉ tính riêng thôn Quảng Bằng, xã Phi Tô đã có 95% diện tích cà phê được đồng bào tái canh bằng biện pháp ghép chồi và đã cho thu hoạch, nhiều gia đình mỗi năm đã có thu nhập hàng trăm triệu đồng. Ví như hộ gia đình ông Nhan Văn Tiến, Trưởng thôn Quảng Bằng được vay vốn hỗ trợ của Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn 300 triệu đồng đầu tư trồng tái canh và ghép cải tạo vườn cà phê. Chỉ sau 3 năm, vườn cà phê 3 ha của gia đình đã cho thu hoạch 18 tấn cà phê nhân, với giá cà phê như hiện nay cũng thu trên 700 triệu đồng, dư trả cả gốc lẫn lãi cho ngân hàng...
Đồng thời, các nông hộ còn được tiếp cận với nguồn giống cà phê có năng suất chất lượng cao, năng suất ổn định, kháng sâu bệnh hại. Công tác tái canh, ghép cải tạo cà phê còn góp phần nâng cao đời sống của đại bộ phận dân cư trên địa bàn, nhất là góp phần lớn trong xoá đói, giảm nghèo cho các nông hộ ở những địa bàn vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, tạo bước chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn, thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới càng thêm hiệu quả.
Ông Nguyễn Tuấn Khải, Chi cục trưởng Chi cục trồng trọt và Bảo vệ thực vật (Sở NN&PTNT Đắk Nông):
Công nhận 5 vườn ươm giống đạt chuẩn VnSat phục vụ tái canh cây cà phê
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Đắk Nông đã cấp giấy chứng nhận cho 5 vườn ươm đạt chuẩn tham gia Dự án VnSAT (Dự án chuyển đổi nông nghiệp bền vững tại Việt Nam do Ngân hàng Thế giới tài trợ) nhằm cung cấp cây giống có chất lượng cho việc tái canh cây cà phê trên địa bàn tỉnh.
Theo đó, 3 vườn ươm ở xã Đức Minh (huyện Đắk Mil), 1 vườn ở phường Nghĩa Phú (thị xã Gia Nghĩa) và 1 vườn ươm ở thị trấn Kiến Đức (huyện Đắk R’Lấp). Tổng diện tích 5 vườn ươm khoảng 1,9 ha, cung cấp gần 1 triệu cây giống thực sinh và cây chồi ghép, đáp ứng nhu cầu tái canh khoảng 800 ha cà phê. Đây là những vườn ươm cây giống đáp ứng các tiêu chí theo Thông tư số 18/2012/TT - BNNPTNT của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quy định về quản lý sản xuất, kinh doanh giống cây công nghiệp và cây ăn quả lâu năm.
Việc công nhận và cấp giấy chứng nhận cho vườn ươm đạt chuẩn sẽ tạo điều kiện đối với các nông hộ sản xuất cà phê có nhu cầu tái canh tìm được nguồn cây giống chất lượng, không sâu bệnh, tiết kiệm chi phí vận chuyển khi bước vào vụ xuống giống đầu mùa mưa. Đây là một trong các hoạt động hỗ trợ nông dân trồng cà phê ở Đắk Nông thực hiện tái canh và sản xuất cà phê bền vững từ nguồn vốn hỗ trợ của Ngân hàng Thế giới.