Đây là doanh nghiệp thứ 2 trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa được giải ngân gói 26 nghìn tỷ đồng hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn bởi đại dịch COVID-19 theo Nghị quyết 68/NQ-CP của Chính phủ.
Phấn khởi vì nhận được sự hỗ trợ kịp thời của Chính phủ trong thời điểm dịch bệnh khó khăn, ông Hoàng Văn Thiệu, Giám đốc Công ty cổ phần Dịch vụ may xuất khẩu Xuân Lam cho biết, công ty hiện đang tạo công ăn việc làm cho 254 lao động, với ngành nghề kinh doanh chủ yếu là may mặc, gia công hàng dệt may xuất khẩu.
Năm 2021, ảnh hưởng của dịch COVID-19 khiến công ty rơi vào tình trạng khó khăn, hàng hóa đầu vào, đầu ra đều bị ngưng trệ, nhiều dây chuyền sản xuất phải tạm dừng hoạt động. Hàng trăm lao động vì thế cũng mất việc làm. Để duy trì nguồn nhân lực sau khi dịch bệnh được kiểm soát, công ty vẫn phải chi trả lương để đảm bảo mức sống tối thiểu cho người lao động.
Trong thời điểm khó khăn, Công ty được cán bộ Ngân hàng Chính sách xã hội chủ động đến tận nơi tiếp cận, tuyên truyền về gói hỗ trợ của Chính phủ. Xét thấy doanh nghiệp đủ điều kiện vay vốn, cán bộ Ngân hàng Chính sách đã hướng dẫn người sử dụng lao động lập hồ sơ, hoàn thiện các thủ tục cần thiết để giải ngân vốn vay 994.680.000 đồng một cách thuận lợi.
Ngay sau khi nhận nhận được tiền giải ngân, công ty sẽ trả lương cho 108 người lao động bị ngừng việc trong các tháng 5, 6,7 năm 2021, số tiền cho vay 994.680.000 đồng. Chính sách hỗ trợ người sử dụng lao động vay vốn để trả lương ngừng việc, trả lương phục hồi sản xuất cho người lao động là một trong những chính sách có ý nghĩa nhân văn cao, thể hiện sự quan tâm kịp thời của Đảng, Nhà nước trước những khó khăn chung của đất nước trong bối cảnh đại dịch COVID-19. Hy vọng thời gian tới, sẽ có thêm nhiều doanh nghiệp được tiếp cận gói hỗ trợ để sớm phục hồi nền kinh tế…, ông Thiệu bày tỏ.
Theo báo cáo của Ngân hàng Chính sách Xã hội tỉnh Thanh Hóa, tính đến ngày 14/8/2021, tại 27 huyện, thị, thành phố trên địa bàn tỉnh, đơn vị đã rà soát được hơn 1.743 đơn vị; trong đó có 856 đơn vị thuộc nhóm đối tượng người sử dụng lao động vay vốn để trả lương ngừng việc, trả lương cho người lao động khi phục hồi sản xuất kinh doanh. Đến thời điểm hiện tại đã có 6 doanh nghiệp hoàn thiện hồ sơ vay vốn; trong đó, 2 doanh nghiệp đã được giải ngân kịp thời với số tiền hơn 1 tỷ đồng.
Ông Nguyễn Tiến Trứ - Phó Giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh Thanh Hóa cho biết, thời gian tới, Ngân hàng Chính sách xã hội tiếp tục phối hợp với Bảo hiểm xã hội để lấy danh sách doanh nghiệp có lao động đang tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc, phối hợp với đơn vị liên quan tăng cường tuyên truyền để thêm nhiều doanh nghiệp nhận được hỗ trợ từ chính sách của Chính phủ.
Ngân hàng phân công cán bộ chủ động tiếp cận với doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, lĩnh vực vận tải, du lịch, dịch vụ lưu trú để tuyên truyền, rà soát đối tượng, giải đáp thắc mắc về điều kiện, đối tượng vay vốn; nắm bắt nhu cầu vay vốn… giúp các doanh nghiệp vượt qua thời điểm khó khăn, có thêm nguồn lực phục hồi sản xuất…