Đa dạng hóa cây trồng trong tái canh cà phê

Viện Khoa học Kỹ thuật Nông - Lâm nghiệp Tây Nguyên vừa khuyến cáo các doanh nghiệp, các nông hộ sản xuất kinh doanh cà phê ở Tây Nguyên khi tái canh cà phê cần phải lập lại hệ sinh thái phù hợp, nhằm tạo điều kiện cho việc phát triển cà phê bền vững.

 

Theo Viện Khoa học Kỹ thuật Nông - Lâm nghiệp Tây Nguyên, hiện phần lớn diện tích cà phê ở Tây Nguyên đều trồng thuần, không có cây che bóng, đai rừng chắn gió, gây nên nhiều bất lợi cho cây cà phê, nhất là trong mùa khô. Qua nghiên cứu, vào mùa khô, tại các vườn cà phê không có cây che bóng đều có cường độ chiếu sáng mạnh, gió lớn làm thất thoát hơi nước ở mức độ cao. Trong một ngày, đêm, lượng nước bốc hơi trên rẫy cà phê lên đến 8mm. Tính ra, trong một tháng, lượng nước bốc hơi từ đất đã mất tới 240mm; trong khi đó, gần 6 tháng mùa khô, Tây Nguyên hầu như không có mưa.

Tái canh sẽ tạo điều kiện cho phát triển cà phê bền vững.
Ảnh: Thanh Hà - TTXVN


Cũng theo các nhà nghiên cứu, khi nhiệt độ không khí ở 350C, cây cà phê ngừng quang hợp; trong khi đó, nhiệt độ trong vườn cà phê vào mùa khô ở buổi trưa và chiều thường lên quá 350C nên thường làm cho cây cà phê thiếu nước, táp lá, hoặc cháy lá, khô cành, rụng quả, cây kiệt sức, dễ chết khô. Cũng qua nghiên cứu cho thấy, nếu trong vườn cà phê có cây che bóng, có đai rừng chắn gió, nhiệt độ trong lô cà phê giảm được từ 2,7 - 5,30C, làm giảm lượng bức xạ của mặt trời từ 12 - 14%, độ ẩm tăng lên từ 2 - 3% và có khả năng giảm được từ 41 - 87% tốc độ gió, tránh gây hại cho cây cà phê.


Từ những nghiên cứu trên, Viện Khoa học Kỹ thuật Nông - Lâm nghiệp Tây Nguyên đã khuyến cáo các nông hộ, các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh cà phê ở Tây Nguyên khi tái canh cà phê cần thực hiện đa dạng hóa sản phẩm trên từng đơn vị diện tích (đất trồng tái canh cà phê) theo hình thức kinh doanh đa tầng trong không gian. Cụ thể, khi vườn cà phê tái canh cây cà phê chưa khép tán (tầng thấp), các nông hộ, doanh nghiệp cần tận dụng trồng cây lương thực, đậu đỗ các loại để vừa tăng thu nhập vừa che phủ, bảo vệ cải tạo, nâng cao độ phì của đất. Đến mùa khô, tận dụng thân, lá của các cây đậu đỗ, lương thực này che, phủ gốc, hạn chế lượng nước bốc hơi. Khi cây cà phê ở tầng trung và tầng cao, nên trồng xen trong vườn, bờ lô cà phê bằng các loại cây ăn quả lâu năm có giá trị kinh tế cao như bơ, sầu riêng, quế, hoặc cây tiêu leo lên các trụ cây sống... để vừa có tác dụng chắn gió, che mát cho cây cà phê trong mùa khô, giảm lượng nước đáng kể vừa mang lại hiệu quả kinh tế cao.


Thực tế, tại các vườn cà phê tái canh khi đưa vào kinh doanh cho thu hoạch có trồng xen từ 160 - 280 cây tiêu leo lên trụ sống hay 370 cây tiêu có trụ chết không làm ảnh hưởng đến năng suất cà phê (vẫn đạt bình quân 3 tấn cà phê nhân/ha) mà người trồng còn thu hoạch thêm bình quân 1 tấn tiêu đen/ha. Nếu trồng xen sầu riêng với mật độ từ 90 - 100 cây/ha năng suất, sản lượng cà phê vẫn không giảm mà còn cho thu nhập tăng thêm sản phẩm quả sầu riêng mỗi vụ từ 25 - 30 triệu đồng/ha...


Cũng theo Viện Khoa học Kỹ thuật Nông - Lâm nghiệp Tây Nguyên, việc đa dạng hóa cây trồng và sản phẩm trong vườn cà phê tái canh là góp phần hình thành hệ sinh thái phù hợp với yêu cầu sinh lý của cây cà phê, không chỉ có tác dụng điều hòa tiểu khí hậu vườn cây, tăng độ ẩm, giảm nhiệt độ mà còn mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn gấp nhiều lần so với trồng thuần cà phê.


Hiện nay, các tỉnh Tây Nguyên trồng trên 551.669 ha cà phê; trong đó, trên 100.000 ha cà phê đã già cỗi, cần phải tái canh. Tỉnh Đắk Lắk có diện tích cà phê nhiều nhất Tây Nguyên với trên 202.000 ha và cũng là địa phương có diện tích cà phê già cỗi chiếm gần 50% diện tích cà phê cần tái canh của cả vùng Tây Nguyên.

Quang Huy

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN