Đánh giá tác động của chính sách Luật Bảo hiểm xã hội thời gian qua, Bộ LĐTBXH cho rằng, 1 trong 4 vấn đề lớn trong việc thực hiện chính sách BHXH là số lượng hưởng BHXH một lần tăng nhanh chóng dẫn tới độ bao phủ BHXH tăng chậm.
Trong giai đoạn 2012 - 2020, mỗi năm bình quân có khoảng 700.000 người hưởng BHXH một lần dẫn đến số người tham gia BHXH tăng thêm chỉ là gần 600.000 người; tức là cứ có 2 người mới tham gia vào BHXH thì có 1 người rời khỏi hệ thống. Số người hưởng BHXH một lần có xu hướng gia tăng qua từng năm đặt áp lực lớn lên nỗ lực mở rộng diện bao phủ BHXH và an toàn tài chính hưu trí cho người cao tuổi trong tương lai.
Ba tháng đầu năm 2021 đã có trên 226.500 người chọn hưởng BHXH một lần thay vì bảo lưu số năm để đóng tiếp khi có điều kiện. Theo đánh giá của BHXH Việt Nam, tình trạng này đang có chiều hướng gia tăng.
Việc rút BHXH một lần về lâu dài sẽ tác động lớn đến hệ thống an sinh xã hội. Theo đó, tỷ lệ lớn người già không có lương hưu sẽ tạo áp lực lớn cho xã hội khi phải bố trí nguồn lực đơn lẻ để bảo đảm an sinh. Thống kê hiện nay trên 60% người cao tuổi Việt Nam không có lương hưu.
Năm 2015, khi sửa đổi Luật Bảo hiểm xã hội (có hiệu lực từ 1/1/2016), điều 60 quy định theo hướng người lao động không được hưởng BHXH một lần sau nghỉ việc mà phải đợi đến tuổi nghỉ hưu. Trong thời gian chấm dứt hợp đồng, lao động được hưởng trợ cấp thất nghiệp, tư vấn việc làm và cộng dồn số năm đóng nếu người đó tiếp tục đi làm trong doanh nghiệp có đóng BHXH bắt buộc. Tuy nhiên, quy định này dẫn đến việc nhiều công nhân phản ứng, ngừng việc tập thể để phản đối.
Chính phủ sau đó kiến nghị Quốc hội sửa đổi quy định theo hướng để người lao động tự chọn hưởng BHXH một lần, hoặc bảo lưu để đóng tiếp nếu có điều kiện.
Sau nhiều cuộc tranh luận, Quốc hội thông qua Nghị quyết cho hưởng BHXH một lần nếu có nhu cầu.
Do đó, tại Tờ trình sửa đổi Luật BHXH lần này, Bộ LĐTBXH đề xuất điều chỉnh quy định điều kiện hưởng BHXH một lần theo hướng có lộ trình tiến tới chỉ giải quyết đối với người lao động khi đã hết tuổi lao động nhưng không đủ điều kiện hưởng lương hưu mà không có nhu cầu đóng tiếp, trừ trường hợp ra nước ngoài để định cư hợp pháp hoặc mắc bệnh hiểm nghèo mà có nhu cầu nhận một lần hoặc quy định trường hợp chưa hết tuổi lao động mà nhận bảo hiểm xã hội một lần thì mức hưởng thấp hơn.
Bên cạnh đó, Bộ LĐTBXH cũng đề xuất giảm dần số năm đóng BHXH tối thiểu, từ 20 xuống 15 năm, hướng tới còn 10 năm để hưởng lương hưu. Song mức hưởng sẽ được tính toán phù hợp. Thay đổi này tạo điều kiện cho người lao động cao tuổi, có số năm đóng BHXH thấp được hưởng lương hưu, mở rộng diện bao phủ, hạn chế hưởng BHXH một lần.