Kon Tum loay hoay vốn tái canh cà phê

Tỉnh Kon Tum có hơn 2.500 ha cà phê cần tái canh để nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, thu nhập và góp phần phát triển mạnh, bền vững cây cà phê trên địa bàn. Tuy nhiên sau nhiều năm triển khai, đến nay công cuộc tái canh cho cây cà phê ở Kon Tum vẫn mịt mờ.

Chậm triển khai

Huyện Đăk Hà là vùng trọng điểm trồng và tái canh cà phê của toàn tỉnh Kon Tum. Ngay khi chủ trương trên được triển khai thì huyện cũng đã thành lập Ban chỉ đạo riêng của cấp huyện để triển khai thực hiện. Theo đó, sau khi rà soát thì trong 5 năm tới toàn huyện Đăk Hà sẽ có 645 ha phải tái canh, trong đó phần lớn là các Công ty thuộc Tổng Công ty cà phê Việt Nam. Tuy nhiên đến nay các doanh nghiệp Nhà nước trên vẫn “mù” thông tin.

Ông Nguyễn Văn Bể và vườn cà phê cần tái canh của công ty.


Công ty TNHH MTV cà phê 704 sẽ có 150 ha cà phê trên 30 năm tuổi phải tái canh nhưng đến nay doanh nghiệp vẫn lúng túng khi triển khai. Theo ông Nguyễn Văn Bể-Giám đốc Công ty thừa nhận hiện tại công ty đang loay hoay không biết triển khai ra sao vì 1 ha cà phê tái canh có giá 209 triệu đồng nhưng giá này xây dựng từ năm 2014, nếu đến 2020 triển khai những diện tích còn lại là sẽ không phù hợp (vì trượt giá, giá nhân công…). Ngoài ra, định mức cho vay, lãi suất vay, thời gian vay từ các ngân hàng hiện công ty cũng không rõ.


Còn anh Vũ Văn Tú, công nhân nhận khoán 0,9 ha cà phê của Công ty 704 cũng lo lắng không kém khi diện tích nhà anh thuộc diện tái canh. Nếu tái canh anh sẽ mất nguồn thu trong khi năng suất vườn cây vẫn còn cao trên 15 tấn. “Hiện tôi vẫn đang nghe ngóng tình hình, Nhà nước cho vay bao nhiêu, thời gian và lãi suất vay thế nào?” anh Tú khẳng định. Còn theo ông Nguyễn Thành Trung - Chủ tịch UBND huyện Đăk Hà: Hiện vốn, kỹ thuật, giống trong quá trình triển khai vẫn chưa thống nhất nên mọi người còn băn khoăn. Nếu tái canh thì dân mất thu nhập. Hiện mọi việc vẫn còn lình khình.

Ngoài ra, năm 2013 Tổng Giám đốc Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Việt Nam đã chỉ đạo ngân hàng nông nghiệp tại Kon Tum triển khai chương trình tín dụng hỗ trợ cho vay tái canh cây cà phê. Tuy nhiên, đến nay doanh nghiệp và người dẫn vẫn chưa tiếp cận được chương trình này. Chưa một đồng vốn nào của chương trình trên được giải ngân.

Trước thực trạng trên, ông Nguyễn Hữu Hải - Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Kon Tum cho biết: Tỉnh chủ trương thống nhất ủng hộ việc tái canh cây cà phê. Hiện nay lúng túng là vấn đề vốn vay. Hộ nhận khoán muốn vay thì không biết vay ở đâu vì liên quan đến công ty. Công ty thì bảo cái này của tập đoàn. Tập đoàn chưa có ý kiến.

Được biết, trong tháng 4, UBND tỉnh Kon Tum đã có Công văn số 819/UBND-KTN gửi Tổng Công ty cà phê Việt Nam đề nghị xem xét, quan tâm tạo điều kiện để thực hiện việc tái canh cà phê đã già cỗi, năng suất thấp nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động, năng suất của các công ty cà phê… Tuy nhiên đến nay sau gần 1 tháng Tổng Công ty vẫn chưa phản hồi lại với UBND tỉnh Kon Tum.

Lo hậu… tái canh

Hiện đa số hộ nhận khoán lo sợ nếu tái canh thì sẽ mất thu nhập, trong khi cà phê là nguồn thu nhập chính của người dân. Ngoài ra, suốt quá trình tái canh hộ nhận khoán sẽ lấy cà phê đâu để đóng sản cho công ty. Bình quân mỗi ha tham gia tái canh thì chậm nhất là sau 5 năm mới cho thu hoạch. Đây là quãng thời gian dài khiến người lao động lo lắng.

Bên cạnh đó, theo tính toán thì mỗi ha tham gia tái canh thì doanh nghiệp mất trắng hơn 15 tấn cà tươi phải nộp sản của hộ nhận khoán (bình quân mỗi năm nộp hơn 3 tấn/ha). Doanh nghiệp thất thu nhưng vẫn phải trả tiền thuê đất. Theo ông Nguyễn Văn Bể thì trong 5 năm chờ tái canh, số tiền vốn doanh nghiệp cũng chỉ đủ đóng bảo hiểm cho người lao động. “Trong thời gian thực hiện tái canh (chưa có nguồn thu) thì đề nghị Nhà nước xem xét miễn giảm tiền thuê đất đối với diện tích đang tái canh. Ngoài ra, cần phải xem lại cách tính đơn giá đầu tư mỗi ha (là 209 triệu đồng). Ông Lê Đình Thưởng - Chủ tịch Công đoàn Công ty 704 cho biết thêm: Sau tái canh nếu khoán thu qua cà phê của dân không khả thi, dân không chịu. Hiện khoán hơn 3 tấn/ha, nếu tái canh thu khoán qua cà phê, buộc doanh nghiệp phải tăng sản lượng thu lên 15-17 tấn/ha mới mong sớm hoàn vốn trả cho ngân hàng thì chắc chắn dân không chịu.

Liên quan đến vấn đề tái canh cây cà phê, UBND tỉnh Kon Tum đã giao cho Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh chịu trách nhiệm chính. Tuy nhiên, quá trình triển khai tái canh cây cà phê của hộ dân lại không đạt kết quả mong muốn. Cụ thể, năm 2011-2013 Sở đã tiếp nhận và phân bổ 580 kg hạt giống cà phê vối lai đa dòng và 10.000 cây giống do Hiệp hội Cà phê Ca cao Việt Nam hỗ trợ để cấp cho các hộ dân tái canh cây cà phê… nhưng kết quả nguồn giống gieo ươm đạt tỷ lệ sống chỉ hơn 15%, riêng huyện Kon Rẫy gieo ươm chết 100%. Bên cạnh đó, nguồn giống khi tiếp nhận hỗ trợ muộn với thời vụ trồng.

“Tái canh sẽ mất thời gian, thu nhập trong khi tình hình kinh tế hiện cũng khó khăn nên các doanh nghiệp cà phê chưa mạnh dạn làm, người dân cũng chưa có nhu cầu” ông Trần Ngọc Ân-Giám đốc Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Kon Tum, đơn vị chủ lực trong chương trình cho vay tái canh cây cà phê khẳng định.

Làm có lộ trình

“Vấn đề tái canh hay không thì xem xét về mặt năng suất, chất lượng và hiệu quả. Nếu vườn cây còn hiệu quả, người dân chưa vội tái canh thì không bắt người ta tái canh vì đó là quyền của người dân. Việc tái canh phải làm theo lộ trình, từng bước, không làm ồ ạt, không phát động như phong trào vì còn liên quan đến vấn đề giống, phân bón, vốn… Phải làm đến đâu chắc đến đó bởi vì tiền của dân, tỉnh không thể muốn chỉ đạo kiểu nào chỉ đạo. Không tái canh bằng mọi giá”, ông Nguyễn Hữu Hải khẳng định.

Theo lộ trình tái canh thì từ năm 2014-2020 tỉnh Kon Tum mỗi năm sẽ tái canh từ 300-400 ha cà phê. Trong đó 2 năm 2014-2015 toàn tỉnh Kon Tum sẽ có hơn 750 ha được tái canh… Lộ trình là vậy nhưng thực tế việc tái canh cà phê trên địa bàn tỉnh Kon Tum vẫn triển khai chậm. Đến nay, toàn tỉnh Kon Tum mới tái canh được gần 460 ha, trong đó diện tích tái canh theo quy trình của Bộ Nông nghiệp (áp dụng từ 2014) thì mới đạt 25ha/750 ha theo lộ trình, còn lại là dân tái canh phân tán, thay thế dần cây kém hiệu quả trên diện tích đang kinh doanh của mình. Trong khi đó, sau khi bị dư luận lên tiếng vì chậm tái canh thì ông Nguyễn Văn Bể cho biết công ty từ năm sau sẽ thực hiện tái canh. Theo lộ trình để phấn đấu đến năm 2020 sẽ hoàn thành việc tái canh 150 ha của đơn vị.

Ông Trần Ngọc Ân-Giám đốc Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Kon Tum khẳng định: ngân hàng sẵn sàng cho vay nếu doanh nghiệp, người dân xây dựng phương án tái cơ cấu, ngân hàng thẩm định được. Theo đó, Ngân hàng sẽ cho vay tối đa 85% suất đầu tư. Sau khi vườn cây có thu hoạch sẽ thu hồi vốn dần (bắt đầu từ năm thứ 4). Lãi suất cho vay sẽ thấp hơn lãi suất hiện nay từ 2-2,5% (hiện 7% theo Nghị định 41). Thời hạn vay vốn phù hợp với nhu cầu và khả năng trả nợ của khách hàng nhưng tối đa không quá 7 năm (84 tháng).

Mong muốn về một vườn cây cà phê phát triển bền vững, năng suất, chất lượng và hiệu quả cao là chủ trương đúng. Tiếc rằng đến nay công cuộc tái canh cây cà phê ở Kon Tum vẫn loay hoay tìm lối.

Bài và ảnh: Cao Nguyên
Dốc sức chống hạn cho cây cà phê
Dốc sức chống hạn cho cây cà phê

Mùa khô hạn năm 2015 đang vào đợt cao điểm. Đây cũng là lúc người dân tại nhiều vùng trồng cà phê trọng điểm tại tỉnh Lâm Đồng dốc sức chống hạn cho loại cây trồng chủ lực này.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN