Mùa khô hạn năm 2015 đang vào đợt cao điểm. Đây cũng là lúc người dân tại nhiều vùng trồng cà phê trọng điểm tại tỉnh Lâm Đồng dốc sức chống hạn cho loại cây trồng chủ lực này.
Tận dụng mọi nguồn nước Vừa kết thúc kỳ nghỉ dài đầu năm, nhiều hộ dân trên địa bàn huyện Di Linh - vùng trồng cà phê lớn nhất Lâm Đồng, bắt đầu ra quân chống hạn, tưới nước đợt hai cho cây cà phê. Tại một số địa bàn chịu khô hạn nặng, nguy cơ thiếu hụt nguồn nước cao như xã Gia Bắc, Sơn Điền, Tam Bố, Tân Nghĩa… các hộ dân tranh thủ ngày đêm để bơm nước tưới cây.
Cạnh vườn cà phê 7 sào (7.000 m2) của gia đình tại thôn Đồng Đò, xã Tân Nghĩa, ông K’Sim dựng một lều tạm để trực chiến bơm nước tưới cây. Dù diện tích vườn cà phê của ông không bằng các vườn khác nhưng để hoàn tất một đợt tưới cũng mất đến hai, ba ngày. “Tôi dẫn đường ống xuống tận ruộng nhưng nước vẫn không đủ, cứ tưới được hai tiếng đồng hồ lại phải ngừng năm tiếng chờ đợi mới có nước tưới tiếp”, ông K’Sim cho hay.
Tỉnh Đắk Lắktích cực chỉ đạo lực lượng công an xã, dân phòng, phối hợp với quần chúng nhân dân các địa phương triển khai nhiều biện pháp để đảm bảo an ninh trật tự, phòng, chống nạn trộm cắp cà phê tại các thôn, buôn đang trong vụ thu hoạch. Ảnh: Dương Giang - TTXVN
|
Theo thống kê của Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Di Linh, toàn huyện có gần 42.000 ha cà phê nhưng chỉ có 48 công trình thủy lợi bao gồm các hồ chứa và đập dâng. Hệ thống thủy lợi này có khả năng đảm bảo nước tưới cho gần 7.000 ha cây trồng các loại. Trước thực tế trên, những năm qua người dân Di Linh đã chủ động đào 4.000 ao hồ tích nước, hơn 900 giếng khoan để tận dụng nguồn nước ngầm cung cấp cho cây cà phê và một số loại cây trồng khác.
Theo thống kê, toàn huyện Bảo Lâm có 21 công trình thủy lợi các loại với công suất thiết kế đảm bảo tưới tiêu cho khoảng 30 đến 35% diện tích đất nông nghiệp của huyện, số còn lại người dân phải tận dụng nguồn nước ao, hồ và sông suối. |
Trong thời điểm tưới nước đợt một cho cây cà phê (dịp trước Tết Nguyên đán Ất Mùi), toàn huyện đã tưới được khoảng 86%, số còn lại không có nước tưới do nằm xa nguồn nước, địa hình núi cao. Dự kiến, trong đợt tưới thứ hai này nguồn nước chỉ đáp ứng được khoảng 66% diện tích cà phê toàn huyện.
Ông Trần Nhật Thi, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Di Linh, cho biết: Để đối phó với tình hình khô hạn có thể kéo dài trong thời gian tới, huyện đã chuẩn bị các phương án cụ thể hỗ trợ nông dân như điều tiết lại lịch xả nước của hồ, đập, vận động nhân dân nối nhiều máy bơm để tưới chống hạn cho cà phê ở vùng diện tích xa nguồn nước. Đồng thời, huyện cũng phối hợp với ngành điện nâng cấp mạng lưới điện tại một số vùng có nhiều giếng khoan nhằm đảm bảo đủ điện cung cấp cho người dân bơm nước chống hạn.
Đến thời điểm này tình hình khô hạn trên địa bàn huyện Bảo Lâm bắt đầu có diễn biến gay gắt. Theo khảo sát của Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Bảo Lâm cho thấy, trên địa bàn hiện có khoảng 70 - 80 vị trí bị thiếu nước cục bộ. Đến nay, mực nước tại các ao hồ, công trình thủy lợi trong huyện cũng đang dần hạ thấp.
Theo ông Đậu Văn Xuân, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Bảo Lâm, toàn huyện có 45.000 ha đất nông nghiệp, chủ yếu trồng cà phê và cây chè. Mùa khô năm trước có khoảng 75% diện tích chủ động được nước tưới, diện tích còn lại chịu cảnh khô hạn khiến cây cà phê giảm sản lượng gần một nửa, cây chè bị thất thu nhiều tháng liền.
Khô hạn sẽ còn gay gắt hơn Toàn tỉnh Lâm Đồng hiện có 152.000 ha cà phê các loại. Trong đó, diện tích tập trung chủ yếu tại các huyện Di Linh, Lâm Hà, Bảo Lâm, Đức Trọng, Đam Rông và thành phố Bảo Lộc. Đa phần các địa phương trên nằm trong danh sách dự báo có khả năng xảy ra hạn hán cao trong thời gian tới. Đặc biệt, như địa bàn các xã Đan Phượng, Phi Tô huyện Lâm Hà; xã Ninh Loan, Đà Loan, Đa Quyn… huyện Đức Trọng sẽ chịu khô hạn gay gắt bởi nhiều hồ chứa ở các vùng này hiện nay đã cạn kiện.
Người dân thôn Đồng Đò, xã Tân Nghĩa, Di Linh (Lâm Đồng) tưới nước chống hạn cho cây cà phê. |
Theo ghi nhận của Chi cục Thủy lợi tỉnh Lâm Đồng mới đây, mực nước trung bình của các hồ chứa trên địa bàn hiện nay đang thấp hơn cùng kỳ các năm khoảng 25 cm. Tại các địa phương, nhiều hồ chứa vừa và nhỏ mực nước đều xuống thấp, một số hồ đã xuống dưới mực nước chết hoặc khô hạn. Đặc biệt, mực nước của các hồ thủy lợi lớn như hồ Ka La, huyện Di Linh, Đắk Lông Thượng huyện Bảo Lâm, hồ Đạ Tẻh huyện Đạ Tẻh, hồ Tuyền Lâm, Thành phố Đà Lạt… đang ở dưới mực nước dâng bình thường vài mét.
Trong khi đó, trên sông Đồng Nai, đoạn chảy qua tỉnh Lâm Đồng, mực nước đã xuống dưới mức thấp nhất, không đủ cột nước bơm khiến ba trạm bơm lớn trên đoạn sông này (gồm trạm Đức Phổ, Phù Mỹ, Phước Cát I) phải tạm dừng hoạt động hoặc hoạt động cầm chừng. Nguyên nhân của tình trạng này là do các nhà máy thủy điện trên hệ thống sông Đồng Nai tạm ngưng xả nước về hạ lưu.
Ông Phan Công Ngôn, Chi cục Trưởng Chi cục Thủy lợi Lâm Đồng cho biết, trong khi tình hình khô hạn diễn biến bất thường, một số hồ chứa, đập dâng bị hư hỏng, bồi lấp nhưng địa phương vẫn không có kinh phí để duy tu, sửa chữa do nguồn vốn phục vụ công tác chống hạn năm 2015 (hơn 57 tỷ đồng) đề xuất trung ương hỗ trợ đến nay vẫn chưa được bố trí.
Nguyễn Dũng