Tái canh diện tích cà phê già cỗi

Trong vài năm trở lại đây, với kim ngạch xuất khẩu mỗi năm đạt từ 2 tỷ USD trở lên, cà phê trở thành mặt hàng có giá trị xuất khẩu đứng thứ hai trong nước, chỉ sau lúa gạo (đối với các mặt hàng nông sản). Trên 90% diện tích cà phê của Việt Nam tập trung ở Tây Nguyên đã góp phần phát triển kinh tế, xã hội, ổn định an ninh trật tự cho khu vực này.

Diện tích cà phê già cỗi tăng nhanh

Theo Hiệp hội Cà phê Ca cao Việt Nam, hiện nay, diện tích phê già cỗi từ 20 - 25 năm tuổi trong cả nước có khoảng 86.000 ha, chiếm 17,3% trong tổng diện tích. Có khoảng 40.000 ha cà phê dưới 20 năm tuổi nhưng có biểu hiện già cỗi, sinh trưởng kém, ít cành thứ cấp, nhiều cành không cho quả, năng suất, chất lượng quả thấp. Như vậy, tổng diện tích cà phê già cỗi cần trồng thay thế và chuyển đổi trong 5 - 10 năm là từ 140.000 - 160.000 ha, tập trung chủ yếu ở các tỉnh Tây Nguyên.

Ông Trần Xuân Vịnh thôn Tân Lập B, xã Đăk Hring, huyện Đăk Hà (Kon Tum) bên vườn cà phê chuẩn bị cho thu hoạch của gia đình. Ảnh: Cao Nguyên - TTXVN



Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo cho ngành cà phê được tái canh đối với vườn cà phê già cỗi có từ 20 - 25 năm tuổi, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) cũng đã cam kết cung cấp vốn vay 12.000 tỷ đồng với lãi suất ưu đãi, đồng thời, khuyến khích các doanh nghiệp sau 3 năm tái canh trả được lãi vay thì vốn được vay vẫn được tiếp tục mà chưa phải trả. Bộ NN&PTNT đã có Quyết định 1987 về quy hoạch phát triển cà phê Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 và các quyết định ban hành về định mức kinh tế kỹ thuật cho tái canh cà phê, Quy trình tái canh cà phê.

Thực tế, từ năm 2010 trở lại đây đã có nhiều mô hình tái canh cà phê rất thành công. Cụ thể, tỉnh Đắk Lắk từ năm 2012 đến nay, các nông hộ, các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh cà phê đã trồng tái canh thành công trên 6.287 ha, một số doanh nghiệp thuộc Tổng Công ty Cà phê Việt Nam như Công ty cà phê 706 tái canh thành công 180 ha, Công ty cà phê Ia Grai (Gia Lai) tái canh hiệu quả 120 ha cà phê già cỗi hết chu kỳ kinh doanh…

Tuy nhiên, diện tích cà phê già cỗi hết chu kỳ kinh doanh, hiệu quả kinh tế thấp ngày càng tăng nhưng thực tế các nông hộ vẫn chưa hăng hái, nhiệt tình tham gia phá bỏ các vườn cà phê hết chu kỳ kinh doanh để trồng tái canh lại theo đúng quy trình tái canh mà Bộ NN&PTNT đã ban hành.

Những khó khăn cần tháo gỡ

Chi phí tái canh cà phê khá lớn, bình quân 150 triệu đồng/ha, trong khi đó lại mất tiếp nguồn thu nhập từ 5 - 6 năm, do vậy, các nông hộ buộc phải “gắn bó” với vườn cà phê già cỗi mà chưa muốn phá bỏ vườn cà phê già cỗi hết chu kỳ kinh doanh, năng suất thấp. Vì theo Quy trình tái canh cà phê vối của Bộ NN&PTNT sau khi chặt bỏ cây cà phê già cỗi phải cải tạo đất (trồng các loại cây ngắn ngày khác) ít nhất 2 năm và sau khi trồng 3 năm cây cà phê mới bắt đầu cho thu hoạch.

Việc tái canh cà phê cần vốn đầu tư lớn nhưng tài sản trên đất của nông dân (nhà cửa, vườn cây cà phê) chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu, dẫn đến việc xác định giá trị tài sản bảo đảm và thực hiện hợp đồng thế chấp rất khó khăn. Giá chuyển nhượng vườn cà phê thực tế rất cao nhưng khi xác định giá để thế chấp thì chỉ được tính theo giá đất nông nghiệp do UBND tỉnh công bố hàng năm, lãi suất cho vay còn cao. Hiện nay, duy nhất tỉnh Đắk Lắk công bố quy hoạch tái canh cà phê, còn lại các tỉnh khác chưa có quy hoạch nên Ngân hàng NN&PTNT chưa có căn cứ để xây dựng phương án cho vay tái canh cà phê.

Trong những năm qua, ngành cà phê Việt Nam đã có những bước phát triển rất nhanh về diện tích và sản lượng. Năm 1980, cả nước chỉ có 22,5 ngàn ha, năng suất bình quân 0,78 tấn cà phê nhân/ha, với sản lượng 8,4 ngàn tấn cà phê nhân thì đến nay cả nước đã có trên 622.168 ha, trong đó diện tích cà phê kinh doanh cho thu hoạch sản phẩm có 574.314 ha, với năng suất đạt bình quân 23,5 tạ nhân/ha và sản lượng đạt trên 1,4 triệu tấn.

Việc tái canh cà phê và xây dựng phương án vay vốn để tái canh cà phê phải do người dân chủ động tính toán xây dựng phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh của từng hộ gia đình và theo mùa vụ (bắt đầu khi mùa mưa, kết thúc trước khi mùa khô bắt đầu từ 1 - 2 tháng) từ giữa tháng 5 đến tháng 8 hàng năm, mùa vụ tái canh thực hiện trong thời gian rất ngắn. Trong khi đó, nhiều hộ trồng cà phê (nhất là vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa) không có khả năng tài chính, không có hoặc không đủ vốn tự có tham gia vào dự án theo quy định hoặc không đáp ứng đủ các điều kiện vay vốn… nên tiến độ chậm, ì ạch, cũng như người dân không nhiệt tình tham gia vào việc tái canh cà phê…

Các địa phương, các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh cà phê kiến nghị lãi suất cho vay ưu đãi đầu tư chăm sóc, cho vay tái canh cà phê giảm xuống khoảng từ 4 - 5%/năm, cho phép ân hạn trả lãi 3 năm đầu khi chưa thu hoạch, lãi nhập gốc, cho phép vay vốn từ lúc cải tạo đất 2 năm để trồng mới, thời hạn cho vay tối thiểu 8 năm. Ngân hàng cùng Bộ NN&PTNT có biện pháp giải ngân sớm để người trồng cà phê tin tưởng phá bỏ những vườn trồng cà phê già cỗi không hiệu quả, thực hiện nghiêm túc Quy trình tái canh cà phê bằng các giống mới mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Viện Khoa học kỹ thuật nông lâm nghiệp Tây Nguyên tập trung nghiên cứu giải pháp diệt tuyến trùng, nấm, hỗ trợ, giúp đỡ, chuyển giao kỹ thuật chăm bón phòng trừ dịch bệnh để đảm bảo người trồng cà phê an tâm với vườn cà phê mới trồng tái canh. Bên cạnh đó, kết hợp với các Sở NN&PTNT thường xuyên tổ chức hội thảo đầu bờ, chuyển giao kỹ thuật, công nghệ và để người trồng cà phê học tập kinh nghiệm lẫn nhau sớm rút ra các phương pháp trồng, chăm sóc cho cây cà phê tốt nhất. Các tỉnh, nhất là các địa phương vùng Tây Nguyên tích cực tuyên truyền, vận động để đồng bào nhận thấy cà phê già cỗi hết chu kỳ kinh doanh từ 25 năm tuổi trở lên là không hiệu quả cần phải trồng tái canh nhằm góp phần phát triển bền vững ngành cà phê Việt Nam.

Huy Quang

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN