Cà phê Đắk Lắk hướng đến sản xuất bền vững

Trong mấy năm qua, Đắk Lắk đã tập trung các nguồn lực khai thác tốt tiềm năng đất đai, nhất là nguồn tài nguyên đất đỏ bazan để phát triển cây cà phê, đưa Đắk Lắk trở thành địa phương thủ phủ cà phê của cả nước, có diện tích, năng suất, sản lượng cà phê nhiều nhất Việt Nam. Đắk Lắk cũng đang hướng đến mục tiêu sản xuất cà phê bền vững.

Sản phẩm xuất khẩu mũi nhọn

Sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, thống nhất đất nước, Đắk Lắk chỉ có 11.563 ha cà phê, với năng suất chỉ vài tạ cà phê nhân/ha. Thế nhưng, đến nay, tỉnh Đắk Lắk đã có diện tích cà phê trên 204.390 ha, chiếm gần 41% diện tích cà phê của cả Tây Nguyên và 30% diện tích cà phê của cả nước, với sản lượng mỗi năm đạt từ 450.000 tấn cà phê nhân trở lên. Đây cũng là mặt hàng nông sản chiếm đến 86% kim ngạch xuất khẩu các sản phẩm nông sản, đóng góp trên 60% tổng thu ngân sách hàng năm của địa phương.

Xuất khẩu cà phê Đắk Lắk đã góp phần làm cho sản phẩm cà phê trong nhiều năm qua được đứng vào nhóm các mặt hàng của cả nước có giá trị kim ngạch xuất khẩu hàng tỷ USD mỗi năm. Năm 2014, giá trị kim ngạch xuất khẩu của ngành cà phê Việt Nam đạt trên 3,7 tỷ USD. Đến nay, sản phẩm cà phê của Đắk Lắk đã xuất khẩu đến 60 quốc gia và vùng lãnh thổ trên khắp các châu lục. Hiện tại và trong nhiều năm tới, cây cà phê vẫn giữ một vai trò hết sức quan trọng trong sự nghiệp phát triển kinh tế, xã hội của Đắk Lắk.

Thu hoạch cà phê chờ chế biến. Ảnh: TTXVN


Ngành hàng cà phê của Đắk Lắk còn góp phần giải quyết việc làm cho trên 300.000 lao động trực tiếp và hơn 100.000 lao động gián tiếp, đóng góp to lớn trong sự nghiệp phát triển kinh tế, xã hội. Đời sống nhân dân ở các vùng trồng cà phê của tỉnh đã từng bước được cải thiện, tỷ lệ hộ gia đình khá, giàu ngày càng tăng, trong đó có một bộ phận không nhỏ là đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ, đồng bào ở vùng sâu, vùng xa, số hộ nghèo giảm nhanh, cở hạ tầng kỹ thuật được đầu tư xây dựng từ nguồn xuất khẩu cà phê như điện, đường, trường, trạm phục vụ tốt yêu cầy sản xuất và đời sống cho đồng bào, bộ mặt nông thôn mới ngày càng hiện rõ.

Ông Y D’hăm Ênuôl, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Đắk Lắk khẳng định, ngành hàng cà phê ở Đắk Lắk như là một đòn bẩy thúc đẩy các hoạt động sản xuất, kinh doanh dịch vụ đầu tư phát triển.

Vẫn còn những thách thức

Trong quá trình hội nhập kinh tế thế giới, ngành cà phê Đắk Lắk cũng đang phải đối mặt với nhiều vấn đề, đó là: Sự tăng nhanh diện tích không theo quy hoạch dân đến một số diện tích cà phê được trồng trong điều kiện đất đai không phù hợp, khai phá đất tuỳ tiện, đất bị rửa trôi, thiếu nguồn nước tưới, mất cân bằng đất đai, nguồn nước ảnh hưởng đến môi trường sinh thái… Hình thức tổ chức sản xuất của nông dân sản xuất cà phê hiện nay trên địa bàn tỉnh chủ yếu là sản xuất cá thể, quy mô nhỏ lẻ, manh mún, với khoảng trên 85% diện tích cà phê của tỉnh do dân trực tiếp quản lý và sử dụng.

Với hình thức tổ chức sản xuất nhỏ, lẻ như trên thì sản phẩm cà phê nhân sản xuất ra không đồng đều về chất lượng, khó truy nguyên nguồn gốc nên tính cạnh tranh không cao, sản phẩm bán với giá thấp hơn, làm ảnh hưởng đến thu nhập của các nông hộ. Cũng chính do sản xuất nhỏ, lẻ, nông dân chưa có nhiều điều kiện tiếp cận nhiều các tiến bộ khoa học kỹ thuật về cây cà phê để kịp thời áp dụng nên năng suất, chất lượng sản phẩm chưa ổn định. Mặt khác, sản xuất nhỏ lẻ, nông dân cũng khó có điều kiện tiếp cận được với các nguồn vốn ưu đãi để phục vụ cho sản xuất (do tính pháp lý không có).

Trong khi đó, cây cà phê ở Đắk Lắk ngày càng già cỗi, do vậy ảnh hưởng nhiều đến năng suất, tính bền vững của ngành hàng cà phê trên địa bàn. Theo số liệu điều tra của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Đắk Lắk, thì cà phê trên 20 năm tuổi chiếm 23,5% diện tích, từ 15 đến 20 tuổi chiếm 34,9% diện tích. Như vậy, để ổn định diện tích phục vụ cho sản xuất cà phê bền vững của tỉnh thì cùng với kế hoạch tái canh cà phê từ nay đến năm 2020 là trên 30.442 ha, tỉnh Đắk Lắk sớm đặt ra các giải pháp để giúp cho người dân tái canh cà phê từ khâu tài chính đến tổ chức sản xuất, nguồn giống chất lượng cao… Đầu tư triển khai thay thế một số cây cà phê giống xấu (khoảng 20 đến 25% số cây/ha) bằng giải pháp ghép thay giống mới hoặc trồng các giống cà phê mới như TR4, TR5, TR6, TR7, TR8, TR9, TR11, TR12, TR13…, đồng thời, xây dựng thêm các công trình thuỷ lợi để phục vụ đủ nguồn nước tưới cho cây cà phê…

Hướng đến sản xuất cà phê bền vững


Tỉnh Đắk Lắk đã tiến hành khảo sát, quy hoạch phát triển cà phê theo hướng sản xuất bền vững để diện tích cà phê của tỉnh đến năm 2020 chỉ còn 170.000 ha, thực hiện tốt các biện pháp thâm canh vẫn đạt sản lượng hàng năm từ 450.000 tấn cà phê nhân trở lên. Những diện tích cà phê già cỗi, năng suất thấp, kém hiệu quả, không nằm trong vùng quy hoạch tuyên truyền, vận động đồng bào các dân tộc chuyển sang trồng các loại cây trồng khác có hiệu quả kinh tế cao hơn. Đối với những diện tích cà phê già cỗi, năng suất thấp trong vùng quy hoạch, có kế hoạch trồng tái canh bằng các giống mới. Nâng cao nhận thức cho người dân về sản xuất cà phê bền vững gắn với lợi ích kinh tế, xã hội, môi trường để chính người nông dân thấy được lợi ích của sản xuất cà phê bền vững và tích cực tham gia thực hiện.

Tỉnh có chính sách phù hợp khuyến khích người sản xuất không thu hoạch quả xanh, non, thu hoạch đúng độ chín, đẩy mạnh áp dụng chương trình sản xuất cà phê có trách nhiệm, có chứng nhận, huấn luyện, chuyển giao các kỹ thuật cơ bản về trồng, chăm sóc vườn cây, cải tạo đất chống xói mòn. Rà soát quy hoạch lại vùng chỉ dẫn địa lý cà phê Buôn Ma Thuột, tập trung phát triển cà phê theo hướng bền vững, sản xuất cà phê có thương hiệu, có xuất xứ rõ ràng, có chính sách thu hút đầu tư, khuyến khích, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp trong, ngoài nước tham gia thực hiện chương trình phát triển cà phê bền vững. Đắk Lắk tạo môi trường đầu tư thông thoáng, kêu gọi các nhà rang xay hàng đầu thế giới đầu tư xây dựng các nhà máy chế biến các sản phẩm chế biến sâu như cà phê bột, cà phê hoà tan nhằm nâng cao tỷ trọng công nghiệp chế biến, tăng giá trị sản phẩm xuất khẩu.

Bên cạnh đó, tỉnh tiếp tục vận động nông dân tham gia tổ chức thành lập nhóm hộ, tổ hợp tác, câu lạc bộ, hợp tác xã kiểu mới, chủ động xây dựng vùng chuyên canh, liên kết các thành phần kinh tế tạo điều kiện cho nông dân tiếp thu, áp dụng kỹ thuật mới, tiếp cận được thị trường trong, ngoài nước, tiến đến xây dựng mô hình cánh đồng mẫu lớn cho cây cà phê trên địa bàn tỉnh.

Tỉnh Đắk Lắk cũng kiến nghị các Bộ, ngành Trung ương áp dụng một số chính sách hỗ trợ cho việc thành lập tổ hợp tác, hợp tác xã sản xuất cà phê, miễn giảm thuế nông nghiệp cho các doanh nghiệp sản xuất cà phê; hỗ trợ 100% giống, lãi suất vay (50 triệu đồng/ha) cho nông dân khi chuyển đổi diện tích cà phê không thích hợp, già cỗi năng suất thấp sang trồng cây khác có hiệu quả kinh tế cao hơn, đồng thời hỗ trợ 100% giống cho nông dân thực hiện chương trình tái canh cây cà phê. Bên cạnh đó, hình thành quỹ sản xuất cà phê từ các nguồn chuyển kinh phí hoàn thuế VAT đối với các doanh nghiệp xuất khẩu cà phê, kinh phí nghiên cứu, khuyến nông và các nguồn huy động khác và tăng cường đầu tư xây dựng hạ tầng cơ sở như xây dựng hệ thống giao thông nội đồng, nâng cấp, hoàn thiện hệ thống thuỷ lợi trong vùng để thực hiện tốt việc sản xuất cà phê bền vững trên địa bàn.


Quang Huy (TTXVN)
Cà phê Việt Nam xếp thứ 6 tại Mỹ
Cà phê Việt Nam xếp thứ 6 tại Mỹ

Theo khảo sát mới đây của Liên đoàn các nhà sản xuất Cà phê Colombia (FNC), Việt Nam xếp thứ 6 về thương hiệu cà phê quốc gia tại Mỹ - thị trường tiêu thụ loại đồ uống này nhiều nhất thế giới.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN